Theo báo cáo của truyền thông địa phương, chính quyền tại một số thành phố của Trung Quốc đang nợ các nhà phát triển bất động sản hàng triệu đô la, khiến cuộc khủng hoảng nhà đất thêm tồi tệ và gia tăng rủi ro đối với triển vọng kinh tế vĩ mô.

https://static1.businesstimes.com.sg/s3fs-public/styles/card_image_large_3x2/public/articles/2023/08/23/china-economy-housing-crisis-020817_0.jpg?itok=fB9KLGzW

Chính quyền cũng nợ nần

Theo đó, chính quyền các thành phố này nợ các nhà phát triển từ một đến hai tỷ Nhân dân tệ cho mỗi hóa đơn chưa thanh toán, và đang đối mặt với áp lực trả nợ cao.

Tờ Economic Observer đưa tin trên vào cuối ngày thứ Hai (21/8), trích dẫn lời một số giám đốc điều hành giấu tên của các nhà phát triển. Số tiền này bao gồm các khoản giảm thuế và lời hứa hoàn trả phí bán đất từ chính quyền.

Theo báo cáo, nhiều quận và huyện ở các thành phố, bao gồm cả Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam, vừa yêu cầu các công ty bất động sản tư nhân thông báo chi tiết về khoản tiền mà chính quyền đang nợ họ. Suốt năm vừa qua, các nhà phát triển đã thúc giục chính quyền địa phương trả nợ để giảm bớt khủng hoảng thanh khoản và đảm bảo hoàn thành các dự án nhà ở còn dang dở.

Bắc Kinh đang thúc đẩy chính quyền địa phương giải quyết các khoản nợ để góp phần vực dậy niềm tin đang suy giảm của khu vực kinh tế tư nhân. Vấn đề này đã được nhấn mạnh vào tháng trước trong một tuyên bố cấp cao nêu ra 31 biện pháp nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp.

Đầu tháng này, cơ quan hoạch định kinh tế quốc gia đã cam kết trừng phạt các chính quyền không thanh toán đúng hạn hoặc gây tổn thất không công bằng cho các công ty.

The Economic Observer, đại diện của các công ty đã lên tiếng về vấn đề này trong các hội nghị bàn tròn với cơ quan chức năng, bao gồm Bộ nhà ở, ngân hàng trung ương và một số chính quyền ở các siêu đô thị.

Sự sụt giảm của thị trường bất động sản tại Trung Quốc đã kéo dài hơn 2 năm mà không có dấu hiệu chạm đáy. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nhà ở đang lan sang các công ty nhà nước và lĩnh vực tài chính.

Ngân sách của chính quyền địa phương đã sụt giảm sau khi doanh thu từ việc bán đất, nguồn thu nhập chính, đi xuống. Điều này đã hạn chế họ về khả năng chi tiêu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Kinh tế tiếp tục đi xuống

Các ngân hàng nước ngoài đang cắt giảm dự báo về Trung Quốc nhiều hơn sau khi lĩnh vực bất động sản bộc lộ nhiều dấu hiệu khó khăn hơn.

Goldman Sachs cho biết hôm thứ Hai: “Lo ngại về sự lây lan của cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc đang tăng lên”, đồng thời hạ thấp triển vọng về hiệu suất của cổ phiếu Trung Quốc.

“Áp lực gần đây đã đè nặng lên nền kinh tế tài chính”, công ty này nói thêm, đồng thời liệt kê các khoản thanh toán của nhà phát triển bất động sản Country Garden đối với hai trái phiếu mệnh giá bằng đô la và của Zhongzhi Group, một trong những công ty tín thác lớn nhất Trung Quốc, đối với hàng chục sản phẩm tài chính.

Cùng ngày, ngân hàng UBS đã cắt giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc xuống 4,8% cho năm 2023 và 4,2% cho năm 2024 từ mức 5,2% và 5% trước đó.

Wang Tao, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của tổ chức này, cho biết: “Phần lớn việc hạ xếp hạng là do đánh giá lại sự phát triển của lĩnh vực bất động sản và những tác động của chúng đối với các bộ phận khác của nền kinh tế”.

Đợt cắt giảm triển vọng này diễn ra sau một loạt tin xấu liên quan đến các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông vào cuối ngày thứ Sáu tuần trước đó.

Sino-Ocean Group Holding, một nhà phát triển được hậu thuẫn bởi nhà nước, đã công bố khoản lỗ 18,3 tỷ Nhân dân tệ trong nửa đầu năm nay, tồi tệ hơn so với mức lỗ ròng 1,08 tỷ Nhân dân tệ một năm trước đó.

Sunshine 100 China Holdings vào tối thứ Sáu tuần trước cho biết họ đã được lệnh bàn giao quyền sử dụng đất ở thành phố Quế Lâm nằm ở phía Nam cho China Huarong Asset Management, một trong bốn công ty quản lý nợ xấu lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước.

Sunshine đã vỡ nợ vào mùa hè năm ngoái với khoản vay trị giá 495 triệu Nhân dân tệ, bao gồm cả lãi suất và chi phí kiện tụng. Công ty này đã phải tổ chức đấu giá công khai quyền sử dụng đất dành cho dự án thương mại và dân cư nói trên. Do vẫn không giải quyết được thình hình, Tòa án Tài chính Bắc Kinh đã ra lệnh cho Huarong tiếp quản chúng với giá 328 triệu Nhân dân tệ, giảm 44% so với định giá thực tế. Sunshine vẫn nợ Huarong 175 triệu Nhân dân tệ sau thương vụ này.

Trong một động thái riêng biệt, Chứng khoán Quốc tế Haitong đã đệ đơn khởi kiện cổ đông kiểm soát của Sunshine, Joywise Holdings, cáo buộc công ty này chưa giải quyết khoản thanh toán lên tới 49,5 triệu USD. Joywise sở hữu khoảng 2/3 cổ phần của Sunshine. Vụ án sẽ được xét xử vào ngày 18/10.

Thứ Sáu tuần trước, sàn chứng khoán Hang Seng Index Co. đã thông báo sẽ hủy niêm yết cổ phiếu của Country Garden vào ngày 4 tháng 9 tới. Cùng ngày, họ cho biết cũng sẽ loại cổ phiếu của bộ phận quản lý tài sản thuộc Country Garden khỏi rổ Hang Seng China Enterprises Index.

Vẫn theo đuổi “Nhà là để ở, không phải để đầu cơ”?

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc bắt đầu sử dụng cụm từ này vào cuối năm 2016, khi họ bắt đầu đưa ra các quy tắc chặt chẽ hơn cho thị trường bất động sản. Việc loại bỏ cụm từ này khỏi tuyên bố của Bộ Chính trị vào tháng 7 vừa qua được coi là tín hiệu cho thấy một số hạn chế có thể được dỡ bỏ.

“Tại một số thành phố lớn, nhu cầu nhà ở vẫn vượt quá nguồn cung. Một khi hoạt động đầu cơ phục hồi, Trung Quốc có thể quay trở lại con đường cũ là phụ thuộc quá nhiều vào lĩnh vực bất động sản, gây ra tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế và xã hội”, nhật báo Economic Daily của nhà nước Trung Quốc cho biết.

Trong cuộc họp chính sách quan trọng vào tháng 7, các nhà lãnh đạo hàng đầu cho biết Trung Quốc sẽ điều chỉnh và tối ưu hóa các chính sách bất động sản một cách kịp thời, nhằm ứng phó với những thay đổi sâu sắc trong mối quan hệ cung cầu trên thị trường bất động sản.

Nguy cơ vỡ nợ ngày càng tăng ở một số nhà phát triển và sự phục hồi kinh tế đang chững lại đã khiến các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có nhiều biện pháp kích thích lớn hơn để vực dậy thị trường nhà ở.

Nhưng họ đã thất vọng khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm vào thứ Hai vừa qua. Lãi suất 5 năm ảnh hưởng đến việc định giá các khoản thế chấp và một số nhà phân tích cho biết ngân hàng trung ương có thể đang cố gắng bảo vệ lợi nhuận của người cho vay.

Tờ Economic Daily cho biết, các khoản vay liên quan đến bất động sản chiếm 40% lượng cho vay của ngân hàng và quyền sở hữu bất động sản chiếm 60% tài sản hộ gia đình tại Trung Quốc.

Goldman Sachs ước tính đóng góp của lĩnh vực nhà ở vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm 1,5 điểm phần trăm trong năm nay, và có khả năng duy trì ít nhất là ở mức hơi tiêu cực trong tương lai gần.

  • Bất động sản Trung Quốc lại đang đóng băng?

    Bất động sản Trung Quốc lại đang đóng băng?

    Người mua không muốn mua dù giá giảm, người bán không muốn bán chờ giá tăng, trong khi kinh tế bấp bênh và nợ nần chồng chất bủa vây các nhà phát triển. Thế giằng co này dường như đang kéo thị trường bất động sản Trung Quốc trở lại thời kỳ đóng băng.

Lam Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.