Sau nhiều năm thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) để làm dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), đến nay công tác này hầu như đã hoàn thành.
Tuy nhiên, nhiều hộ dân sau khi giao mặt bằng cho Nhà nước làm tuyến metro số 2 thì gặp khó trong việc xin giấy phép xây dựng (GPXD) đối với phần diện tích còn lại.
Quyết bám mặt tiền vàng
Theo ghi nhận của PV, dọc tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh (quận Tân Bình), người dân đang rốt ráo giải tỏa mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư tuyến metro số 2.
Cũng từ chủ trương của Nhà nước và hy sinh vì mục đích chung, nhiều gia đình đã bàn giao mặt bằng để làm dự án kể từ những ngày đầu chính quyền vận động. Tuy nhiên, sau khi bàn giao mặt bằng, diện tích nhà ở của nhiều hộ dân bị thu nhỏ, ảnh hưởng không ít đến sinh hoạt hằng ngày.
Bà Vũ Thị Bích Thu (phường 4, quận Tân Bình), một hộ dân đã giao mặt bằng cho metro số 2, chia sẻ gia đình ủng hộ chủ trương của Nhà nước làm dự án này nên đã bàn giao mặt bằng từ sớm.
Bà Thu cho biết phần đất còn lại dù nhỏ hẹp nhưng vẫn là mặt tiền kinh doanh và cũng là nghề chính của cả gia đình. Do đó, gia đình sẽ tiếp tục bám trụ mảnh đất này để làm kinh tế và duy trì cuộc sống. Tạm thời mỗi tháng cả gia đình phải bỏ 10 triệu đồng đi thuê trọ trong thời gian chờ xây mới nhà.
Bà Thu lo lắng cả gia đình đã đi thuê trọ được gần ba tháng và có lẽ đến tết này vẫn chưa có nhà. Bà mong muốn địa phương sớm cập nhật các thủ tục cấp GPXD, hỗ trợ người dân trong thời điểm khó khăn này.
Một hộ dân trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình đang dọn dẹp mặt bằng để bàn giao cho metro số 2. Ảnh: Đào Trang
Gặp khó về giấy phép xây dựng
Bà Thu và nhiều hộ dân dọc tuyến metro số 2 cho biết khó khăn lớn nhất vẫn là việc xin GPXD cho phần diện tích còn lại.
“Sau khi bàn giao mặt bằng, diện tích còn lại của nhà tôi là 30 m2 và đủ điều kiện để cấp GPXD mới. Tuy nhiên, việc cấp GPXD mới vẫn phải chờ hướng dẫn từ chủ đầu tư là Ban quản lý đường sắt đô thị TP (MAUR), do đây là những căn nhà cạnh tuyến đường sắt đô thị” - bà Thu bày tỏ.
Bà Thu cũng lo lắng vì dù được cấp GPXD nhưng diện tích còn lại nhỏ, hẹp nên chỉ được làm một trệt, một lửng và một lầu.
“Tính ra, việc cấp GPXD như hiện nay thì vấn đề sinh hoạt của gia đình tôi cũng khá khó khăn. Riêng tầng trệt đã để kinh doanh buôn bán, tầng lửng dành làm phòng bếp và tầng còn lại phục vụ sinh hoạt cho sáu người, như vậy thì quá chật chội” - bà Thu bày tỏ.
Theo ghi nhận của PV, dọc tuyến metro số 2 có rất nhiều căn nhà siêu nhỏ, thậm chí có căn diện tích chỉ khoảng 3 m2. Những căn này vẫn được người dân cải tạo và sử dụng buôn bán, sinh hoạt như bình thường.
Một người đang sửa chữa căn nhà khoảng 8 m2 trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình) cho biết: “Diện tích nhỏ như vậy thì chủ yếu cho thuê để buôn bán chứ khó có thể sinh hoạt. Tuy nhiên, đây là tấc đất tấc vàng mà, dù 8 m2 hay 3 m2 thì người ta cũng có thể kinh doanh được”.
Các trường hợp được cấp phép xây dựng
Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Ban quản lý dự án 2, cho biết: Ban đầu các quận cũng gặp khó khăn trong công tác cấp GPXD mới cho hộ dân sau khi giải tỏa, bởi đây là khu vực gần kề với tuyến metro số 2 và cần có ý kiến từ MAUR.
Theo thống kê, tại thời điểm chưa có hướng dẫn từ Sở Xây dựng, MAUR nhận được hơn 200 hồ sơ của người dân yêu cầu được cấp GPXD nằm trong phạm vi kiểm soát xây dựng của tuyến metro số 2. Với lượng hồ sơ lớn như trên, UBND TP cần ban hành các tiêu chí để có cơ sở cấp GPXD cho người dân.
Hiện nay, Sở Xây dựng đã có hướng dẫn cụ thể về việc cấp GPXD cho các hộ dân gần kề tuyến metro số 2. Cụ thể, đối với công trình từ sáu tầng trở xuống sẽ giao quận tiếp nhận hồ sơ, xem xét cấp phép và không cần lấy ý kiến MAUR (trừ trường hợp cần làm rõ về ranh hành lang bảo vệ công trình).
Đối với công trình trên sáu tầng, Sở Xây dựng sẽ cấp phép nhưng sở chỉ cấp phép sau khi đã lấy ý kiến của MAUR về giải pháp kỹ thuật thi công.
Nói về tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi tuyến metro số 2, UBND quận Tân Bình cho biết quận đã phát hành hướng dẫn việc cấp GPXD mới cho các công trình nhà ở nằm trong phạm vi “vùng kiểm soát xây dựng công trình khác” của tuyến này.
Cụ thể, sau khi có hướng dẫn cấp GPXD của Sở Xây dựng và hướng dẫn của chủ đầu tư về các tiêu chí đảm bảo tuổi thọ và an toàn cho các công trình đường sắt đô thị, UBND quận hướng dẫn cấp phép cho các trường hợp đơn lẻ.
Trong đó, UBND quận sẽ cấp phép xây dựng cho những công trình có số tầng không vượt quá sáu tầng, tòa nhà không có thiết kế tầng hầm; chiều sâu hố móng tối đa không vượt quá 2 m tính từ vỉa hè hiện hữu và không thiết kế móng cọc.
Theo ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Ban quản lý dự án 2 (thuộc MAUR), tính đến thời điểm hiện nay, các quận đã nhận bàn giao mặt bằng đạt đến 74,63% (450/603 trường hợp). Theo tiến độ hiện nay, có thể đảm bảo đầu năm 2021 các quận có metro số 2 đi qua sẽ bàn giao đủ mặt bằng cho dự án.
Theo Quyết định số 2543 của UBND TP, các đơn vị xin GPXD phải bổ sung bản vẽ thiết kế kết cấu móng. Trong đó, chủ đầu tư phải thuê đơn vị tư vấn thiết kế và đơn vị thẩm tra thiết kế có chứng chỉ hoạt động xây dựng tại Nghị định 100/2018 để thiết kế kết cấu móng, thẩm tra thiết kế và đưa ra giải pháp đảm bảo an toàn cho cả công trình xây dựng và hầm đường sắt theo quy định.
Về quy định hướng dẫn xây dựng ban công đối với các trường hợp xây dựng sát ranh nhà ga, lối lên xuống, tháp thông gió… của metro số 2, các hộ dân không được xây dựng bố trí vươn ra ngoài ranh giới giải tỏa.
Đối với các trường hợp không thuộc nhà ga, lối lên xuống, tháp thông gió của tuyến metro số 2 thì cao độ bố trí ban công sẽ từ 7 m trở lên, chiều rộng ban công được quy định theo hiện hành.
Đối với các trường hợp khác, UBND quận sẽ tổ chức lấy ý kiến của MAUR về giải pháp kỹ thuật để không làm ảnh hưởng đến sự ổn định, tuổi thọ và đảm bảo an toàn cho công trình hầm đường sắt trước khi xem xét giải quyết cấp GPXD theo quy định hiện hành.
|
-
Metro số 2 đi qua nhiều "đất vàng" nhưng đã có mặt bằng sạch cho 6 nhà ga
6/10 nhà ga của tuyến Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) được giao toàn bộ mặt bằng, tính đến thời điểm này, tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 75,95%.