19/01/2023 8:28 AM
Một số doanh nghiệp ngành thép mới đây đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với những khoản lỗ lớn trong bối cảnh thị trường không mấy khả quan.

Mùa báo cáo tài chính quý 4.2022 chưa bước vào cao điểm nhưng một số doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã công bố số liệu ước tính với kết quả lợi nhuận không mấy khả quan. Theo đó, bức tranh lợi nhuận các ngành cho thấy những gam màu khác nhau.

Ngành thép - một trong những ngành kinh doanh có vốn hóa lớn trên thị trường - lại có kết quả ảm đạm khi phải đối mặt với hàng loạt khó khăn ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Ngành thép đã trải qua một năm 2022 đầy khó khăn, sản xuất và tiêu thụ thép các loại đều giảm mạnh

Khép lại năm 2022 đầy khó khăn

Trong báo cáo mới công bố, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định ngành thép đã trải qua năm 2022 đầy khó khăn, sản xuất và tiêu thụ thép các loại đều giảm mạnh so với năm 2021.

Theo VSA, tính trong tháng 12.2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,135 triệu tấn, tăng 17% so với tháng trước nhưng giảm 21,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, bán hàng thép các loại đạt 2,159 triệu tấn, tăng 11% so với tháng trước nhưng giảm gần 14% so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế quý 4.2022, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép đều có mức tăng trưởng âm so với các quý trước, tuy nhiên lượng xuất khẩu quý trong giai đoạn này lại ghi nhận mức tăng trưởng tốt hơn.

Cụ thể, sản xuất thép thành phẩm quý 4.2022 đạt 6 triệu tấn, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm trong quý này đạt gần 6 triệu tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu đạt 1,42 triệu tấn, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung cả năm 2022, sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 29,3 triệu tấn, giảm 12% và bán hàng thép các loại đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm các loại của các doanh nghiệp thành viên của VSA chỉ đạt gần 6,3 triệu tấn, giảm 19% so với năm 2021.

“Năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước ghi nhận điểm sáng với mức tăng trưởng khá cao hơn 8%, nhưng đối với ngành thép lại là một năm đầy thách thức khiến nhiều doanh nghiệp thép rơi vào tình trạng khó khăn, thua lỗ.”, VSA nhận định.

Trong giai đoạn này, giá cả nguyên liệu sản xuất thép diễn biến phức tạp, khiến các doanh nghiệp thép bị ảnh hưởng rất lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, hiệu quả thấp.

Ngành thép lỗ đậm

Với nhiều yếu tố bất lợi trên thị trường cộng thêm việc sản lượng bán hàng quý 4.2022 liên tục sụt giảm khiến triển vọng lợi nhuận ngành thép khó cải thiện trong thời gian ngắn.

Một số doanh nghiệp ngành thép đã bắt đầu "hé lộ" kết quả kinh doanh năm 2022 với những khoản lỗ lớn trong bối cảnh thị trường không mấy khả quan

Tính đến thời điểm hiện tại, một số doanh nghiệp trong ngành đã công bố kết quả kinh doanh trong quý cuối năm 2022 với kết quả không mấy khả quan, thậm chí thua lỗ. Trong số các doanh nghiệp thép đã công bố sơ bộ về lợi nhuận, Gang Thép Thái Nguyên (Tisco - Mã: TIS) là cái tên nổi bật khi đây là quý thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp thép này thua lỗ.

Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý 4.2022 của Gang Thép Thái Nguyên cho thấy, doanh thu thuần giảm 33% so với cùng kỳ xuống 2.172 tỉ đồng. Biên lãi gộp khoảng 6%, cùng kỳ năm ngoái lợi nhuận gộp của công ty âm 17 tỉ đồng.

Trong kỳ, chi phí tài chính từ mức âm 86 tỉ đồng tăng lên 44 tỉ đồng, trong đó lãi vay tăng 45% lên 42 tỉ đồng so với cùng kỳ. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp 3 lần, khoảng 96 tỉ đồng. Kết quả, doanh nghiệp này báo lỗ 17 tỉ đồng trong quý 4, trong khi cùng kỳ lãi 9 tỉ đồng.

Luỹ kế cả năm 2022, Gang Thép Thái Nguyên ghi nhận 11.697 tỉ đồng doanh thu, giảm 9% so với cùng kỳ. Tisco lãi trước thuế gần 6 tỉ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế âm hơn 9 tỉ đồng, giảm mạnh so với mức lãi 122 tỉ đồng của năm 2021.

Được biết năm 2022, Tisco lên kế hoạch 20.105 tỉ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế ở mức 90 tỉ đồng. Như vậy, Tisco chỉ hoàn thành 58% mục tiêu doanh thu, 7% mục tiêu lợi nhuận của cả năm.

Tại ngày 31.12.2022, tổng tài sản của Gang Thép Thái Nguyên khoảng 10.184 tỉ đồng. Khoản tiền, tiền gửi ngân hàng giảm 59% so với đầu năm còn 105 tỉ đồng. Hàng tồn kho tăng 23% so với đầu năm lên 1.760 tỉ đồng, chủ yếu là nguyên vật liệu.

Về cơ cấu nguồn vốn, cuối quý 4.2022, nợ ngắn hạn của Tisco ở mức 5.821 tỉ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn hơn 2.404 tỉ đồng, dẫn tới vốn lưu động âm hơn 3.400 tỉ đồng. Hiện tại, doanh nghiệp này vẫn đang sử dụng tỉ lệ đòn bẩy ở mức cao với tổng nợ đi vay là 4.602 tỉ đồng, chiếm 45% tổng nguồn vốn và gấp 2,4 lần vốn chủ sở hữu.

Trong năm 2022, Tisco phải trả số tiền lãi là 134 tỉ đồng, tăng 16% so với năm trước. Như vậy, mỗi ngày công ty phải trả khoảng 367 triệu đồng tiền lãi.

Tương tự, một công ty trong nhóm VNSteel là Thép Vicasa - VnSteel (Mã: VCA) cũng báo lỗ ròng gần 6 tỉ đồng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành vì giá thép và nhu cầu tiêu thụ đi xuống.

Cụ thể, doanh thu thuần trong quý 4.2022 của Thép Vicasa đạt 501 tỉ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tăng 17% so với cùng kỳ, lên mức 21 tỉ đồng. Trong kỳ, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm đáng kể, cộng thêm các chi phí khác được cắt giảm giúp cho Thép Vicasa chuyển từ lỗ 7 tỉ đồng quý 4.2021 sang lãi 7 tỉ đồng quý 4 năm 2022.

Tuy nhiên, kết quả tích cực quý 4 vừa qua không thể giúp Thép Vicasa xoay chuyển tình thế trong năm 2022. Cụ thể, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ ròng gần 6 tỉ đồng trong năm 2022, trong khi cùng kỳ lãi lớn 36 tỉ đồng. Đây là kết quả của sự xoay chiều đột ngột của ngành thép theo hướng bất lợi hơn sau 2 năm tăng trưởng bứt phá.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Thép Vicasa ở mức 371 tỉ đồng, giảm 36% so với thời điểm đầu năm. Tổng nợ phải trả giảm gần nửa xuống còn 187 tỉ đồng. Hiện tại, doanh nghiệp này có cơ cấu nợ và vốn chủ sở hữu gần như cân bằng, với nợ 186 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu 185 tỉ đồng.

Không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của thị trường, CTCP Thép Mê Lin (Mã: MEL) cũng chấp nhận quý thua lỗ đầu tiên của công ty kể từ khi lên sàn chứng khoán hồi tháng 9.2017. Trong báo cáo tài chính quý 4.2022 vừa mới công bố, Thép Mê Lin ghi nhận doanh thu thuần tăng 24% so với cùng kỳ, lên 200 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán trong giai đoạn này lại tăng nhanh hơn khiến công ty lỗ gộp gần 1 tỉ đồng.

Trong kỳ, doanh thu tài chính của công ty giảm 67% còn 715 triệu đồng, trong khi chi phí tài chính lại tăng 65% lên 6,24 tỉ đồng. Khấu trừ các khoản thuế phí, Thép Mê Lin báo lỗ sau thuế gần 9,5 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 5,2 tỉ đồng.

Luỹ kế cả năm 2022, Thép Mê Lin đạt doanh thu thuần 774 tỉ đồng, tăng 12,5% so với năm 2021. Tuy nhiên lãi ròng giảm tới 91% về còn 5,7 tỉ đồng. Như vậy, sau 4 quý, công ty chỉ hoàn thành 86% kế hoạch doanh thu và 24% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.

Với các “ông lớn” ngành thép như Hòa Phát, Hoa Sen hay Nam Kim, dù chưa công bố kết quả kinh doanh quý cuối năm 2022, nhưng với việc cảnh nhu cầu trong nước dự báo tiếp tục suy yếu, trong khi thị trường xuất khẩu chịu ảnh hưởng do suy thoái kinh tế khiến triển vọng không mấy khả quan.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán KIS nhận định nhu cầu thép toàn cầu năm 2023 tiếp tục bị ảnh hưởng khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại rõ rệt hơn. Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đang dần xuất hiện lên kết quả hoạt động của các công ty trong các tháng tới đây.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.