CafeLand - Sau hơn 10 năm tham gia góp vốn với số tiền gần 1,5 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng khu đô thị Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội), khách hàng bỗng nhận được thông báo từ phía chủ đầu tư về việc thanh lý hợp đồng và trả lại nguyên số tiền đã góp vốn từ năm 2009.

Ông Phạm Việt Thịnh (có địa chỉ thường trú tại Khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) mới đây đã có đơn tố cáo Công ty CP Tập đoàn Nam Cường vì cho rằng doanh nghiệp này có dấu hiệu lừa đảo để chiếm dụng vốn hơn 10 năm nay.

Trong đơn tố cáo, ông Thịnh cho biết, ngày 8/10/2009, ông có nộp 1.458.000.000 đồng vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường để thực hiện theo đúng cam kết đã thoả thuận trong Biên bản thoả thuận góp vốn đầu tư đã ký với Công ty TNHH – Tập đoàn Nam Cường (số 70 Linh Lang, Ba Đình, Hà Nội do ông Trần Văn Cường là Chủ tịch Tập đoàn) năm 2008.

Theo nội dung thoả thuận góp vốn đã ký, Tập đoàn Nam Cường đã nhận đủ số tiền trên của ông Thịnh để xât dựng cơ sở hạ tầng tại Khu đô thị mới Dương Nội – TP. Hà Đông, tỉnh Hà Tây cũ (nay là TP. Hà Nội).

Phiếu thu cho thấy ông Thịnh đã nộp gần 1,5 tỉ đồng cho Công ty CP Tập đoàn Nam Cường.

Đổi lại, ông Thịnh sẽ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng một ô đất ở biệt thự có ký hiệu A01-L50 (diện tích 180m2) tại khu đô thị mới Dương Nội theo mức giá 8.100.000 đồng/m2 (tại thời điểm ký biên bản).

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, từ đó đến nay, dù nhiều lần thúc giục Tập đoàn Nam Cường sớm bàn giao đất và Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất của ô biệt thự trên, nhưng Tập đoàn Nam Cường không thực hiện.

Đến ngày 5/2/2021, ông Thịnh nhận được Thông báo số 02/3030/TB/A0150 của Tập đoàn Nam Cường về việc thanh lý biên bản thoả thuận góp vốn đầu tư căn A01-L50 khu đô thị mới Dương Nội.

“Tập đoàn Nam Cường đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, không thực hiện đúng biên bản thoả thuận đã ký kết, đơn phương chấm dứt thoả thuận không thông qua thương lượng là hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến tài sản của tôi và có dấu hiệu lừa đảo để chiếm dụng vốn hơn 10 năm nay nhằm trục lợi bất chính”, ông Thịnh bức xúc.

Trong Thông báo số 02/3030/TB/A0150 của Tập đoàn Nam Cường, doanh nghiệp này cho biết, biên bản thoả thuận góp vốn đầu tư được ký kết từ năm 2008, có thời gian thực hiện kéo dài.

Hiện tại, do các quy định hạn chế của pháp luật về việc phân lô bán nền, và căn cứ Điều 422 Bộ Luật dân sự 2015, Công ty CP Tập đoàn Nam Cường xin thông báo chấm dứt Biên bản thoả thuận góp vốn với Quy khách hàng kể từ ngày 5/2/2021.

Biên bản thoả thuận góp vốn đầu tư giữa ông Thịnh và Tập đoàn Nam Cường.

Cũng trong thông báo, Tập đoàn Nam Cường mời ông Phạm Việt Thịnh đến trụ sở của Tập đoàn Nam Cường để làm thủ thục thanh lý Biên bản thoả thuận góp vốn và nhận lại số tiền đã góp vốn là 1.458.000.000 đồng.

Trong khi đó, một lô đất biệt thự tại Khu đô thị mới Dương Nội đã tăng giá gấp chục lần.

Khu đô thị Dương Nội, Hà Đông.

Về vấn đề này, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết, theo Nghị định 71, từ năm 2010 trở về trước, khách hàng được phép góp vốn để nhận sản phẩm (ở đây là đất biệt thự). Quy định này phù hợp với trình độ phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam thời điểm đó. Do vậy, hợp đồng này có hiệu lực.

“Trong trường hợp này, việc doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng là thiếu căn cứ. Về lý, nếu chấm dứt hợp đồng cần dựa vào thông tin trách nhiệm, nghĩa vụ của hai bên”, luật sư Phượng cho biết.

Cũng theo luật sư Phượng, việc kéo dài hợp đồng hơn 10 năm sẽ đẩy khách hàng vào rủi ro lớn.

Đối với trường hợp này, khách hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư phải tiếp tục thực hiện hợp đồng. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phải chuyển nhượng lại sản phẩm như trong thoả thuận ban đầu.

KĐT Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) được UBND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) phê duyệt từ năm 2007. Năm 2008, dự án được triển khai xây dựng.

Khu đất thực hiện dự án có diện tích 197ha, là khu đất đối ứng từ dự án đường phía Bắc Hà Đông theo hình thức BT. Khi TP Hà Nội bàn giao quỹ đất cho dự án, cơ quan chức năng áp giá đất với nhà đầu tư chỉ khoảng 8,5 triệu đồng/m2.

Dự án Khu đô thị Dương Nội được coi là dự án làm nên tên tuổi của Tập đoàn Nam Cường. Tuy nhiên, song hành cùng đó là hàng loạt tai tiếng từ việc xây thừa 500 căn biệt thự không phép, sai quy hoạch đến nghi vấn “lách luật”, trốn thuế trong việc bán nhà hai giá,...

Ngoài những lùm xùm tại dự án Khu đô thị Dương Nội, hàng loạt dự án khác của Nam Cường cũng được TP. Hà Nội điểm tên liên quan đến việc sử dụng đất chậm triển khai như KĐT Chương Mỹ; dự án xây dựng đường giao thông, khớp nội hạ tầng kỹ thuật KĐT Cổ Nhuế.

Hiện nay, Nam Cường đang sở hữu quỹ đất khủng tại Thủ đô như: Khu đô thị sinh thái Chúc Sơn (Chương Mỹ) quy mô 750ha, khu đô thị Thạch Phúc (Phúc Thọ) hơn 500ha. Trong đó, khu đô thị Thạch Phúc sau ngày khởi công hoành tráng thì “đắp chiếu” hơn chục năm nay.

Theo kế hoạch, Nam Cường dự kiến được giao hai dự án khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai) có quy mô hơn 1.120ha và khu đô thị Thạch Thất (huyện thạch Thất) với quy mô hơn 920ha.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.