Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản đề xuất một số cơ chế, giải pháp để thực hiện chỉ tiêu phát triển từ 69.700 đến 93.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030 trên địa bàn thành phố gửi Thường trực UBND TP.HCM và Sở Xây dựng.
Đến năm 2030, TP.HCM có khoảng 70.000 căn hộ nhà ở xã hội.
Trong văn bản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, rất hoan nghênh Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã cam kết kéo giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư dựng dự án nhà ở xã hội từ hơn 1 năm xuống còn không quá 6 tháng và trực tiếp chỉ đạo các dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê đáp ứng nhu cầu thuê nhà của cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang nhân dân và công nhân lao động.
Sở Xây dựng cũng đã công bố danh mục 07 dự án nhà ở xã hội mời gọi đầu tư với khoảng 8.000 căn hộ và đã được rất nhiều doanh nghiệp bất động sản quan tâm nên có thể phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và Sở Xây dựng cũng đã công bố 03 thiết kế mẫu nhà ở xã hội cao tầng. Nếu được phép áp dụng trong thời gian tới thì sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho cả các chủ đầu tư, cơ quan Nhà nước và giảm giá thành nhà ở xã hội.
Tại “Hội nghị Xúc tiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, đã có 21 doanh nghiệp đăng ký thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại quỹ đất do doanh nghiệp tự tạo lập với khoảng 52.000 căn hộ.
Trong đó có 09 doanh nghiệp đăng ký tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại địa chỉ quỹ đất cụ thể thuộc quyền sử dụng của doanh nghiệp với khoảng 40.000 căn hộ và 12 doanh nghiệp đăng ký, cam kết tìm quỹ đất trên địa bàn thành phố để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với khoảng 12.000 căn hộ.
Như vậy, tính gộp với 07 khu đất Thành phố mời gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với khoảng 8.000 căn hộ cùng với 10.000 căn hộ nhà ở xã hội do Thành phố dự kiến đầu tư công thì TP.HCM có thể phát triển được khoảng 70.000 căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, đáp ứng được chỉ tiêu 69.700 căn hộ và Thành phố quyết tâm phấn đấu để thực hiện mục tiêu phát triển 93.000 căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030.
Thí điểm giao Sở Xây dựng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án NOXH
Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, HoREA đề xuất một số cơ chế, giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình của Thành phố nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhất là các dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê là lĩnh vực rất khó thu hút đầu tư do tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn dài.
Trong đó, HoREA đề xuất các Sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức cùng chung tay phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để triển khai thực hiện ngay các dự án nhà ở xã hội mà các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đang có sẵn quỹ đất, nhất là quỹ đất 20% dành để phát triển nhà ở xã hội.
Theo Hiệp hội, để thực hiện mục tiêu phát triển khoảng 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 thì Thành phố cần phải có khoảng 69 - 93 dự án nhà ở xã hội độc lập với quy mô trung bình 1.000 căn hộ/dự án. Tổng diện tích đất cần phải bố trí lên đến khoảng 96 - 130 ha.
Trường hợp sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại dành để xây dựng 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội thì tổng diện tích đất của các dự án nhà ở thương mại này cần phải có khoảng 480 - 650 ha.
Nếu kết hợp cả hình thức đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội độc lập với việc sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại dành để xây dựng 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội thì tổng diện tích đất cần phải bố trí cũng có thể lên đến khoảng vài trăm ha.
Do vậy, công tác bố trí đủ quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, xây dựng để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố đã được phê duyệt là điều kiện có tính quyết định để thực hiện mục tiêu phát triển khoảng 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.
Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét để có thể sửa đổi khoản 3 Điều 5 Nghị định số 100/2024/NĐ-CP theo hướng cho phép “chủ đầu tư dự án được điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất lên tối đa 1,5 lần so với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành do cơ quan có thẩm quyền ban hành”, để tăng thêm sản phẩm căn hộ nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở xã hội so với dự án nhà ở thương mại có cùng quy mô diện tích đất trong cùng khu vực quy hoạch phân khu.
HoREA đề nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét để có thể bãi bỏ khoản 3 Điều 77 Nghị định số 100/2024/NĐ-CP, để chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng chính sách xã hội.
Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép thí điểm thực hiện cơ chế giao Sở Xây dựng thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội tương tự như dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
-
Tin vui cho hàng chục nghìn người dân đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM
Các doanh nghiệp cam kết từ nay đến 2030 sẽ xây hơn 52.000 căn nhà ở xã hội từ quỹ đất của mình, 18.000 căn còn lại được xây trên quỹ đất công và ngân sách thành phố. Đây được xem là thông tin tích cực đối với sự phát triển của phân khúc nhà ở xã hội, đồng thời mở ra nhiều cơ hội tiếp cận nhà ở cho người dân đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM.
-
Thủ tướng chỉ đạo gỡ vướng, gỡ khó cho phân khúc nhà ở có nhu cầu rất lớn nhưng nguồn cung đang “nhỏ giọt”
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khẩn trương triển khai các dự án nhà ở xã hội trên cả nước.
-
HoREA đề xuất dự án cao cấp không cần dành 20% quỹ đất làm nhà xã hội
Đề xuất cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại cao cấp không phải xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20%, thay vào đó có thể chọn bố trí tại vị trí khác hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội....
-
Cả nước không có dự án nhà xã hội nào hoàn thành trong quý 3
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, quý 3 cả nước không ghi nhận thêm dự án nhà ở xã hội nào, chỉ một phần dự án hoàn thành một phần với quy mô 200 căn.