Với hơn 90% lượng tiêu thụ thép trong nước đến từ ngành xây dựng, thị trường bất động sản trì trệ có thể làm giảm nhu cầu mặt hàng này trong năm 2023.

Thách thức lớn từ tiêu thụ

Năm 2022, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã trải qua giai đoạn khó khăn chưa từng có, biểu hiện qua việc dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, dừng triển khai các dự án mới... Điều này tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, gián tiếp ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực liên quan.

Mặt hàng sắt thép xây dựng chủ yếu được tiêu thụ nhờ các dự án bất động sản và đầu tư công

Trên thực tế, bất động sản là ngành nghề có liên quan mật thiết đến khoảng hơn 40 ngành kinh tế quan trọng khác. Theo đó, quy mô thị trường này sụt giảm cũng khiến cả hệ sinh thái bị ảnh hưởng từ nhà thầu xây dựng đến nhà sản xuất, cung cấp vật liệu, đơn vị thi công nội thất...

Nhiều chuyên gia nhận định, thép là ngành bị ảnh hưởng rất lớn khi bất động sản khó khăn. Cụ thể, thị trường bất động sản suy yếu đã khiến lượng tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh, trong khi nguồn hàng tại các nhà máy sản xuất vẫn còn chồng chất khiến nhiều doanh nghiệp ngành thép đang gặp khó trong những tháng cuối năm 2022.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong tháng 11.2022 sản lượng thép xây dựng có sự phục hồi, đạt 1,94 triệu tấn, tăng 3% so với tháng trước nhưng giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, sản xuất của toàn ngành chỉ cầm chừng với 1,83 triệu tấn, giảm 10,8% so với tháng 10 và giảm 36,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau 11 tháng đầu năm 2022, toàn ngành đã sản xuất được 27,12 triệu tấn thép các loại; tiêu thụ thép ở mức 25,12 triệu tấn, lần lượt giảm 11,3% và 6,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu thép chỉ đạt 5,76 triệu tấn, giảm 19,3 % so với cùng kỳ.

VSA cho biết không chỉ các doanh nghiệp nhỏ, mà ngay cả một số nhà sản xuất thép lớn cũng đang đối mặt với sự sụt giảm đáng kể về sản lượng lẫn tiêu thụ.

Hiện các mặt hàng sắt thép trong nước chủ yếu được tiêu thụ nhờ các dự án bất động sản và đầu tư công. Tuy nhiên, sự bất ổn của thị trường bất động sản cũng có thể làm giảm nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm thép. Với hơn 90% lượng tiêu thụ thép trong nước đến từ ngành xây dựng, thị trường nhà ở trì trệ có thể làm giảm nhu cầu trong nước trong năm tới.

Trước nhu cầu thép suy yếu ở cả thị trường nội địa và thế giới, một số nhà máy thép trong nước buộc phải cắt giảm quy mô sản xuất, đẩy mạnh xả hàng tồn kho để giảm đi áp lực kinh doanh ở các quý tới.

Thép thấp thỏm 2023

Nếu như năm 2022, các doanh nghiệp ngành thép phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi từ thị trường thì bước sang 2023, triển vọng của ngành thép có nhiều dấu hiệu lạc quan hơn. Bởi theo lộ trình, đây sẽ là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng và hàng loạt các dự án gấp rút đẩy mạnh tiến độ.

Sau thời gian dài “thê thảm”, triển vọng của ngành thép có nhiều dấu hiệu lạc quan hơn trong năm 2023

Tại diễn đàn “Dự báo thị trường bất động sản 2023” vừa diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia đã nhận định, từ quý 2.2023, thị trường bất động sản sẽ dần hồi phục và phát triển lành mạnh, minh bạch hơn khi những vướng mắc về pháp lý được tháo gỡ, tăng trưởng kinh tế khả quan, tín dụng được khơi thông…

Ngoài ra, hàng loạt chính sách cụ thể như nới room tín dụng thêm 1,5-2% tương đương tăng thêm 240.000 tỉ đồng cung ứng cho nền kinh tế; tập trung rà soát và củng cố thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm bảo đảm hoạt động công khai, an toàn; thông qua hơn 700.000 tỉ đồng giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng chung.

Những lực đẩy đáng chú ý từ Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành sẽ là cơ sở rất lớn để thị trường bất động sản sớm khởi sắc trở lại. Đáng nói, đây không còn là câu chuyện của chỉ riêng bất động sản, mà những tác động tích cực từ sự phục hồi này còn lan ra toàn nền kinh tế, ngành thép cũng không phải ngoại lệ.

Còn theo đánh giá của Chứng khoán KIS (KBSV), triển vọng ngành thép trong năm nay đến từ các tín hiệu tích cực như giá nguyên liệu ổn định hơn và động thái mở cửa kinh tế của Trung Quốc. Mặt khác, KBSV cũng kỳ vọng đầu tư công sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép thời gian tới.

Hiện nay, các dự án giao thông có tỷ trọng lớn, chiếm 46,6% kế hoạch phân bổ vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách trung ương. Theo đó, các doanh nghiệp cung cấp thép cho các dự án này sẽ được hưởng lợi nếu giải ngân đầu tư công đúng tiến độ.

Tuy nhiên, KBSV cho rằng tiêu thụ thép vẫn sẽ là thách thức lớn trong năm 2023 do thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, làm giảm nguồn cung dự án mới. Bên cạnh đó, lo ngại lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực đến triển vọng xuất khẩu của các doanh nghiệp thép.

Nắm vai trò “đầu kéo” quan trọng, do đó khi thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Ngược lại, nếu thị trường này thiếu ổn định hoặc trầm lắng kéo dài, ngành thép cũng mất đi cơ hội phát triển.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.