Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội. (Ảnh NIC)
Trong số 10 dự án trọng điểm được Hà Nội phân luồng theo cơ chế ưu tiên “làn xanh” nhằm thúc đẩy tăng trưởng, thì có một nửa trong số đó là các công trình giao thông chiến lược, kết nối đô thị trung tâm Hà Nội với khu vực ngoại thành.
“Làn xanh” cho các dự án mở rộng đô thị
Đó là các dự án cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi - những tuyến giao thông chiến lược kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành Hà Nội và với tỉnh Hưng Yên; đường Vành đai 4 - tuyến đường thúc đẩy phát triển kinh tế không chỉ của Hà Nội mà cả khu vực Vùng Thủ đô; Tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao-Hòa Lạc...
Thành phố xác định, đây là các dự án có thể đóng góp ngay vào GRDP năm 2025. Do đó, thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải xử lý ngay các hồ sơ, thủ tục của các dự án trọng điểm này trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mục tiêu tăng trưởng hơn 8% là một nhiệm vụ khá khó khăn với Thủ đô. Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, Hà Nội muốn đạt tăng trưởng cao là khó, bởi quy mô nền kinh tế lớn. Để tạo ra động lực cho tăng trưởng nhanh, Hà Nội cần thu hút vốn đầu tư tập trung cho tăng trưởng bất động sản.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc mở rộng không gian đô thị là động lực kinh tế đầy triển vọng. Hà Nội nên tiếp tục mở rộng không gian phát triển, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông để hình thành các khu vực đô thị mới.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng: “Các khu đô thị với không gian xanh, trường học, bệnh viện quốc tế không chỉ nâng cao chất lượng sống, mà còn tăng sức hút dân cư, từ đó thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư”.
Ông Phạm Thiếu Hoa, đại diện Tập đoàn Vingroup phân tích, tình trạng tắc nghẽn giao thông hiện nay của Hà Nội đang làm gia tăng chi phí, tiêu hao nguyên liệu, thời gian, công sức của người dân; đồng thời, sản sinh ra nhiều khí thải, bụi mịn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng... Do đó, Hà Nội phải quyết liệt giãn dân ra các đô thị vệ tinh để nội đô có điều kiện mở rộng đường, có quỹ đất đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Mở rộng không gian đô thị được cụ thể hóa bằng các khu đô thị hoàn chỉnh tại các đô thị vệ tinh, vùng ven. Hướng đi này sẽ tối ưu hóa giá trị của quỹ đất, tạo giá trị gia tăng lớn.
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu: “Hà Nội phải tiên phong trong đô thị hóa gắn với chất lượng sống cao, tạo động lực cho vùng và cả nước”.
Cần sự đột phá
Tuy nhiên, việc phát triển đô thị vệ tinh cũng đối mặt với không ít thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là sự chậm trễ trong triển khai hạ tầng giao thông kết nối. Sau hơn một thập kỷ kể từ quy hoạch năm 2011, nhiều đô thị vệ tinh như Sơn Tây hay Phú Xuyên vẫn chưa phát triển đúng như kỳ vọng cũng vì lý do này.
Thách thức thứ hai là năng lực quản lý và phát triển đồng bộ. Có chuyên gia đã lo ngại, nếu không có chiến lược phát triển kinh tế đặc thù, thì các khu vực đô thị mới phát triển có thể chỉ là “nơi cư dân về ngủ” thay vì là các trung tâm kinh tế độc lập.
Vấn đề thách thức thứ ba là nguồn lực tài chính. Việc xây dựng các đô thị vệ tinh đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn cho hạ tầng kỹ thuật, xã hội và các dự án động lực. Ngân sách Nhà nước có hạn, việc huy động vốn từ khu vực tư nhân và FDI cần cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch. Thực tế, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào các đô thị vệ tinh nhưng vướng mắc về thủ tục đất đai và thiếu ưu đãi cụ thể.
Việc phát triển các khu đô thị mới, triển khai các dự án đầu tư công, dự án giao thông trọng điểm nhằm kết nối và thúc đẩy tăng trưởng toàn thành phố là giải pháp đã nhìn ra. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn Hà Nội vẫn đang có hàng nghìn dự án dang dở trong thời gian dài, tiến độ triển khai và giải ngân vốn rất chậm.
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) của Hà Nội giai đoạn 2019-2023 là 9,16 - cao hơn so bình quân cả nước. Như vậy, hiệu quả sử dụng vốn của thành phố còn thấp.
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do độ trễ của hoạt động đầu tư, vướng mắc về thể chế, dẫn đến nhiều công trình tăng vốn, kéo dài thời gian hoàn thành. Tiến độ giải ngân nhiều công trình, dự án quan trọng để tạo đòn bẩy khơi thông mạnh mẽ nguồn lực của Hà Nội cũng khá chậm so kế hoạch.
Theo tính toán, lĩnh vực bất động sản đang thâm dụng vốn, năm 2023 chiếm tới 13% tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn, nhưng lĩnh vực này chỉ chiếm khoảng 3,3% quy mô GRDP của Hà Nội.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tất Thắng cho rằng: “Hà Nội còn nhiều dư địa để đô thị hóa các khu vực nông thôn, chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất đô thị. Việc kiểm kê và đưa các dự án “đắp chiếu” vào khai thác sẽ huy động nguồn vốn lớn, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số”.
Nhìn nhận những hạn chế này, thành phố Hà Nội đang khẩn trương, quyết liệt thực hiện công tác đầu tư hạ tầng để từng bước mở rộng không gian, hiện đại hóa đô thị, thúc đẩy các dự án để phát triển kinh tế.
Trong năm 2025, Hà Nội dự kiến huy động 622,7 nghìn tỷ đồng vốn xã hội, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công hơn 95%; trong đó, từng bước hình thành thành phố phía tây với hàng loạt dự án trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ
Tại hội thảo “Tầm nhìn mới, cơ hội mới” được tổ chức vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khẳng định: “Mở rộng không gian đô thị sẽ tạo ra việc làm, thúc đẩy kinh tế và xây dựng đô thị bền vững, giúp Hà Nội đạt tăng trưởng GRDP 8%”. Để đạt được mục tiêu, Hà Nội sẽ khai thác tối đa những cơ chế đặc thù để có được những đột phá về thể chế, phương thức thực hiện, nguồn lực đầu tư.
-
Hạ tầng khơi thông: Đô thị vệ tinh khu Tây TP.HCM - “mỏ vàng” bất động sản 2025
Năm 2025, khu Tây TP.HCM vụt sáng như “mỏ vàng” của thị trường bất động sản nhờ hạ tầng bùng nổ và không gian sống xanh. Dự án tiêu biểu nơi đây, Destino Centro không chỉ đáp ứng nhu cầu an cư mà còn mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn.
-
ĐỒNG NAI từ đô thị vệ tinh đến TRUNG TÂM bất động sản
Từ một đô thị vệ tinh của TP.HCM, đồng nai giờ đây không chỉ là điểm kết nối vùng mà còn là biểu tượng cho sự bứt phá của thị trường bất động sản khu vực phía Nam. vậy những lợi thế nào đang giúp đồng nai định hình vị thế này trên bản đồ kinh tế và đô thị hóa của cả nước?
-
Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ là đô thị vệ tinh, sau đó mới nâng cấp lên thành phố
Quy hoạch xác định TP.HCM là đô thị đặc biệt, gồm đô thị trung tâm, 6 đô thị trực thuộc là thành phố Thủ Đức và 5 đô thị vệ tinh nâng cấp lên thành phố (gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ).







-
Hà Nội nguồn cung căn hộ giảm, người mua chuyển hướng ra vệ tinh, khu vực này thành cực hút mới
Sau chuỗi 8 quý tăng trưởng không ngừng, thị trường căn hộ sơ cấp Hà Nội bất ngờ “giảm tốc” trong ba tháng đầu năm 2025. Nguồn cung mới sụt giảm mạnh, lượng tiêu thụ lao dốc, trong khi đó, các khu vực vùng ven như Văn Giang (Hưng Yên) lại nổi lên như...
-
Bộ Chính trị họp và giải trình ý kiến Trung ương về sáp nhập tỉnh
Chiều 11/4, Bộ Chính trị họp và giải trình ý kiến Trung ương về các nội dung liên quan sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp....
-
Hà Nội phê duyệt hầm chui Hoàng Quốc Việt gần 3.000 tỷ đồng
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1966/QĐ-UBND, chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hầm chui Hoàng Quốc Việt kéo dài với đường Phạm Văn Đồng, đồng thời kết nối với phố Trần Vỹ, một nhánh giao thông quan trọng hướng v...