16/04/2011 11:59 PM
Ban soạn thảo đề xuất chỉ cho phép mỗi ngân hàng góp vốn vào tối đa 2 ngân hàng khác, với tỷ lệ không quá 5% vốn điều lệ của mỗi ngân hàng định góp vốn.

Đại hội cổ đông Ngân hàng cổ phần Gia Định diễn ra hôm 8/4. Gia Định có ít nhất 4 cổ đông là ngân hàng, gồm Vietcombank, Vietinbank, Đông Á và Sài Gòn Công Thương. Ảnh: GiaDinhBank

Dự thảo thông tư về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng của ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng sẽ tập hợp và hoàn chỉnh các quy định về tỷ lệ an toàn đang nằm rải rác ở 4-5 văn bản khác nhau, đồng thời cập nhật các yêu cầu mới của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (đã có hiệu lực từ 1/1/2011).

Thông tư về các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng lẽ ra phải ban hành từ cuối năm ngoái để kịp đưa vào thực hiện từ đầu năm nay, khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực. Ngân hàng Nhà nước sau đó dời thời hạn ban hành sang cuối quý I, tuy nhiên hiện dự thảo vẫn chưa hoàn tất khâu lấy ý kiến các đơn vị liên quan.

Ngoài việc giới hạn đầu tư chéo, dự thảo thông tư còn đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về việc góp vốn của các cổ đông; hoạt động cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán; bổ sung đối tượng cấm hoặc hạn chế cấp tín dụng; siết hạn mức cấp tín dụng. Thông tư này cũng điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, trạng thái ngoại tệ và vàng của các ngân hàng...

Liên quan tới hoạt động đầu tư chéo, ban soạn thảo đề xuất chỉ cho phép mỗi ngân hàng góp vốn vào tối đa 2 ngân hàng khác, với tỷ lệ không quá 5% vốn điều lệ của mỗi ngân hàng định góp vốn. Mục tiêu chính của quy định này là hạn chế tình trạng lũng đoạn của một nhóm cổ đông có tiềm lực tài chính, cũng như hiện tượng vốn đầu tư khống chạy vòng quanh giữa các ngân hàng. Do quá lo ngại về nạn lũng đoạn, tháng 5/2010, khi trình dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng ra Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước thậm chí còn đề xuất cấm hoàn toàn hoạt động đầu tư của ngân hàng này sang ngân hàng khác.

Hiện chưa có quy định khống chế, nên việc các ngân hàng góp vốn vào ngân hàng khác diễn ra phổ biến, trong đó không ít trường hợp đầu tư cùng lúc từ 2 ngân hàng trở lên. Đơn cử như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hiện góp vốn vào 5 ngân hàng cổ phần khác, với tỷ lệ nắm giữ dao động từ gần 4% đến 11%. Ngân hàng cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) cùng đầu tư dài hạn vào 3 ngân hàng, Ngân hàng Công Thương (Vietinbank) đầu tư 2 ngân hàng. Riêng trường hợp Ngân hàng cổ phần Gia Định, hiện có ít nhất 4 cổ đông là ngân hàng.

"Đáng lo ngại là tình trạng đầu tư lòng vòng giữa các ngân hàng với nhau, kiểu ngân hàng A đầu tư vào ngân hàng B, ngân hàng B đầu tư cho ngân hàng C, nhưng C lại đầu tư vào A hoặc ngược lại. Điều này khiến vốn đầu tư vào các ngân hàng trở nên kém thực chất", một thành viên ban soạn thảo thông tư nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này thừa nhận không dễ để các ngân hàng thoái vốn đầu tư về đúng hạn mức cho phép. Vì vậy, dự kiến ban soạn thảo sẽ đưa ra giải pháp và lộ trình để các ngân hàng thoái vốn hoặc giảm tỷ lệ nắm giữ tại các ngân hàng khác mà không gây xáo trộn trên thị trường.

"Những trường hợp đầu tư vượt 5%, có thể giảm tỷ lệ nắm giữ bằng cách bán bớt hoặc không mua thêm trong những lần tăng vốn mới của ngân hàng nhận vốn góp. Còn trường hợp đầu tư quá 3 ngân hàng, cũng sẽ có lộ trình để cho họ thoái vốn", ông nói.

Trao đổi với VnExpress, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nguyễn Hòa Bình cho biết ngân hàng sẽ thích ứng và tuân thủ nếu Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định giới hạn tỷ lệ góp vốn sang ngân hàng khác. Trong số 5 ngân hàng đang góp vốn, Vietcombank đã định hướng ưu tiên cho 2 đơn vị, và giảm dần tỷ lệ sở hữu ở những đơn vị còn lại.

"Nếu có lộ trình thực hiện, việc rút vốn sẽ không quá khó khăn và không gây xáo trộn tới hoạt động của ngân hàng", ông Bình nói thêm.

Đầu tư dài hạn của Vietcombank vào ngân hàng khác:

Nguồn: Báo cáo hợp nhất 2010

Tên ngân hàng 31/12/2009 31/12/2010
Tỷ lệ Vốn góp (triệu đồng) Tỷ lệ Vốn góp (triệu đồng)
Xuất Nhập khẩu VN 8,76% 632.065 8,19% 582.065
Sài Gòn Công thương 6,63% 93.408 5,26% 123.452
Quân Đội 11% 812.641 11% 966.642
Gia Định 15,11% 238.300 3,83% 116.833
Phương Đông 6,9% 137.907 4,67% 137.907

Đầu tư dài hạn của Exim bank vào ngân hàng khác:

Nguồn: Báo cáo hợp nhất 2010

Tên ngân hàng 31/12/2009 31/12/2010
Tỷ lệ Vốn góp (Triệu đồng) Tỷ lệ Vốn góp (Triệu đồng)
Nhà Hà Nội - 43.342 0,15% 13.610
Gia Định - 17.415 0,87% 17.415
Sài Gòn Công thương - 722 0,03% 361
Sài Gòn Thương tín - 57.741 - -
Phương Nam - 911 - -

Đầu tư dài hạn của Vietinb ank vào ngân hàng khác:

Nguồn: Báo cáo hợp nhất 2010

Tên ngân hàng 31/12/2009 31/12/2010
Tỷ lệ Vốn góp (Triệu đồng) Tỷ lệ Vốn góp (Triệu đồng)
Sài Gòn Công thương 5,68% 85.155 11% 270.478
Gia Định 0,84% 16.888 1,69% 16.888
Cafeland.vn - Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.