Fifth Wall, một quỹ đầu tư có trụ sở tại Los Angeles vừa thành lập văn phòng khu vực ở Singapore vào tháng 1, hiện đang gây quỹ chuyên về proptech tại châu Á. Trong khi đó, Undivided Ventures có trụ sở tại Hồng Kông đang tìm cách hoàn thành một quỹ trị giá 50 triệu USD vào cuối năm nay, với mức vốn hóa huy động tối đa là 100 triệu USD.
Theo công ty tư vấn và nghiên cứu Future Market Insights, thị trường proptech toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ gộp hàng năm là 16,8% từ năm 2022 đến năm 2032, đạt 86,5 tỷ USD. Do đó, các khoản đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm đang cung cấp nguồn vốn rất cần thiết cho các công ty khởi nghiệp được kỳ vọng sẽ đổi mới ngành bất động sản và tạo điều kiện cho các nỗ lực toàn cầu trong việc hạn chế lượng khí thải carbon.
“Các chủ sở hữu bất động sản cần công nghệ hơn bao giờ hết. Sự phát triển của proptech là không thể tránh khỏi”, Brendan Wallace, đồng sáng lập và đối tác quản lý tại Fifth Wall, cho biết. “Công nghệ khử carbon có lẽ là cơ hội lớn nhất để công nghệ hóa ngành bất động sản”.
Proptech, công cụ giúp tối ưu hóa cách mọi người nghiên cứu, thuê, mua, bán và quản lý bất động sản, có thể liên quan đến mọi thứ từ trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật và phân tích dữ liệu, rô-bốt và phần mềm tài chính. Chẳng hạn như ứng dụng điều chỉnh nhiệt độ văn phòng hoặc rô-bốt leo lên làm sạch mặt tiền tòa nhà.
“Ngành xây dựng và bất động sản tạo ra 40% tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn thế giới, nhưng chưa nhận được một lượng vốn đầu tư vào proptech tương xứng giúp phát triển các bất động sản bền vững. Do đó, tiềm năng hiện tại của ngành này là rất lớn”, Alexander Bent, đồng sáng lập và đối tác quản lý tại Undivided Ventures cho biết.
Fifth Wall dự kiến sẽ có nhiều quốc gia APAC học theo các đối tác Mỹ và châu Âu trong nỗ lực giảm lượng khí thải carbon trong ngành bất động sản. Các công ty này đang tăng cường tiếp xúc với các công nghệ khí hậu, bao gồm vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, công nghệ pin và hệ thống năng lượng tự cung cấp được gọi là lưới điện siêu vi.
Wallace ước tính rằng sẽ cần “hàng nghìn tỷ đô la” để khử carbon cho ngành bất động sản trên toàn khu vực. Tại Mỹ, con số này là 18 nghìn tỷ USD.
JLL Spark, chi nhánh liên doanh thuộc tập đoàn JLL, cũng đã lưu ý đến xu hướng này. JLL Spark đang thành lập một quỹ bằng đồng Nhân dân tệ mới trong năm nay, sau khi đầu tư hơn 340 triệu USD vào hơn 40 công ty proptech. Quỹ này sẽ rót vốn vào các công ty có trụ sở tại Trung Quốc liên quan đến proptech gồm contech (công nghệ xây dựng) về bền vững, fintech, tòa nhà thông minh, công nghệ công nghiệp và tương lai của việc làm.
“Môi trường khởi nghiệp công nghệ của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, tạo ra thay đổi trong các ngành công nghiệp truyền thống trong khu vực, bao gồm cả bất động sản”, đại diện JLL Spark cho biết.
“Chúng tôi hy vọng sẽ tìm được các công ty khởi nghiệp về proptech tại địa phương để hợp tác, giới thiệu các giải pháp của họ cho các chủ sở hữu và người dùng tại Trung Quốc”, vị này nói.
-
Proptech giúp hoá giải 3 vấn đề của bất động sản
Proptech (ứng dụng công nghệ thông tin vào ngành bất động sản) có thể ứng dụng vào để giải quyết 3 bài toán gồm tiếp cận thông tin, hỗ trợ giao dịch an toàn cho người dùng cuối, quản lý và tối ưu hóa tài sản.
-
Nửa cuối năm 2024 là cơ hội để thu mua bất động sản
Theo khảo sát của CBRE, đầu tư bất động sản thương mại tại châu Á - Thái Bình Dương (APAC) có thể phục hồi vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.
-
Nhà đầu tư châu Á tăng cường vốn vào bất động sản trong trung hạn
Bất động sản, một danh mục phụ lớn thuộc tài sản tư nhân, đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư châu Á, với 64% kỳ vọng sẽ tăng lượng nắm giữ trong trung hạn.
-
Sóng đầu tư Trung Quốc thoái trào, để lại 500 “tòa nhà ma” ở Campuchia
Các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc rút đi đã khiến Sihanoukville, điểm nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng của Campuchia, phải đối mặt với hàng trăm dự án còn dang dở.