Chính sách thắt chặt tín dụng, hạn chế cho vay trong lĩnh vực BĐS, cộng với hàng loạt những chính sách mới có tác động không nhỏ tới thị trường BĐS trong quý I vừa qua.
Hà Nội: Thị trường “lạnh” nhưng nhu cầu nhà ở vẫn cao
Nhu cầu nhà ở của người dân đang thực sự rất lớn. Ảnh: internet.

Hiện tại nguồn cung khá dồi dào nhưng thực tế giao dịch lại quá trầm lắng, giá nhiều phân khúc giảm mạnh đang đem lại lợi thế cho người mua BĐS.

Nhiều phân khúc BĐS đang “ngủ đông”


Trong khi vàng đang ở giai đoạn chao đảo giá cả, đầu tư vào vàng thực sự sẽ là mạo hiểm cho những nhà đầu tư (NĐT) không chuyên nghiệp; chứng khoán đang trong thời điểm sụt giảm và bao giờ mới tăng trở lại thì vẫn chưa có câu trả lời nên BĐS đang trở thành kênh đầu tư được nhiều NĐT hướng đến. Vậy nhưng, việc siết chặt tín dụng và cho vay trong lĩnh vực BĐS đang khiến nhiều NĐT “đau đầu”. Trước đó thị trường đã gặp phải “cơn hạn hán” khi Nghị định 71/2010/NĐ-CP của Chính Phủ ra đời.

Biểu hiện rõ nét nhất về khó khăn của thị trường là số lượng các nhà đầu tư tham gia thị trường giảm do tác động của Nghị định này, do sự chấn chỉnh không được đầu tư ngoài ngành của các cơ quan chủ quản đối với các công ty, tổng công ty và do lợi nhuận trung bình của ngành có chiều hướng giảm đáng kể.

Trong khi đó, sức cầu bị hụt hơi nhiều do nguồn vốn bị thu hẹp. Tăng trưởng dư nợ tín dụng bị rút xuống. Tín dụng BĐS và chứng khoán bị siết chặt hơn. Việc dư cung của thị trường dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các dự án, trong khi sức ép từ lãi suất ngân hàng quá cao, nhiều nhà đầu tư vẫn phải hạ giá bán sản phẩm để bán xoay vốn.

Thế nhưng, theo khảo sát của chúng tôi, nhiều phân khúc BĐS tại Hà Nội đang ngủ đông, giao dịch trầm lắng, NĐT ồ ạt chạy vào khu vực phía nam để đầu tư. Số lượng giao dịch ở các Sàn Hà Nội hiện nay là rất ít. Khách hàng chủ yếu hỏi thăm dò thị trường và tham khảo giá chứ không mặn mà đầu tư.

“Lượng giao dịch đất nền và căn hộ chung cư tại sàn chúng tôi trong một tháng qua đã giảm tới 70% so với thời điểm cuối tháng 2 và tháng 3. Giao dịch biệt thự phân lô và liền kề chỉ được 1 - 2 cái. Và đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều sàn BĐS khác. Chúng tôi cũng lo ngại vì tác động của các chính sách tới tâm lý NĐT và khách hàng quá lớn. Hy vọng tình hình sẽ được cải thiện trong tháng tới”, - một nhân viên sàn giao dịch nhà đất trong phố Hoàng Ngân nói với chúng tôi.

Chung cư bình dân: nhu cầu vẫn rất lớn

Theo khảo sát của phóng viên, nếu cách đây vài năm, với khoảng 1 tỷ đồng đã có thể mua được một căn nhà hoặc chung cư tại Hà Nội thì nay ít nhất cũng phải cần khoảng 2 – 3 tỷ đồng trở lên mới mua nổi.

Việc đất ít, người tăng nhanh cộng với tình trạng một diện tích không nhỏ đang bị bỏ hoang phí (chủ yếu là đầu cơ) đã đẩy giá nhà, đất Hà Nội lên cao hơn so với thực tế. Và mặc dù trong khi thị trường trầm lắng thì nhu cầu nhà ở thực sự của người dân vẫn là rất lớn.

Số liệu thống kê từ Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, ước tính tại khu vực đô thị vẫn còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp với tổng diện tích nhà ở lên tới 150 triệu m2 (vốn đầu tư tới 300.000 - 400.000 tỷ đồng), riêng Hà Nội cần 5,5 triệu m2 (tương đương 110.000 căn hộ và 11.000 chỗ ở cho công nhân trong các khu công nghiệp).

Khi được hỏi, hiện lượng cung hàng phân khúc chung cư bình dân và chung cư hạng trung tương đối lớn, lượng đất nền giao dịch trên thị trường cũng không hề nhỏ thì tại sao lại khó khăn trong việc mua bán thì hầu hết người có nhu cầu nhà ở thực sự đều than phiền: hiện giá chung cư, kể cả phân khúc bình dân là quá cao. Để tìm được một căn hộ mua được với giá gốc khoảng 20 triệu/m2 không phải là dễ. Giả sử có mua được một căn tầm 60m2 với mức giá đó thì cũng phải mất ít nhất là hơn 1 tỷ. Số tiền đó không phải là nhỏ với những người làm công ăn lương. Còn nếu mua đất, rồi xây nhà lên ở cũng phải có tiền tỷ mới xong!

“Giả sử tôi có thể vay mượn khoảng 1 tỷ đồng để mua đất hoặc chung cư, giải quyết vấn đề nhà ở trước mắt nhưng tiền lãi hàng tháng, cộng với các khoản chi tiêu trong tháng tiền lương của cả gia đình tôi cũng khó để “gánh” nổi.” – một nhân viên văn phòng chia sẻ.

Qua điều tra cho thấy, ở các khu vực như Từ Liêm, Đống Đa, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai có nhu cầu giao dịch cao hơn. Thời gian qua, nhiều dự án có quy mô lớn, số lượng căn hộ nhiều đã ra hàng như: RoyalCity (Nguyễn Trãi) bán 4.000 căn hộ; Cleve (Hà Đông) là 5.000 căn hộ, GoldenPalace (Mễ Trì) tới 1.000 căn hộ… đáp ứng một phần nào nhu cầu nhà ở thực tế của người dân. Tuy nhiên, lượng giao dịch thành công không cao vì đa số người mua cho rằng, giá phân khúc chung cư trung bình hiện nay vẫn ở mức rất cao, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người.

Cơ cấu dân số ở nước ta tương đối trẻ. Độ tuổi từ 16 đến 50 tuổi chiếm hơn 50%, nhu cầu nhà ở của người dân là rất lớn nhưng do lãi suất vay vốn ngân hàng quá cao nên nhiều người dân không có điều kiện mua nhà ở.

Số lượng thống kê người đang ở nhà thuê chỉ đúng 20% so với thực tế. Vậy số còn lại, hoặc không khai báo tạm trú tạm vắng, hoặc thuộc diện thường xuyên di chuyển chỗ ở mà không khai báo, đối tượng là học sinh, sinh viên… thì không thống kê hết gây khó khăn cho quản lý, an ninh xã hội và đảm bảo vấn đề dân sinh.
Cafeland.vn - Theo Thảo Nguyên (Tamnhin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland