Nhà ở xã hội mới đạt 33%
Ông Sinh cho hay, Việt Nam có mức độ đô thị hoá nhanh. Ước tính đến năm 2020, 40% dân số sẽ sinh sống tại thành phố. Đô thị hoá nhanh, nhu cầu nhà ở tăng, giá đất tăng, đối tượng người nghèo cũng tăng theo.
Do đó, nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng bức thiết. Điển hình tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đang bùng nổ nhu cầu nhà ở, trong khi quỹ đất để phát triển xây dựng nhà ở, giao thông và các dịch vụ tiện ích đều đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Việc triển khai phát triển nhà ở xã hội thời gian qua đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của các cấp, bộ ngành, địa phương và người dân. Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội vẫn hạn chế.
Tính đến đầu năm 2018, số lượng công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở vào khoảng 1,2 triệu người, dự kiến đến năm 2020 sẽ lên tới khoảng 3 triệu người. So với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, số lượng nhà ở xã hội hoàn thành tính đến hết năm 2018 mới đạt được khoảng 33% và cần 12 triệu m2 nhà ở xã hội nữa.
Theo ông Sinh, việc phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế là do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế; chính quyền địa phương còn chưa quan tâm đúng mức cho phát triển nhà ở, chưa bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Số lượng nhà ở xã hội hoàn thành tính đến hết năm 2018 mới đạt được khoảng 33%.
Đặc biệt, tình trạng thiếu vốn phát triển nhà ở xã hội không chỉ xảy ra ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM mà còn ở cả các địa phương khác. Đơn cử như tại tỉnh Quảng Nam, năm 2018, Quảng Nam đã được phân bổ 50 tỉ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, nhưng trên thực tế, nhu cầu của địa phương cũng như người dân còn hơn thế nhiều, mà chưa có nguồn vốn bổ sung.
“Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa mặn mà đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Người dân còn có tâm lý coi trọng sở hữu nhà hơn là thuê mua nhà ở xã hội”, vị thứ trưởng nhận định.
Cần nhanh chóng triển khai cơ chế bù lãi suất
Để tháo gỡ nút thắt về vốn cho nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề xuất Chính phủ bố trí thêm 3.000 tỉ đồng.
Bàn về việc này, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng việc triển khai gói 30.000 tỉ đồng thời gian trước đây cho thấy rất hiệu quả. Gói này tham gia vào thị trường đã thu hút được nguồn vốn lớn trong xã hội, có tác dụng lan truyền từ phân khúc nhà ở xã hội sang các phân khúc khác của thị trường.
Song theo ông Nam, trước tiên cần nhanh chóng triển khai cơ chế bù lãi suất cho bốn ngân hàng thương mại cổ phần, cho cả chủ đầu tư và khách hàng vay mua nhà. Như vậy, với 1 tỉ đồng bù lãi suất có thể huy động được thêm 33,3 tỉ đồng (dự tính mức bù lãi suất là 3%/năm) từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Điều này sẽ huy động được một nguồn vốn lớn ngoài ngân sách cho phát triển các dự án nhà ở xã hội.
Về lâu dài cần có cơ chế chính sách tín dụng ưu đãi cho khách hàng, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội như đã được quy định trong Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn, cũng như hỗ trợ ưu đãi nhà ở thương mại giá rẻ (dưới 1,05 tỉ đồng) tương tự như Nghị quyết 02 của Chính phủ trước đây đã rất thành công.
Bên cạnh đó, ông Nam cũng cho rằng, mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở nên là dạng “đóng”, chỉ huy động tài chính từ nguồn duy nhất từ các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay để tạo lập nhà ở mà không được phép huy động từ các nguồn khác. Đây là mô hình do người dân tự nguyện tham gia, tự nguyện đóng góp và xã hội hoá. Nghĩa là, thay vì sử dụng vốn chính sách thì sử dụng vốn tư nhân và vốn nhàn rỗi của người dân. Một số nước đã và đang áp dụng khá thành công mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở như Đức, Malaysia, Trung Quốc, Singapore…
Đặc biệt, người dân cần thay đổi quan niệm sở hữu nhà ở sang có chỗ ở (thuê nhà). Ông đưa ra lời khuyên cho những người trẻ, chưa có nhiều tích luỹ thì không nên dốc hết tiền mua nhà mà vẫn có chỗ ở như mong muốn bằng cách đi thuê nhà tại những dự án phù hợp với khả năng tài chính cũng như thuận lợi cho công việc của mình. Đây là xu hướng chung trên thế giới và cũng đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng chính sách phải đi liền với ngân sách, phải gắn liền với thực tiễn đời sống, phải có tính hấp dẫn, thông thoáng, thủ tục phải gọn nhẹ và thuận lợi thì mới có tính thu hút, khả thi. Bên cạnh đó, muốn có nguồn lực, phải xây dựng được đề án, chiến lược cụ thể và xuất phát từ thực tế.
"Có những doanh nghiệp cho biết, nếu Chính phủ có mục tiêu, có điều kiện và chủ trương xây nhà hỗ trợ cho công nhân thu nhập thấp bằng nguồn của Nhà nước thì họ có thể đóng góp một phần để thu hút, hỗ trợ cho người lao động hoặc vay hộ cho công nhân với thời hạn dài hơn và thậm chí không có lãi suất", ông Lợi cho biết.
Bài học từ Hàn Quốc Theo TS. Mon Hyogon, chuyên gia nhà ở xã hội Hàn Quốc, từ những năm 1970, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống nhà ở xã hội bằng cách đầu tư vốn vào Công ty Nhà ở Hàn Quốc, đồng thời thiết lập cách thức tổ chức hiệu quả về phát triển nhà ở diện tích nhỏ để điều tiết cho các gia đình có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ bình ổn thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp bằng cách tăng cường nguồn cung nhà, siết chặt hoạt động đầu cơ bất động sản... Nhờ các biện pháp này, hiện nay đa số người dân Hàn Quốc đã có cơ hội được sở hữu nhà ở với mức giá phải chăng. Ông Kim Nam Jung, Viện nghiên cứu đất đai hạ tầng Hàn Quốc, cho rằng điều cấp thiết hiện nay là Việt Nam cần phải có những quy định cụ thể, các thành phố lớn cần hình thành tổ chức chuyên gia hỗ trợ cho địa phương. “Bên cạnh đó, nội dung phát triển nhà ở xã hội còn khá rộng, nên cần một quy định chính sách dành riêng cho nhà ở xã hội. Cụ thể,Việt Nam cần có bộ nhận diện chi tiết để khi nhắc đến nhà ở xã hội là nhắc đến nhà ở có hồn Việt, phù hợp với đại đa số túi tiền của người dân”. |
-
Nên tính “sản xuất nhà” thay vì “xây nhà”
Ngoài bài toán vốn, việc áp dụng công nghệ để “sản xuất nhà” thay vì “xây nhà” nhằm tiết kiệm chi phí, cũng là lời giải tối ưu cho bài toán phát triển nhà ở xã hội.
-
Xác nhận thu nhập cho lao động tự do muốn mua nhà ở xã hội thế nào?
Tôi là lao động tự do nên không có hợp đồng lao động. Khi tôi ra xã xác nhận điều kiện về thu nhập để đăng ký mua nhà ở xã hội thì xã không xác nhận với lý do, không có cơ sở để chứng minh thu nhập của tôi....
-
Nhà ở xã hội đã có Giấy chứng nhận nhưng chưa đủ 5 năm thì có được bán cho người khác?
Xin hỏi, mua nhà ở xã hội chưa đủ 5 năm, có Giấy chứng nhận thì có được bán cho người khác? Có phải nộp tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội sau thời hạn 5 năm?
-
Nhà ở xã hội có được dùng làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng?
Xin hỏi, đối tượng được mua NOXH thì có được dùng NOXH để thế chấp vay vốn ngân hàng?