Đề xuất trên được Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra trong kiến nghị về giải pháp tạo quỹ đất phát triển nhà xã hội trên địa bàn thành phố gửi Thường trực UBNDTP.HCM và Sở Xây dựng.
Đề xuất cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại cao cấp không phải xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20%.
Theo Luật Nhà ở 2023, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, II và III phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong dự án, sau khi đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định cho phép chủ đầu tư bố trí quỹ đất này tại vị trí khác hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật để phát triển nhà ở xã hội.
Góp ý với UBND TP.HCM, HoREA kiến nghị chỉ nên áp dụng quy định dành 20% đất dự án thương mại làm nhà ở xã hội với các dự án nhà ở bình dân vì loại hình này không có sự khác biệt đáng kể về giá với nhà ở xã hội.
Riêng các dự án nhà ở thương mại cao cấp và trung cấp, thành phố nên cho phép doanh nghiệp không phải bố trí quỹ đất 20% của dự án để xây nhà ở xã hội (trừ trường hợp chủ đầu tư tự đề xuất xây dựng).
Thay vào đó cho chủ đầu tư được đề xuất thực hiện bố trí quỹ đất nhà ở xã hội đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội khi chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, giá nhà ở xã hội được xây dựng trên quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại cao cấp, dự án nhà ở thương mại trung - cao cấp thì sẽ làm cho giá nhà ở xã hội rất cao do chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng rất cao.
Chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng của dự án nhà ở thương mại cao cấp, dự án nhà ở thương mại cao cấp được phân bổ cho phần quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội rất cao.
Chưa tính đến chi phí quản lý, vận hành sau khi dự án hoàn thành đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng cũng rất cao, có thể vượt quá khả năng tài chính của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Ông Châu cho biết, đang có ý kiến là các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại sẽ lựa chọn phương thức đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn quỹ đất khả dụng để thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội của Thành phố trong giai đoạn 2021-2030.
Tuy nhiên, HoREA cho rằng TP.HCM hoàn toàn có thể sử dụng khoản thu này để tạo lập quỹ đất phát triển nhà ở xã hội tại các khu vực phù hợp hơn.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, từ năm 2021 đến nay, thành phố chỉ có 10 dự án nhà ở xã hội, trong đó 6 dự án đã hoàn thành, 4 dự án đang triển khai thi công với tổng số căn nhà gần 6.000 căn. Đây là kết quả khiêm tốn và đặt ra nhiều thách thức để TP.HCM thực hiện được chỉ tiêu phát triển 69.700-93.000 căn nhà ở xã hội đã đề ra trong giai đoạn 2021-2030. |
-
Năm 2025, các địa phương phải đăng ký chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo một số nội dung triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội năm 2025 cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp....
-
Nhà ở xã hội: Thách thức cho cả người dân và doanh nghiệp
Theo chuyên gia, doanh nghiệp dù rất muốn làm nhà ở xã hội và số lượng người dân cần mua loại hình này cũng rất lớn nhưng các quy định về thủ tục, pháp lý và cả lãi suất cho vay đều đang gây khó cho hai nhóm đối tượng này....
-
Handico và Viglacera sắp khởi công hơn 1.000 căn nhà ở xã hội tại Hà Nội
Liên danh chủ đầu tư Handico và Viglacera dự kiến sẽ tổ chức khởi công công trình CT3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại ô đất CT3, CT4 - Khu đô thị mới Kim Chung, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội vào đầu năm 2025....