03/12/2019 10:06 AM
CafeLand - Sau sự việc chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng thông báo ngừng thực hiện chi trả lợi nhuận 12%/năm cho khách hàng đã mua căn hộ du lịch (condotel) từ ngày 31/12/2019, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý để loại hình condotel phát triển bền vững.

HoREA đề nghị xác định đất du lịch là một loại đất phi nông nghiệp (riêng), hoặc bổ sung đất du lịch vào Điều 153 Luật Đất đai 2013 để tăng cường quản lý nhà nước đối với đất du lịch.

Trong văn bản này, HoREA chỉ ra Luật Kinh doanh bất động sản lại có lỗ hổng. Luật chỉ quy định các điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, nhưng lại không quy định chặt chẽ các điều kiện bán các loại bất động sản khác hình thành trong tương lai, trong đó có condotel.

Để “bịt” các lỗ hổng pháp lý, HoREA đề nghị xác định đất du lịch là một loại đất phi nông nghiệp (riêng), hoặc bổ sung đất du lịch vào Điều 153 Luật Đất đai 2013 để tăng cường quản lý nhà nước đối với đất du lịch.

Đất du lịch chỉ được sử dụng cho mục đích du lịch, không được tùy tiện biến thành đất ở của các hộ gia đình để tránh làm quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực, có thể dẫn đến làm phá vỡ quy hoạch du lịch và tác động tiêu cực đến môi trường thu hút đầu tư phát triển du lịch.

Hiệp hội cũng đề nghị tiếp tục áp dụng chế độ sử dụng đất du lịch có thời hạn tối đa 50 năm (trường hợp đặc biệt không quá 70 năm), trong đó có đất du lịch dùng để phát triển condotel. Trên cơ sở đó, người mua sản phẩm condotel trong các dự án du lịch nghỉ dưỡng được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu condotel và quyền sử dụng đất có thời hạn theo thời hạn của dự án.

Đồng thời, HoREA đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ quyết định phương thức tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hợp lý đối với các dự án du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, lưu ý đặc điểm các dự án du lịch nghỉ dưỡng (không có bán căn hộ condotel) thì thời gian hoàn vốn rất dài, thường trên dưới 20 năm.

Đề nghị bổ sung quy phạm pháp luật (mới), quy định các hành vi có liên quan đến kinh doanh bất động sản (bán nhà ở hoặc condotel hình thành trong tương lai) trước thời điểm giao kết hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng, condotel hình thành trong tương lai, như đặt cọc, hứa mua hứa bán, góp vốn đầu tư, hợp tác đầu tư… Trong đó, quy định giá trị đặt cọc không quá 5-10% giá trị hợp đồng.

HoREA cũng đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm trình Chính phủ xem xét để các Bộ ban hành quy chế quản lý vận hành, khai thác kinh doanh dự án condotel đa sở hữu và quy định về quyền ra quyết định của các đồng sở hữu đối với tài sản là sở hữu chung theo phần phù hợp, để tăng cường công tác quản lý nhà nước và để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng - nhà đầu tư thứ cấp.

  • Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói gì về Condotel?

    Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói gì về Condotel?

    CafeLand – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, Condotel hiện vẫn chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng, việc chủ đầu tư cam kết mức lợi nhuận quá cao tiềm ẩn rủi ro cho người mua.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.