Thực tế cho thấy, việc Hanel đang nắm giữ trong tay quỹ đất và dự án lên đến hàng chục nghìn m2, rải rác khắp TP. Hà Nội làm cho quá trình xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.

Như Dân Việt đã thông tin, Công ty TNHH Hanel là một trong 28 doanh nghiệp thuộc UBND TP. Hà Nội sẽ phải thực hiện thoái vốn nhà nước theo quyết định số 908 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/6/2020.

Theo lộ trình, UBND TP. Hà Nội đáng lẽ đã thoái vốn từ 2018. Mặc dù đã rất cố gắng tuy nhiên Công ty vẫn đang gặp nhiều vướng mắc do các quy định của Nhà nước. Điều này nằm ngoài khả năng kiểm soát của công ty nên công ty chưa xác định được thời điểm thoái vốn thành công.

Đến năm 2019, công tác thoái vốn nhà nước tại Hanel vẫn tiếp tục gặp một số vướng mắc, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa giải quyết xong.

Sở hữu quỹ đất "khủng'" ở TP Hà Nội

Theo ông Nguyễn Đình Vinh, Chủ tịch HĐQT Hanel, việc chưa thoái vốn nhà nước ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai các dự án của Công ty.

Nguyên nhân là do còn nhiều bất cập trong quy định pháp luật về chuyển nhượng cổ phần nhà nước và quy định về phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà đất nên việc thoái vốn bị kéo dài, đặc biệt là xác định giá khởi điểm cổ phần. Khi xác định được giá khởi điểm cổ phần, Hanel sẽ thực hiện chào bán cổ phần công khai để các nhà đầu tư trong và ngoài nước căn cứ vào đó để đầu tư vào Hanel.

Hanel sở hữu nhiều đất vàng Hà Nội

Thực tế cho thấy, việc đang nắm giữ trong tay quỹ đất và dự án lên đến hàng chục nghìn m2, rải rác khắp TP. Hà Nội làm cho quá trình xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.

Cụ thể, về quỹ đất, công ty đang sở hữu một số lô đất có giá trị lớn như số 2 Chùa Bộc có diện tích 2.660 m2 và A12 Khương Thượng có diện tích 221,9 m2 (cùng ở quận Đống Đa); số 128C Đại La, quận Hai Bà Trưng có diện tích 413,6m2; số 36 Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm có diện tích 92,9 m2; đặc biệt là khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên có diện tích 242.274 m2.

Dự án Khu đô thị khoa học, công nghệ, tài chính Hanel - Tân tạo rộng 270 ha với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng tại huyện Gia Lâm; Dự án Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội với tổng diện tích hơn 43 ha; điểm thông quan Cảng cạn Cổ Bi với diện tích 19,2 ha.

Ngoài ra, công ty cũng có 2 địa điểm thuê đất nhà nước đã chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án, bao gồm số 60 Nguyễn Đức Cảnh có diện tích 6.136 m2 và số 409 Lĩnh Nam (cùng ở quận Hoàng Mai) có diện tích 4.285 m2.

Tại Lô 02-E9 Phạm Hùng, quận Cầu Giấy có diện tích 4.188 m2, Công ty đang hợp tác với Công ty CP Đầu tư Alphanam với tỷ lệ 20% - 80% để triển khai tòa tháp thương mại điện tử và văn phòng cao 45 tầng. Khi hoàn thành, Alphanam sẽ được thuê 65% diện tích của Dự án trong 45 năm tương ứng với tỷ lệ góp vốn 80% (1.097 tỷ đồng) để thực hiện xây dựng Dự án.

Không chỉ vậy, Hanel và Đầu tư Alphanam còn hợp tác triển khai Dự án Khu đô thị Hanel - Alphanam quy mô lên tới 525.300 m2 tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên. Hai bên sẽ thành lập liên doanh phát triển Dự án, trong đó Hanel góp 20% bằng tiền vay từ Công ty CP Đầu tư Alphanam.

Đáng chú ý, công ty cũng góp vốn bằng đất đến 29.500 m2 tại dự án xây dựng và kinh doanh khách sạn tại số 360 Kim Mã, quận Ba Đình, trong khi tổng dự án là 30.406 m2.

Tại ĐHCĐ năm 2020 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đình Vinh cho biết, trong năm 2020, Hanel sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện công tác thoái vốn Nhà nước, báo cáo UBND TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để việc triển khai thoái vốn được hiệu quả.

Quá trình thoái vốn nhà nước tại Hanel gặp nhiều khó khăn

Luôn có khoản chênh lệch rất cao giữa giá nhà nước và giá thị trường

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đối với các tài sản về đất của doanh nghiệp nhà nước luôn có một khoản chênh lệch đối với thị trường. Bởi, giá đất trong doanh nghiệp nhà nước áp dụng giá nhà nước, trong khi đó giá thị trường cao hơn rất nhiều và biến động liên tục.

Do vậy, liên quan đến câu chuyện này, nhà nước cần có sự công khai minh bạch, tiến hành đấu thầu công khai các dự án. Tránh những tổn thất cho nguồn vốn nhà nước như trường hợp Bánh tôm Hồ Tây, khách sạn Phú Gia...

"Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy rất mạnh mẽ việc thoái vốn nhà nước, nên làm thí điểm ở một hai doanh nghiệp, sau đó mở rộng ra cho các doanh nghiệp khác bằng hình thức đấu thầu công khai, công khai cả toàn bộ những người tham gia để hạn chế tối đa tiêu cực trong việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sở hữu đất vàng", ông Doanh cho hay.

Quang Dân (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.