24/11/2016 1:22 PM
Dự án mở rộng tuyến đường Trường Chinh không chỉ nổi tiếng với “đường cong mềm mại”, tiến độ “rùa bò” mà hiện nay, sau giải phóng mặt bằng, hàng chục ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo có hình dạng kì dị được mọc lên như nấm.
Đường chưa xong, nhà siêu méo lộ diện
Dự án đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng (tuyến đường Trường Chinh) có tổng mức đầu tư trên 2.500 tỷ đồng được tiến hành từ năm 2011 với mục tiêu đặt ra là cải tạo, nâng cấp, mở rộng tuyến đường dài 1.980 m từ bề rộng 14 m thành mặt đường kết cấu bê tông nhựa rộng 53,5 đến 57,5 m, xây dựng cầu qua sông Lừ có chiều dài 34,8 m. Tuy nhiên, dù ngốn hàng tỷ đồng, nhưng đến nay, tuyến đường này vẫn chưa hoàn thành.
Cùng với tiến độ ì ạch đã kéo dài nhiều năm, sau khi giải phóng mặt bằng, hàng chục căn nhà siêu mỏng, siêu méo, có hình thù kỳ quái, dị dạng đã ngay lập tức xuất hiện trên tuyến phố mới mở.
Đi trên tuyến đường nghìn tỷ, không khó để bắt gặp những căn nhà dạng “chuồng chim” có diện tích vỏn vẹn vài m2, thiết kế “uốn éo” theo thế đất. Thậm chí, nhiều công trình chạy dài “dằng dặc” theo thửa đất có bề ngang chỉ hơn một bức tường nhưng xây cao chót vót lên tới 4 đến 5 tầng, trông như những lát cắt nham nhở vào bộ mặt đô thị hiện đại.
Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, đa số những căn nhà này sử dụng toàn bộ diện tích ở tầng 1 để làm mặt bằng kinh doanh, lên đến các tầng trên, chủ đầu tư làm dầm và bê-tông kiên cố, lấn chiếm, cơi nới thêm một khoảng diện tích tương đối lớn ra ngoài khoảng không của công trình, trông rất mất an toàn.
Chưa dừng lại ở đó, đối với các công trình đang xây dựng dang dở, chủ nhà còn đôn đốc thợ gấp rút thực hiện để hoàn công việc xây dựng nhanh nhất với mục đích coi như việc đã rồi và “hòa cả làng”.
Câu hỏi đặt ra là ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” nằm ngay mặt phố lớn giữa trung tâm Thủ đô, nhưng chính quyền sở tại “vờ” làm ngơ hay không biết về sự tồn tại của các công trình xây dựng này.
Cơ chế có sao vẫn khó làm?
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng kết hợp với chỉnh trang đô thị hai bên tuyến đường mới mở trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, báo cáo cấp ủy đưa hệ thống chính trị vào cuộc, vận động để người dân biết, chấp hành quy định của thành phố khi mở đường.
Đồng thời, chỉ đạo các phòng ban chuyên môn sâu sát, quyết liệt trong công tác, tổ chức thực hiện quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, chỉnh trang đô thị hai bên tuyến đường mới mở; cân đối bố trí đủ, kịp thời vốn ngân sách của quận, huyện, thị xã để đền bù, lên phương án thu hồi đất ngoài chỉ giới để sử dụng vào mục đích công cộng…
Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân các thủ tục hành chính khi thực hiện hợp thửa, hợp khối cũng như xây dựng công trình. Quan tâm thực hiện giải quyết đơn thư, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi, trách nhiệm của UBND quận, huyện, thị xã theo quy định; giữ ổn định tại địa phương trong suốt quá trình giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.
Ngoài ra, chỉ thị còn yêu cầu cân đối bố trí đủ, kịp tời vốn ngân sách của quận, huyện, thị xã để đền bù, lên phương án thu hồi đất ngoài chỉ giới để sử dụng vào mục đích công cộng nếu việc hợp thửa, hợp khối (sau 30 ngày) không thực hiện được...
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh thêm các trường hợp siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.
Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập trong việc cấp giấy phép xây dựng, thực hiện chỉnh trang kiến trúc công trình trên toàn tuyến.
Phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo thanh tra xây dựng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp phát sinh vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt quan tâm, có phương án xử lý các thửa đất, công trình không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (có diện tích dưới 15m2).
Chỉ thị đã rõ là vậy, tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau mỗi dự án đường giao thông hoàn thành, hai bên đường phố mới lại xuất hiện nhiều ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo có hình thù kỳ dị. Điều này, không những phá nát quy hoạch chung của đô thị mà còn vấp phải sự phản ánh quyết liệt từ phía người dân. Đặc biệt là việc hàng loạt các hộ dân ngang nhiên xây dựng những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo mà không có bất cứ sự ngăn cản hay can thiệp nào của các lực lượng chức năng.
Rõ ràng, Hà Nội sẽ còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết tận gốc vấn nạn những căn nhà kỳ dị xuất hiện ở cả những con đường được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng khiến diện mạo đô thị Thủ đô trở nên lộn xộn và mất mỹ quan.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại hiện trường:
Chỉ trong một đoạn ngắn, đã xuất hiện hàng loạt ngôi nhà có bề ngang chật hẹp mới trên tuyến phố Trường Chinh mở rộng, bất chấp quy định pháp luật và nỗ lực của chính quyền.
Các ngôi nhà mỏng, nhỏ vẫn được xây cao tầng san sát nhau.
Dù ngốn hàng tỷ đồng, tuyến phố vẫn không thoát khỏi cảnh bát nháo, lộn xộn.
Nhìn xa, những ngôi nhà này chẳng khác “chuồng chim” giữa lòng đô thị.
Một thửa đất mỏng dẹt vẫn ngang nhiên xây móng, dựng cột nhưng không hề thấy lực lượng chức năng đến kiểm tra, xử lý.
Một ngôi nhà hình tam giác xây có tới 5 tầng.
Phúc Khang (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.