“Những nhà đầu tư tinh khôn, họ luôn biết thế nào là đủ và rút vốn kịp thời, không bị ngủ quên trong chiến thắng", Chủ tịch BHS Group nói.
“Đừng để trúng gió”
Tại toạ đàm "Đầu tư bất động sản hậu Covid-19: Dẫn dắt dòng tiền” mới đây, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group, cho biết trong quá khứ, các chủ đầu tư tập trung vào nhu cầu phục vụ kỳ nghỉ của khách. Trong khi hành vi này diễn ra với tần suất rất ít trong một năm. Điều này dẫn tới việc nguồn cung bị dư thừa, tỷ lệ khai thác thấp.
"Dòng sản phẩm nghỉ dưỡng đang có sự thay đổi rất đáng kể. Sản phẩm cần ở những nơi có cảnh quan, địa hình, thời tiết tốt, văn hóa đặc sắc… và đặc biệt là có thể sở hữu lâu dài và di chuyển bằng phương tiện cá nhân đang được qua tâm hàng đầu. Bất động sản nghỉ dưỡng núi đang lên ngôi thay thế cho bất động sản nghỉ dưỡng biển", ông Tuyển khẳng định.
Cũng theo ông Tuyển, trước đây, nhiều nhà đầu tư thấy giá ở Hà Nội và TP.HCM quá cao thì tìm cơ hội đầu tư ở các "vùng trũng". Một số nơi như Nha Trang, Quảng Ninh và Phú Quốc ồ ạt đón các các nhà đầu tư.
"Năm năm qua đã hình thành nên các cơn đại hồng thủy về giá ở các địa phương này, đặc biệt là ở Nha Trang và Đà Nẵng. Thậm chí có nơi ở Đà Nẵng giá tăng 10 lần trong hai năm, làm cho nhiều nhà đầu tư ở Hà Nội và Sài Gòn có thu nhập rất cao và nhanh", ông Tuyển nói.
Tuy nhiên, cũng theo vị này, hiện nay dọc đường Võ Nguyên Giáp hàng loạt khách sạn đóng cửa không khai thác được. Đa số những người vẫn còn sở hữu các bất động sản này là người Nha Trang và Đà Nẵng, trong khi nhiều nhà đầu tư từ Hà Nội và TP. HCM đã rút tiền đi đầu tư chỗ khác.
“Những nhà đầu tư tinh khôn, họ luôn biết thế nào là đủ và rút vốn kịp thời, không bị ngủ quên trong chiến thắng", ông Tuyển nói.
Đề cập đến một số thị trường mới nổi gần đây, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô lưu ý, nhà đầu tư "đừng để trúng gió" bởi khi thị trường nóng là hầu hết các nhà đầu tư dễ bị say nắng, sợ mất cơ hội là xuống tiền mua bất chấp.
Cũng theo ông Trung, những người mua second home có hai lỗi lớn khiến dễ mất tiền. Một là dễ bị cảm xúc đánh lừa. Họ thường vì một yếu tố nhỏ tác động mà bỏ qua tổng thể.
Ông Trung cũng cho rằng, nếu nghĩ mua xong để dùng mà vẫn tăng giá rồi sau bán lại dễ dàng, thì đó là sai lầm lớn nhất. Vì đầu tư vào second home, lúc muốn bán lại phải tìm được người cùng gu mới bán được, nghĩa là tính thanh khoản kém.
"Khách mua mới không đánh giá được bộ sofa Ý cao cấp 300 triệu đồng. Họ chỉ đánh giá đất bao nhiêu tiền một mét vuông, nhà xây lên mất bao nhiêu tiền…. Giá trị đầu tư cho cảm xúc không được định giá, khiến các giá trị đã đầu tư vào second home khi bán đi bị gạt đi", ông Trung nói.
Giá đất tăng dựng ngược
Theo Chủ tịch BHS Group, trong tương lai nhà đầu tư sẽ không đầu tư vùng trũng nữa, mà nghe ngóng những thị trường đất nền, chung cư tỉnh lẻ có khả năng tăng trưởng tốt, hạ tầng đồng bộ.
Cách đầu tư hiện nay tập trung vào sự an toàn, đúng như câu "Khoai ruộng lạ mạ ruộng quen", nghĩa là nhà đầu tư tập trung vào những tỉnh có GDP tốt, gần Hà Nội, TP.HCM như Quảng Ninh, Hòa Bình, Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... Những vùng xa như Quảng Bình, Quảng Trị, Lào Cai nhà đầu tư không còn mặn mà.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VARS, cho biết thời gian vừa rồi, qua khảo sát đất đai tại một số làng, xã vùng Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì (Hà Nội)… có những làng, tuần trước vào khảo sát thì tuần sau giá đã tăng dựng ngược lên. Nhiều nơi còn không đầy đủ giấy tờ cũng được rao bán, thậm chí nhiều người chặt hết cây hoa quả, san lấp đất và cắm biển rao bán.
“Tuần này báo 1 triệu đồng/m2, tuần sau hét lên 1,7 triệu đồng/m2, rồi thời gian ngắn sau đã thấy lại lên 2 triệu đồng/m2”, ông Đính cho biết.
Theo ông Đính, đây là điều bất bình thường. Tình trạng này xảy ra vì khan hiếm nguồn cung. Ngoài ra, sự thiếu sự kiểm soát của các địa phương dẫn đến hiện tượng trên.
Ông Đính cũng cho biết, sự tăng giá cao ở nhiều nơi gây lo ngại, bởi có những chỗ chưa được đầu tư hay đầu tư chưa hoàn chỉnh nhưng giá cứ tăng. Thậm chí nhiều nơi mới chỉ được kỳ vọng đã có giá ngang ngửa những vùng đã hoàn chỉnh về hạ tầng.
-
Năm 2021 có nên đầu tư vào condotel?
CafeLand - Bất động sản nghỉ dưỡng là một trong những phân khúc thu hút đầu tư trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, trước những tác động của dịch Covid-19 lên ngành du lịch, cùng với câu chuyện cấp giấy chủ quyền “sổ đỏ” cho condotel, nhiều nhà đầu tư đang băn khoăn liệu có nên bỏ tiền vào phân khúc này nữa hay không?
-
Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi ra sao trong năm 2025?
Sau một khoảng thời gian trầm lắng tương đối dài, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 2025 được dự báo có thêm nhiều tín hiệu tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi. Trong đó là những dấu ấn nổi bật về tăng trưởng khách du lịch năm 2024 và những kỳ vọ...
-
Thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng nhiều nơi gần như đóng băng
Trong báo cáo thị trường tháng 11, DKRA cho biết phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và các vùng lân cận tiếp tục duy trì trạng thái ảm đạm.
-
Bao giờ bất động sản nghỉ dưỡng mới “tan băng”?
Mặc dù nguồn cung ghi nhận có tăng nhẹ nhưng thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp. Lượng giao dịch tập trung ở những sản phẩm có giá bán dưới 10 tỷ đồng/căn.