12/11/2023 11:44 AM
Đối với kênh xuất khẩu, Hoa Sen cho biết sẽ không tập trung ở một thị trường trọng điểm mà thúc đẩy đồng thời ở các thị trường Mỹ, châu Âu, châu Á để phân tán rủi ro. Đồng thời, trung hoàn thiện hệ thống Hoa Sen Home trong thời gian tới.

Những gì khó khăn nhất đã qua

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo phân tích về triển vọng kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) với nhận định, giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua, nhưng chưa thể kỳ vọng sản lượng tăng trưởng mạnh trong năm 2024 do nhu cầu tại thị trường nội địa và xuất khẩu vẫn còn yếu.

Hoa Sen không đầu tư lớn, tập trung hoàn thiện hệ thống Hoa Sen Home trong năm 2024

VDSC cho biết, trong quý 4 niên độ tài chính 2022-2023 (từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023), Hoa Sen đã cung cấp ra thị trường 390.000 tấn tôn mạ. Trong đó, sản lượng tiêu thụ tại thị trường nước ngoài tiếp tục đóng góp chính, chiếm 57% tổng sản lượng; thị trường trong nước duy trì sản lượng ổn định ở mức 40.000 tấn/tháng.

Với sản lượng tiêu thụ trên, Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần trong giai đoạn này đạt 8.100 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Công ty báo lợi nhuận sau thuế đạt 438 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 887 tỷ đồng.

Dù kết quả quý kinh doanh vừa qua đã cải thiện so với mức lỗ kỷ lục trong quý đầu năm nhưng tính chung cả niên độ 2022-2023, nhà sản xuất tôn mạ này chỉ lãi vỏn vẹn 28 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ.

Doanh thu hợp nhất của Hoa Sen trong giai đoạn này đạt 31.650 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ do sản lượng tiêu thụ và giá bán giảm mạnh.

Được biết, trong niên độ 2022-2023, Hoa Sen đưa ra hai kịch bản lợi nhuận 100 tỷ đồng và 300 tỷ đồng, đều thấp so với kế hoạch 10 năm trở lại đây. Cụ thể, kịch bản đầu tiên dựa trên sản lượng thành phẩm đạt 1,4 triệu tấn, mang về doanh thu 34.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 100 tỷ đồng.

Với kịch bản khả quan hơn là tiêu thụ được 1,5 triệu tấn thành phẩm, doanh nghiệp này dự kiến thu 36.000 tỷ đồng và lãi 300 tỷ đồng.

Như vậy, với việc lãi 28 tỷ đồng, Hoa Sen không hoàn thành được mục tiêu lãi 100-300 tỷ đồng trong niên độ này.

Ban lãnh đạo Hoa Sen cho rằng, những khó khăn của ngành tôn thép nói chung có thể kéo dài tới cuối năm 2024 do các vấn đề vĩ mô như bất ổn địa chính trị, chính sách tiền tệ thắt chặt, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, nhu cầu suy yếu.

Không bỏ hết trứng vào một giỏ

Theo chia sẻ mới nhất của ban lãnh đạo Hoa Sen về kế hoạch kinh doanh niên độ 2023-2024, thị trường thép tuy đã qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng năm 2024 thì chưa thể kỳ vọng sản lượng tăng trưởng mạnh do nhu cầu nội địa còn yếu và kinh tế vĩ mô thế giới còn nhiều rủi ro.

Ảnh minh họa

Doanh nghiệp này kỳ vọng giá nguyên liệu chính là thép cuộn cán nóng HRC sẽ không có nhiều biến động trong năm 2024, dao động quanh vùng 550-600 USD/tấn và đang đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên giả định này. Cùng với đó, tập đoàn sẽ hạn chế vay nợ bằng đồng USD để tránh rủi ro tỷ giá.

Về thị trường tiêu thụ, Hoa Sen vẫn đang tiếp tục cân bằng giữa thị trường nội địa và xuất khẩu ở tỷ lệ tương ứng 50:50.

“Do sức mua nội địa yếu nên sản lượng tiêu thụ hiện tại vẫn đang nghiêng về kênh xuất khẩu, đồng thời không tập trung ở một thị trường trọng điểm mà thúc đẩy đồng thời ở các thị trường Mỹ, châu Âu, châu Á nhằm phân tán rủi ro” lãnh đạo Hoa Sen chia sẻ.

Theo đó, doanh nghiệp này đặt kế hoạch sản lượng tiêu thụ duy trì trung bình 130.000 tấn/tháng, tương đương sản lượng cả năm có thể đạt 1,56 triệu tấn, tăng 11,4% so với niên độ trước.

Không đầu tư lớn, tập trung hoàn thiện Hoa Sen Home

Đối với kế hoạch đầu tư, ban lãnh đạo Hoa Sen cho biết sẽ không đầu tư lớn vào máy móc thiết bị mà chỉ tập trung vào hoàn thiện hệ thống Hoa Sen Home. Hiện nay, tập đoàn duy trì khoảng 500 cửa hàng, gồm khoảng 400 cửa hàng truyền thống và khoảng 110 cửa hàng Hoa Sen Home và đang tập trung nâng cao hiệu quả của hệ thống này.

Cụ thể, Hoa Sen sẽ mở rộng số lượng sản phẩm bày bán, trong đó chuyển dần sang các sản phẩm khác có biên lợi nhuận tốt hơn (gạch ốp lát, sơn…) với mục tiêu tăng tỷ trọng của các ngành hàng này lên 50% trong 3-5 năm tới.

Đồng thời, tập trung tiếp cận các nhà thầu địa phương để có các đơn hàng ổn định; đặt chỉ tiêu bán hàng cụ thể cho từng cửa hàng, từng ngành hàng và yêu cầu mỗi cửa hàng cần có lãi trong vòng 6 tháng.

VDSC đánh giá chiến lược của Hoa Sen là phù hợp khi thị trường thép vẫn còn nhiều rủi ro trong năm 2024.

Cụ thể, khả năng phục hồi của thị trường thép nội địa phụ thuộc nhiều vào triển vọng của thị trường bất động sản. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu cũng có sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất thép, cũng như cạnh tranh với các nhà sản xuất thép Trung Quốc.

Theo đó VDSC dự phóng trong niên độ tài chính 2023-2024, Hoa Sen có thể ghi nhận doanh thu khoảng 34.800 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ghi nhận khoảng 782 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 28 tỷ đồng.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.