06/12/2022 7:49 AM
Triển khai công tác GPMB phục vụ dự án đường Vành đai 4, TP.Hà Nội yêu cầu dự trữ thêm diện tích đất để xây dựng 2 tuyến đường sắt đô thị chạy theo hành lang phía Đông và phía Tây thành phố.

Phối cảnh đường Vành đai 4 và đường sắt đô thị chạy song song tại địa phận Hà Nội (hình: Trọng Đảng)

Đăt mục tiêu khởi công dự án đường Vành đai 4 trước ngày 30/6/2023, UBND TP.Hà Nội yêu cầu các quận, huyện khẩn trương bàn giao 70% mặt bằng của tuyến đường để đảm bảo tiến độ thi công dự án. Được biết, để thi công đường Vành Đai 4 đoạn qua Hà Nội cần thu hồi khoảng 741ha diện tích đất (toàn tuyến cần 1.341ha).

Đáng chú ý, diện tích đất thu hồi để phục vụ tuyến đường Vành đai 4 đã được dự trù thêm để thực hiện kế hoạch xây dựng các tuyến đường sắt đô thi chạy theo hành lang thành phố trong tương lai.

Trả lời báo chí, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, Thành ủy Hà Nội yêu cầu GPMB có đoạn từ 125-130 mét mặt cắt ngang khu vực có đoạn tuyến đi qua. Trong đó, 90 mét để thi công mặt đường vành đai còn 30-35 mét sẽ làm quỹ dự trữ. Quỹ đất này sẽ được bố trí cho 2 dự án đường sắt đô thị chạy theo hành lang phía Đông và phía Tây thành phố, bao gồm:

Tuyến đường sắt Vành đai phía Đông kết nối Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi sẽ đầu tư trước năm 2030 và tuyến Vành đai phía Tây kết nối Ngọc Hồi - Thạch Lỗi (không đi vào trung tâm TP.Hà Nội) đầu tư trong giai đoạn 2030 – 2050. 2 tuyến đường sắt đô thị trên đã được bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Sở GTVT Hà Nội, việc dự trữ quỹ đất sẽ giúp hạn chế kinh phí GPMB trong tương lai khi các dự án này triển khai.

Về tiến độ GPMB, Tính đến cuối tháng 11, TP.Hà Nội đã tổ chức cắm mốc giải phóng mặt bằng (GPMB) được gần 40km đường Vành đai 4 trên địa bàn 7 quận, huyện. Cùng đó, Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư. Dự kiến công tác GPMB sẽ hoàn thành trong năm 2024.

Tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô dài 112,8km đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, với tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỉ đồng. Trong đó, đoạn tuyến thuộc địa phận TP.Hà Nội dài 58,2km, đi qua các quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín.

TP. Hà Nội dự kiến huy động 19.470 tỉ đồng từ ngân sách thành phố để triển khai dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 và huy động thêm 4.047 tỉ đồng trong giai đoạn 2026 - 2030

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.