Trao đổi bên hành lang buổi công bố quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 chiều 29/7, trước một quy hoạch được đánh giá rất "long lanh", lãnh đạo các cơ quan quản lý, chủ trì, giới chuyên môn tham vấn vẫn bày tỏ không ít băn khoăn. Trong đó, nổi lên vấn đề năng lực quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch, nguồn vốn và cơ chế, trình tự thực hiện...
Lấy "mỡ nó rán nó" cũng khó
Nguồn tiền để thực hiện quy hoạch Thủ đô lên đến hàng trăm tỷ đôla là vấn đề không đơn giản. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, trước mắt chúng ta sẽ cần khoảng 90 tỷ đôla - lớn hơn hẳn dự án đường cao tốc Bắc - Nam, để thực hiện những hạng mục cơ bản.
Hiện nay "đầu vào" về vốn được nhắc đến nhiều nhất là giải pháp đổi đất lấy hạ tầng, tức là dựa vào nguồn lực và giá trị đất đai để xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng. Nói theo ông Hồng Quân, bản chất của phát triển đô thị có thể nói một cách dân dã là "mỡ nó rán nó".
Tuy nhiên, lãnh đạo này cũng thừa nhận, vấn đề ở đây không quá đơn giản theo cách hiểu thông thường là đổi đất lấy hạ tầng, mà vấn đề là làm sao khai thác được nguồn lực nằm trên chính mảnh đất mà chúng ta phát triển thành đô thị. Cách làm thế nào - tiếp tục là một băn khoăn, trăn trở.
Dưới con mắt của người làm quy hoạch kiến trúc, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội, cho rằng, đúng là số tiền trù tính cần để thực hiện quy hoạch lần này là rất lớn, chỉ dự kiến cũng đã gấp 2 lần GDP cả nước. Song, đó chưa phải là con số cuối cùng.
Bởi lẽ, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, giá có thể đội lên rất nhiều, trong khi xây dựng các tuyến giao thông, mức đền bù giải tỏa mặt bằng rất cao. Đấy là chưa kể đến những thách thức kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong những năm sắp tới.
Theo ông Nghiêm, cái khó của Hà Nội hiện nay là Luật Thủ đô chưa được Quốc Hội thông qua do vậy Hà Nội chưa có được cơ chế đặc thù trong việc huy động nguồn vốn.
Hơn nữa, chúng ta lại chưa có Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Trong bối cảnh hàng loạt dự án chiếm đất lúa mọc kín tại vùng ven thời gian qua do phát triển đô thị quá nóng đã khiến quỹ đất ngày càng cạn kiệt. Vì thế không còn cách nào khác, việc điều chỉnh theo quy hoạch, thu hồi các dự án không đủ điều kiện để lấy lại quỹ đất này là điều phải tính đến.
"Các dự án này chiếm 65.000 ha đất - gần 70% đất phát triển đô thị của 20 năm sau, nên rõ ràng phải rà soát lại theo tiêu chí mà Hà Nội đã đưa ra. Tuy nhiên bây giờ chúng ta mới công bố quy hoạch chung. Sau đó mới triển khai quy hoạch 1/2000. Từ đó mới xem xét, rà soát lại lần nữa gần 800 đồ án, dự án.
Đây rõ ràng là công việc cực kỳ khó khăn, tác động đến thị trường BĐS cũng tư tốc độ phát triển kinh tế xã hội. Để làm được cụ thể thì còn mệt lắm" - ông Đào Ngọc Nghiêm nhận xét.
Hành động ngay
Quy hoạch chung đã được thể hiện qua bản vẽ, mô hình, hồ sơ. Tuy nhiên ngoài vấn đề nguồn vốn, câu hỏi đặt ra về lộ trình, cơ chế quản lý giám sát, cách thức thực hiện quy hoạch sẽ ra sao cũng là những điều dư luận rất quan tâm. Trả lời vấn đề này, hầu hết nhà quản lý, chuyên môn đều cho những thách thức cực lớn đang chờ đợi các cấp quản lý.
"Mô hình xem rất đẹp nhưng thực hiện được đòi hỏi quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị. Trong đó vai trò của các cơ quan quản lý giám sát rất lớn. Nếu tiếp tục để tình trạng manh mún, chắp vá như giai đoạn vừa qua thì đồ án sẽ lại rơi vào bánh xe đổ của các giai đoạn trước, không thể nào thực hiện được" - ông Đỗ Viết Chiến - Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng nêu quan điểm.
Đồng ý kiến, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, tiếp sau quy hoạch chung này chúng ta phải hoàn thiện cơ sở pháp lý về quy hoạch đó là điều lệ, quy chế quản lý của toàn thành phố, của từng khu vực.
Ở đây đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhiều ngành khoa học nếu không sẽ vấp váp, khó tháo gỡ và dẫn đến thất bại, vỡ trận.
Không chỉ công bố mô hình, bản vẽ quy hoạch chung thủ đô, dự kiến tới đây Thủ tướng Chính phủ sẽ ký Quyết định quản lý quy hoạch. Đây là cơ sở pháp lý quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp quản lý, của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư đối những vấn đề có liên quan, để đảm bảo thực hiện thống nhất quy hoạch. (Ông Đỗ Viết Chiến - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng) |
Thời gian tới Hà Nội không chỉ tập trung cho phát triển nội đô mà phải đẩy nhanh phát triển các đô thị mới ở vùng ven nhằm tạo sức hút ở những khu vực này. Xây dựng đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cây xanh, mặt nước để tạo môi trường sống tốt hơn hẳn nơi cũ.
Tiếp đó hoàn thành quy định quản lý quy hoạch kiến trúc và quy chế quản lý, đưa ra các chế tài xử lý nghiêm túc. Ngoài ra chú trọng thiết kế đô thị nhằm giữ bộ mặt kiến trúc đô thị và quản lý thực hiện quy hoạch thống nhất từ trên xuống dưới mà thành phố đứng ra chịu trách nhiệm, chứ không phải cát cứ giao từng địa phương.
"Đừng nghĩ còn rằng 20 năm nữa mới đến năm 2030 là thời gian còn dài. Vì vậy, để thực hiện quy hoạch đòi hỏi chính quyền thành phố cần có sự quyết liệt. Hà Nội tương lai phải có hình thức quản lý theo kiểu mới và đặc biệt phải tìm ra nguồn lực để phát triển" - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm khuyến nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cũng nhấn mạnh, yếu tố nhận thức và phải hết sức kiên quyết, thậm chí đi kèm các chế tài cứng rắn của các cấp chính quyền Hà Nội thì mới có thể hiện thực hóa được quy hoạch chung lần này.
Về phần mình, chia sẻ tại buổi công bố quy hoạch, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, để quy hoạch đi vào cuộc sống thì ngay sau đây, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng công bố công khai, xây dựng và ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị, quy hoạch phân khu, chi tiết chặt chẽ.
Được biết, song song với quá trình làm quy hoạch chung của Thủ đô, đơn vị tư vấn là Viện quy hoạch Hà Nội đã tham gia, tiến hành nội dung của quy hoạch phân khu. Hiện tại quy hoạch phân khu đang trong giai đoạn sửa sang cho phù hợp với quy hoạch chung, nhiều khả năng từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành, công bố. Đây là cơ sở để hình thành và mời gọi đầu tư các dự án.