Theo HoREA, khi thị trường bất động sản bị khủng hoảng, đóng băng giai đoạn 2011-2013, để giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và hỗ trợ người thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 ngày 7/1/2013 với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng.
Trong đó, khoảng70% tương đương 21.000 tỉ đồng dành hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán không quá 1,05 tỉ đồng, được hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi 6%/năm 2013; và 5%/năm từ năm 2014 đến năm 2019; và 30% còn lại được hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Tại TP.HCM đã có 10.316 đối tượng được vay gói 30.000 tỉ đồng với tổng số tiền được vay là 7.032 tỉ đồng, trong đó, có 10.308 cá nhân đã vay 5.575 tỉ đồng và 8 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay 1.456 tỉ đồng, tổng cộng đã giải ngân trên địa bàn thành phố được 8.488 tỉ đồng.
Tuy nhiên, HoREA cho rằng, việc chấm dứt gói tín dụng ưu đãi này cũng đã làm cho nhiều người thu nhập thấp đô thị chưa được tiếp tục vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội.
Cũng theo HoREA, đa số các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi do nhu cầu quá lớn. Việc tiếp cận vốn vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội đang bị vướng mắc do căn hộ nhà ở xã hội thường đã bị chủ đầu tư dự án thế chấp ngân hàng. Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội lại chưa được phép cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay.
Điều này đã dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang xây dựng dở dang không được tiếp tục vay để hoàn thành dự án, nhiều người vay mua nhà ở xã hội nhưng chưa được nhận nhà trong năm 2016 cũng không còn được tiếp tục vay ưu đãi, phải chuyển sang vay thương mại nên cả chủ đầu tư dự án và người vay mua nhà ở xã hội gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở xã hội hiện đang bị trở ngại do chưa bố trí được đủ nguồn vốn từ ngân sách để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.
Vì vậy, HoREA kiến nghị Quốc hội bổ sung "Chương trình thực hiện chính sách NƠXH" vào Điều 7 Nghị quyết số 1023 ngày 28/08/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Các chương trình mục tiêu", bao gồm 21 danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bố trí khoản chi ngân sách thực hiện chính sách nhà ở xã hội hàng năm tùy theo khả năng ngân sách, trước hết là năm 2019, để Chính phủ có căn cứ thực hiện.
Trước mắt, đối với khoản chi ngân sách 1.260 tỉ đồng, hiệp hội đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét phân bổ nguồn vốn ngân sách cho cả bốn tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định, gồm có Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank, là những ngân hàng chủ lực đã tham gia thực hiện chính sách cho vay ưu đãi các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/2013 của Chính phủ, chứ không phải chỉ có Ngân hàng Chính sách xã hội.
HoREA cũng kiến nghị Thủ tướng ra quy định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội như lãi suất với gói 30.000 tỉ đồng trước đây (5%/năm) để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.
“Về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, đề xuất Chính phủ xem xét thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội chỉ từ 3-3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp đô thị”, HoREA kiến nghị.
Cũng theo đơn vị này, quy định “dự án có quy mô từ 10 ha trở lên phải xây nhà ở xã hội ngay bên trong dự án” có thể chưa phù hợp. Vì vậy nên cho phép tất cả các nhà đầu tư được lựa chọn 1 trong 3 phương án gồm: Xây dựng nhà ở xã hội tại dự án; Hoán đổi quỹ đất hoặc quỹ nhà ở xã hội có giá trị tương đương tại vị trí khác; hoặc cho doanh nghiệp bất động sản thanh toán bằng tiền. Nguồn thu được này sẽ được đầu tư vào các dự án phát triển nhà ở xã hội theo quy hoạch của địa phương.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội trong toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011-2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP.HCM khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn… Theo kết quả thực hiện của các địa phương, đến nay chỉ mới thực hiện được khoảng 30% kế hoạch đã đề ra. Hiện TP.HCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ, và đến năm 2020, có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn. |
-
Xã hội hóa xây dựng nhà tái định cư
Từ nay đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội, nhà tái định cư bằng vốn ngoài ngân sách nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở, nhu cầu an sinh xã hội cho người dân…
-
Nhiều người vẫn coi trọng sở hữu nhà hơn là thuê nhà
CafeLand - Nhận định này được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đưa ra tại buổi hôi thảo “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030” diễn ra sáng ngày 21/2 tại Hà Nội.
-
Xác nhận thu nhập cho lao động tự do muốn mua nhà ở xã hội thế nào?
Tôi là lao động tự do nên không có hợp đồng lao động. Khi tôi ra xã xác nhận điều kiện về thu nhập để đăng ký mua nhà ở xã hội thì xã không xác nhận với lý do, không có cơ sở để chứng minh thu nhập của tôi....
-
Nhà ở xã hội đã có Giấy chứng nhận nhưng chưa đủ 5 năm thì có được bán cho người khác?
Xin hỏi, mua nhà ở xã hội chưa đủ 5 năm, có Giấy chứng nhận thì có được bán cho người khác? Có phải nộp tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội sau thời hạn 5 năm?
-
Nhà ở xã hội có được dùng làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng?
Xin hỏi, đối tượng được mua NOXH thì có được dùng NOXH để thế chấp vay vốn ngân hàng?