UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch Phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ảnh minh hoạ

Tại kế hoạch này, thành phố Hà Nội đặt nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện cơ chế quản lý và phát triển hoạt động logistics và phát triển hạ tầng dịch vụ logistics. Trong đó, cụ thể hoá quy hoạch các trung tâm logistics và cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics trên địa bàn. Tập trung đôn đốc tiến độ, tăng cường phối hợp giữa các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics.

Hà Nội phấn đấu trong năm 2023 khởi công xây dựng 2 cảng cạn ICD (tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm và xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức); xác định vị trí, ranh giới, diện tích cụ thể 2 trung tâm logistics (tại các huyện Phú Xuyên, Sóc Sơn); chấp thuận chủ trương đầu tư 1 cảng container quốc tế (tại xã Cổ Bi, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm…).

Định hướng phát triển hạ tầng dịch vụ logistics trên địa bàn Hà Nội theo nguyên tắc dành quỹ đất và phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực để xây dựng và khai thác hiệu quả hạ tầng logistics.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 25.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động logistics. Trong số này, doanh nghiệp tư nhân chiếm đến 80%, song chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu thị trường, do phần lớn đều có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn, công nghệ và nhân lực. Trong khi đó, một số tập đoàn logistics lớn trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam như Kunhe Nagel, Schenker, Bikar, APL Logistics..., lại chiếm khoảng 70% thị phần nhờ tính chuyên nghiệp, mạng lưới rộng và ứng dụng công nghệ hiện đại.

Hiện có 5 tuyến đường sắt kết nối Hà Nội với các địa phương... Với hệ thống sông, trên địa bàn Hà Nội hiện có 9 cảng sông có hệ thống kho bãi và công trình phụ trợ... Bên cạnh đó, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng ngày càng hỗ trợ cho hoạt động logistics.

Hà Nội cũng đã ban hành Đề án “Quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn đến năm 2025”. Mục tiêu là phát triển Hà Nội thành một trong ba trung tâm logistics lớn của cả nước và khu vực, đạt trình độ quốc tế, đóng góp ngày càng nhiều vào GRDP.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP của thành phố đạt từ 9% đến 11%; tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 17% đến 21%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60% đến 65%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 14% đến 17% GRDP của thành phố. Đến năm 2025, sẽ đưa vào khai thác một số hạ tầng dịch vụ logistics như 2 trung tâm logistics, 2 cảng cạn ICD, một cảng thủy công-ten-nơ (container) quốc tế, 5 trung tâm tiếp vận và một số hệ thống kho chuyên dụng.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.