16/11/2023 8:21 AM
Về lý thuyết, mức tăng giá điện được tính vào giá thành sản phẩm, nhưng thực tế, các doanh nghiệp xi măng khó chuyển phần chi phí này cho người tiêu dùng vì nhu cầu tiêu thụ xi măng đang rất yếu.

Doanh nghiệp xi măng đối diện khó khăn kép

Quý 3 năm nay chứng kiến kết quả kinh doanh đi xuống của nhóm ngành xi măng, điển hình là Xi măng Vicem Hà Tiên, Xi măng Vicem Hoàng Mai, Xi măng Bỉm Sơn…

Bán hàng xi măng giảm sút mạnh ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng cao đã khiến các doanh nghiệp xi măng thua lỗ, không ít nhà máy phải tạm dừng lò hoặc giảm sản lượng.

Doanh nghiệp xi măng khó tăng giá bán sản phẩm vì nhu cầu thị trường suy yếu

Đơn cử, báo cáo quý 3/2023 của Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên (mã chứng khoán HT1) ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 30,2% so với cùng kỳ năm trước, xuống 1.576 tỷ đồng. Kết quả, công ty báo lỗ sau thuế hơn 10 tỷ đồng và đây là quý báo lỗ thứ 2 trong năm nay của nhà sản xuất này (quý 1/2023 công ty báo lỗ 85,6 tỷ đồng).

Lũy kế 9 tháng năm nay, Xi măng Hà Tiên ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.265 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với cùng kỳ và lỗ hơn 37 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lãi hơn 203 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (mã chứng khoán BCC) ghi nhận doanh thu quý 3/2023 đạt hơn 660 tỉ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 57 tỷ đồng, cao hơn số lỗ hơn 37,5 tỷ đồng của quý 3/2022. Đây là quý thứ 5 thua lỗ liên tiếp của Xi măng Bỉm Sơn khi thị trường tiêu thụ xi măng suy yếu

Không ngoại lệ, Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn (mã chứng khoán BTS) đạt doanh thu trong quý 3/2023 với mức 545 tỷ đồng, giảm gần 33% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế gần 32 tỷ đồng trong khi quý 3/2022 có lãi 8 tỷ đồng.

Trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ giảm mạnh, Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai (mã chứng khoán HOM) phải dừng lò chủ động trong tháng 7 (dừng lò 29 ngày) và giảm năng suất lò. Kết quả, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu trong quý 460 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ và báo lỗ hơn 26 tỷ đồng. Đây là quý lỗ nặng nhất của doanh nghiệp kể từ khi niêm yết.

Trước tình hình khó khăn về sản xuất kinh doanh năm 2023, các doanh nghiệp xi măng đã triệt để cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, với việc giá điện tăng thêm 4,5% từ ngày 9/11, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành này không tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Theo ước tính của Chứng khoán Mirae Asset, chi phí điện chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán.

Với việc giá điện tăng thêm 4,5%, Mirae Asset cho rằng lợi nhuận trước thuế của ngành xi măng có thể giảm tới 21%, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Xi măng khó tăng giá bán

Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) đánh giá, việc giá điện liên tục tăng là “cú đấm bồi” với ngành xi măng khi doanh nghiệp chưa thực sự hồi phục sau những kết quả kinh doanh ảm đạm thời gian qua.

Thông thường, khi chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp có thể giảm tác động bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên ở thời điểm này, VNCA cho rằng doanh nghiệp xi măng trong nước khó có thể làm được điều này do nhu cầu tiêu thụ xi măng đang rất yếu.

Năm ngoái, các nhà máy sản xuất xi măng đã có 3 lần tăng giá bán với mức tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân được các đơn vị đưa ra là do giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng như xăng dầu, than đá... tăng mạnh khiến giá thành phẩm sản xuất xi măng liên tục tăng.

Lần điều chỉnh giá xi măng gần đây nhất là hồi tháng 6/2022. Khi đó, có khoảng 15 doanh nghiệp đồng loạt tăng giá bán xi măng thêm 50.000-80.000 đồng/tấn, có loại tăng 140.000 đồng/tấn. Hiện giá xi măng đang ở mức trung bình khoảng 1,1-1,2 triệu đồng/tấn.

Doanh nghiệp xi măng tránh sản xuất giờ cao điểm vì giá điện tăng cao

Theo VNCA, do điện chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất xi măng, nên cần có lộ trình điều chỉnh giá điện cụ thể hơn, tránh tăng sốc để doanh nghiệp thích nghi và xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Về phía các doanh nghiệp, VNCA cho biết gần 50% nhà máy công suất lớn đã lắp trạm phát nhiệt dư, sản xuất điện từ nguồn khí thải nhà máy. Giải pháp này có thể tự túc 25-30% nguồn điện với chi phí đầu vào bằng 0, giảm đi phần nào áp lực giá điện.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành xi măng đã chủ động tổ chức sản xuất nhằm tối ưu chi phí, hạn chế tối đa vận hành vào giờ cao điểm, bố trí nhân lực, ca kíp sản xuất vào giờ thấp điểm.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.