20/08/2023 8:12 PM
Người mua không muốn mua dù giá giảm, người bán không muốn bán chờ giá tăng, trong khi kinh tế bấp bênh và nợ nần chồng chất bủa vây các nhà phát triển. Thế giằng co này dường như đang kéo thị trường bất động sản Trung Quốc trở lại thời kỳ đóng băng.

https://img.i-scmp.com/cdn-cgi/image/fit=contain,width=1098,format=auto/sites/default/files/styles/1200x800/public/d8/images/canvas/2023/08/16/abca9e06-f8e3-40d0-babc-c58b7690d65c_80ceeebc.jpg?itok=ZHH_kFLh&v=1692181882

Người mua không muốn mua

Trong bối cảnh thị trường bất động sản giảm phát và chưa có dấu hiệu chạm đáy, còn thu nhập hộ gia đình có thể bị cắt giảm đột ngột do mất việc hoặc giảm giờ làm, thì nhiều người dân Trung Quốc đã quyết định ngừng mua nhà.

Không ít người thuộc tầng lớp trung lưu dường như đang phớt lờ các động thái kích cầu của nhà chức trách đối với việc tiêu thụ hàng hóa có giá trị lớn như nhà cửa và ô tô, vốn được kỳ vọng sẽ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Một người dân nói: “Giá bất động sản đang giảm và ngày càng nhiều người trẻ chọn không kết hôn, mua nhà hoặc sinh con. Tất cả những điều này khiến tôi nghĩ rằng mình không nên mua bất động sản trong năm nay, thay vào đó nên giữ tiền mặt để phòng thân”.

Trong một cuộc khảo sát vào quý 2/2023 của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đối với 20.000 người gửi tiền ở 50 thành phố, có ít hộ gia đình cho biết sẽ dự định mua nhà trong ba tháng tới, với tỷ lệ giảm xuống 16,2% từ 17,5% trong khảo sát ở quý đầu năm nay.

Niềm tin của thị trường đi xuống tới mức người dân chuyển sang mua nhà ở nước ngoài. Theo một báo cáo gần đây từ Hiệp hội Môi giới Bất động sản Mỹ, người mua Trung Quốc là những người nước ngoài rót nhiều tiền nhất vào thị trường nhà ở Mỹ trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2023, với 13,6 tỷ USD. Con số này cao hơn gấp đôi năm 2022 với 6,1 tỷ USD.

Người bán không muốn bán

Theo Reuters, giá nhà lao dốc khiến nhiều người sở hữu trì hoãn và chán nản việc rao bán nhà.

Một người chủ nhà ở Thượng Hải có tên Kate Ren đã hy vọng rằng sau khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc loại bỏ khẩu hiệu “nhà là để ở, không phải để đầu cơ” vào tháng trước, cô sẽ bán được nhà. Tuy nhiên, cô đã không nhận được một cuộc điện thoại nào từ khách hàng.

“Tôi không còn ảo tưởng nữa. Những ngày huy hoàng từ việc kiếm lời trên thị trường bất động sản đã qua”, cô chia sẻ.

Theo báo cáo, doanh số bán nhà tại Trung Quốc dù được cải thiện nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đã giảm 60% so với mức trung bình của năm 2019 (được điều chỉnh theo mùa) vào tháng 7 vừa qua, bất chấp các chính sách kích thích và nới lỏng hạn chế của chính phủ.

Sophia Chen, một luật sư đang sở hữu 8 bất động sản ở Thượng Hải, cho biết: “Niềm tin vào thị trường đang giảm mạnh. Sự phục hồi sau đại dịch đã không được như kỳ vọng”.

Bà Chen chưa bán bất kỳ căn nhà nào vì cho rằng thị trường đang biến động, giá xuống quá thấp. Mặc dù vậy, bà vẫn hy vọng có thể sớm chứng kiến những thay đổi tích cực hơn hiện nay.

Zhuran Zhang, chủ của 5 căn nhà tại nhiều tỉnh thành của Trung Quốc, cũng quyết định chưa vội vã bán nhà: “Tôi không bán, nhưng cũng không mua thêm. Bất động sản hiện là khoản đầu tư tệ nhất”.

Đang là trở ngại lớn nhất của nền kinh tế

Đầu tư bất động sản tại Trung Quốc đã giảm 8,5% trong 7 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong năm nay, trong bối cảnh hàng loạt chỉ số yếu kém đã che mờ mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” của Bắc Kinh.

Trong khi đó, các dự án mới khởi công chỉ bằng 37% so với năm 2019; chỉ có số lượng công trình hoàn thiện là tiếp tục tăng nhờ có nhiều chính sách hỗ trợ hoàn thành các dự án bị đình trệ.

Sự sụt giảm của thị trường nhà ở cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường việc làm và tiêu dùng của người dân, kéo theo ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế.

Kể từ khi siết chặt các quy định đối với các nhà phát triển vào năm 2021, các cuộc khủng hoảng bất động sản liên tiếp ở Trung Quốc đã làm suy yếu sức khỏe của nền kinh tế và thị trường tài chính, bao gồm vụ vỡ nợ trái phiếu nước ngoài của Evergrande vào năm 2021 và các cuộc tẩy chay trả nợ thế chấp mua nhà của người dân vào năm 2022.

Gần đây, nỗi sợ hãi ngày càng sâu sắc hơn khi Country Garden, nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất của Trung Quốc, đã tạm dừng giao dịch một số trái phiếu trong nước và vật lộn để giải quyết căng thẳng thanh khoản. Trong khi đó, tập đoàn bất động sản Sino-Ocean do nhà nước hậu thuẫn đã bỏ lỡ việc thanh toán hàng triệu đô la tiền lãi vay.

Các nhà hoạch định chính sách đã nới lỏng các chính sách về bất động sản kể từ cuối năm 2022, bao gồm việc huy động vốn và giao dịch. Bắc Kinh cũng đã công bố một loạt biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế tư nhân và khuyến khích tiêu dùng kể từ cuối tháng Bảy. Trong kế hoạch 20 điểm nhằm mở rộng tiêu dùng, ban hành ngày 31/7, chính phủ cho biết sẽ giải quyết vấn đề nhà ở cho cư dân đô thị mới và những người trẻ tuổi ngày càng bị đẩy xa khỏi thị trường này.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng các chính sách trên có thể không đủ mạnh để thúc đẩy sự phục hồi đáng kể của thị trường nhà ở, nhất là tại các thành phố lớn.

  • Mua 1 tặng 1, bất động sản Trung Quốc vẫn ế

    Mua 1 tặng 1, bất động sản Trung Quốc vẫn ế

    Thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn giảm sâu, cho thấy hậu quả dai dẳng từ các chính sách kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đối với động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng này.

Lam Vy (Tổng hợp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.