CafeLand - Đó là nhận định của bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, tại buổi họp báo thị trường bất động sản Hà Nội chiều 16/10.

Giá bán căn hộ sơ cấp tăng 3% theo năm.

Giá bán căn hộ tăng

Theo thống kê của Savills, thị trường căn hộ chung cư tại Hà Nội trong quý 3 có 11 dự án mới và 9 dự án cũ tiếp tục triển khai giai đoạn tiếp theo, cung cấp cho thị trường khoảng 8.100 căn hộ, tăng 23% theo quý và 17% theo năm.

Nguồn cung sơ cấp giảm 5% theo quý nhưng tăng 8% theo năm đạt 29.700 căn. Phân khúc căn hộ hạng B tiếp tục dẫn đầu nguồn cung với 67% thị phần. Trong đó, Gia Lâm và Long Biên dẫn đầu số lượng căn hộ bán.

Giá bán căn hộ sơ cấp tăng 1% theo quý và 3% theo năm. Căn hộ hạng A có mức tăng giá theo năm cao nhất đạt 18%, phần lớn do mức giá bán cao của các dự án mới tung ra bán. Tuy nhiên, số lượng bán giảm 1% theo quý nhưng tăng 50% theo năm.

Khu vực phía đông Hà Nội có số lượng căn bán được cao nhất trong quý với 40% thị phần. Hà Đông, Từ Liêm, Thanh Xuân và Hai Bà Trưng vẫn là những khu vực bán được nhiều nhất.

Liên quan đến vấn đề giá căn hộ, bà Hằng cho hay, giá bán quý 3 tính chung toàn thị trường là tăng, chủ yếu ở căn hộ hạng C từ những dự án đã bán từ trước đây. Những dự án có mức giá 18-20 triệu đồng/m2 vẫn có room để tăng giá. Còn phân khúc căn hộ hạng A chủ yếu tăng giá ở những dự án mới.

Theo nhận định của Savills, thị trường Hà Nội vẫn còn nhiều động lực để phát triển nhà ở, nơi có dân số vàng và triển vọng kinh tế tích cực. Hà Nội chứng kiến tốc độ tăng trưởng dân số đạt 2,2% trong thập kỷ vừa qua, với khoảng 120.000 trẻ em ra đời và 80.000-100.000 người nhập cư mỗi năm.

Đặc biệt, giới siêu giàu Việt Nam được dự báo tăng với tốc độ 10% mỗi năm trong giai đoạn 2018-2023, cao thứ tư thế giới.

Theo báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2019, Việt Nam là quốc gia có mức tăng điểm cao nhất thế giới. Việt Nam được dự báo tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 7% mỗi năm trong các năm 2020 với GDP bình quân đầu người đạt 10.400 USD vào năm 2030.

Dự báo thị trường cuối năm, đại diện Savills cho biết, trong quý 4, thị trường Hà Nội sẽ có khoảng 15.800 căn hộ từ 10 dự án hiện tại và tương lai sẽ được mở bán. Nguồn cung tương lai mở rộng từ các quận nội thành ra các huyện ngoại thành. Các huyện Gia Lâm và Đông Anh sẽ cung cấp tổng cộng 30% nguồn cung tương lai.

Đáng chú ý, từ năm 2020 trở đi, các chủ đầu tư nước ngoài bao gồm Sumitomo, CapitaLand và Mitsubishi Corporation sẽ bắt đầu chào bán các dự án.

Căn hộ dịch vụ nhỏ, giá thuê linh hoạt lên ngôi

Theo báo cáo của Savills, phân khúc hạng A và dự án có thương hiệu tiếp tục dẫn dắt thị trường. Giá thuê của những dự án có thương hiệu cao hơn 19% so với những dự án còn lại.

Trong quý 3, nguồn cung đạt 4.330 căn, giảm 8% theo quý, do thị trường chỉ có thêm một dự án mới nhưng lại có hai dự án đóng cửa. Điều này dẫn đến giá thuê trung bình tăng 4% theo quý và công suất thuê đạt 84%.

Bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại Savills Việt Nam, nhận định thị trường căn hộ dịch vụ tại Hà Nội đang cho thấy những đổi thay rõ rệt về diện tích căn hộ và thời hạn thuê, theo hướng diện tích nhỏ và thời gian thuê linh hoạt hơn.

Thống kê của đơn vị này cho thấy, nếu vào năm 1996, tỷ trọng căn studio và một phòng ngủ chỉ chiếm 16%, thì đến quý 3-2019, con số này đã là 46%. Ngoài ra, khách thuê không chỉ là các chuyên gia nước ngoài và thương nhân cấp cao với nhu cầu thuê lâu dài mà còn có khách MICE/khách du lịch với nhu cầu ở ngắn hạn. Nhờ hợp tác với các đại lý du lịch trực tuyến, hơn 90% các nhà quản lý căn hộ dịch vụ đáp ứng nhu cầu thuê theo tháng và theo ngày thay vì hợp đồng năm.

Trong khi đó, nhìn nhận về vai trò của dòng vốn FDI và những tác động đến phân khúc căn hộ dịch vụ, bà Hằng cho rằng, với 6,1 tỉ USD vốn FDI thu hút được trong chín tháng đầu năm, Hà Nội đang giữ một vị trí quan trọng trong bản đồ đầu tư và phân khúc căn hộ dịch vụ sẽ được hưởng lợi.

Theo bảng xếp hạng Best Coutries to Invest In 2009 của U.S. New và World Report, Việt Nam đã tăng từ thứ 23 lên thứ 8 về thu hút đầu tư. Đặc biệt, lượng khách du lịch, chuyên gia, lao động đến Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung theo quốc tịch FDI cũng có sự thay đổi, dịch chuyển. Các quốc gia có vốn FDI lớn đổ vào Việt Nam cũng kéo theo nhiều hơn lượng khách du lịch, chuyên gia, lao động đi cùng.

“Căn hộ dịch vụ vẫn luôn là phân khúc hoạt động tốt, ổn định. Trong quý 4-2019, với việc có thêm bốn dự án lớn dự kiến gia nhập thị trường, cung cấp thêm khoảng 1.000 căn hộ, sẽ khiến thị trường này thêm sôi động. Đặc biệt, ba thương hiệu quản lý tầm cỡ quốc tế dự kiến sẽ tiếp tục hiện diện tại thị trường, cho thấy sức hấp dẫn của phân khúc căn hộ dịch vụ tại Hà Nội trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài”, bà Trang dự báo.

  • Dở khóc dở cười chuyện mua nhà tập thể cũ

    Dở khóc dở cười chuyện mua nhà tập thể cũ

    Hầu hết các khu nhà ở tập thể cũ đều đã xuống cấp, cơi nới, bất tiện trong sinh hoạt, nhưng lại án ngữ ở những vị trí vàng của Hà Nội. Do đó, sản phẩm này vẫn được người tiêu dùng lựa chặn với mục đích được ở trung tâm và chờ tái đầu tư, nhận nhà mới.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.