Một nhân viên tín dụng của Vietcombank cho biết, mặc dù ngay từ đầu tháng đã có rất nhiều khách hàng đến tìm hiểu về gói 30.000 tỷ đồng lãi suất 6%/năm nhưng thực tế tại chi nhánh nhân viên này làm việc, chưa có bất kỳ một khách hàng nào được tiếp cận vốn vay.
Vấn đề lúc này, là giữa chủ đầu tư và ngân hàng thì “con gà” có trước hay “quả trứng” có trước vẫn còn chưa ngã ngũ. Có nghĩa là nhiều khách hàng đến ngân hàng với hai bàn tay trắng vì nghĩ rằng họ thuộc diện được vay vốn và sau khi ra khỏi ngân hàng họ mới bắt đầu đi lựa chọn dự án để mua nhà.
“Nếu cứ nghĩ như thế thì hoàn toàn không đúng, vì ngân hàng chỉ là khâu cuối cùng, khi anh đến vay bắt buộc anh phải có gì để thế chấp. Chưa tính đến chuyện thu nhập bao nhiêu, có đủ trả lãi hay không, ít nhất anh phải có hồ sơ mua bán nhà, tức là có ràng buộc giữa khách hàng với chủ đầu tư thì ngân hàng mới bắt đầu tính đến chuyện cho vay”, nhân viên này lập luận.
Nhiều khách hàng đến ngân hàng với hai bàn tay trắng vì nghĩ rằng họ thuộc diện được vay vốn và sau khi ra khỏi ngân hàng họ mới bắt đầu đi lựa chọn dự án để mua nhà (ảnh minh hoạ: Thanh Nghị)
Cũng theo nhân viên này, với các doanh nghiệp là chủ các dự án thì việc tiếp cận 30% vốn trong tổng số 30.000 tỷ đồng cũng là việc khó. Bởi, muốn tiếp cận thì phải chuyển đổi hồ sơ dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Vấn đề này cũng mất nhiều thời gian và công sức vì vậy không hẳn nhiều doanh ngiệp muốn chuyển đổi.
Từ chối tiết lộ cụ thể số liệu được giải ngân cũng như dự án vay vốn, ông Phạm Quang Tùng-Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, mọi văn bản hướng dẫn đã được ban hàn và trong mấy ngày đầu triển khai việc tư vấn cho khách hàng về gói hỗ trợ vẫn được đội ngũ nhân viên ngân hàng này sẵn sàng.
Còn một vị đại diện ngân hàng khác cũng nằm trong nhóm được chỉ định thực hiện gói 30.000 tỷ đồng cho biết: Vướng mắc của ngân hàng lúc này không chỉ xác định đối tượng nào được phép vay mà còn là chưa nắm được danh sách các dự án nhà ở xã hội lẫn nhà ở thương mại được hưởng lãi suất ưu đãi 6%.
Ngân hàng bị làm “khó” hơn với các dự án nhà xã hội, nhà thu nhập thấp. Ngân hàng không thể coi đó là tài sản thế chấp vì sau 10 năm mới có thể bán được. Trong trường hợp thu nhập của người dân không thể cáng đáng được tiền lãi hàng tháng, lẫn khả năng trả nợ thì ngân hàng không dám mạo hiểm lấy căn nhà đó là tài sản thế chấp.
“Việc lựa chọn nhầm hoặc sai đối tượng để giải ngân sẽ có tác động xấu đến thị trường bất động sản sau nay”, ông này đưa ra nhận định.
Đánh giá về tác động của gói hỗ trợ này, theo lãnh đạo ngân hàng này thì sẽ có tác dụng tốt trong ngắn hạn, có thể là “điểm mồi” cho thị trường chứng khoán lẫn bất động sản trong thời gian tới.
“Vì vậy, với những khách hàng đủ điều kiện, dự án rõ ràng, không có lý do gì ngân hàng lại dè chừng giải ngân. Mà thực tế ngân hàng cũng mong muốn giải ngân, có thể không hẳn 100% đối tượng là người thu nhập thấp được thụ hưởng nhưng nguồn tiền này chắc chắn vẫn được đưa vào thị trường vì có động lực cho cả người mua lẫn ngân hàng”, vị đại diện cho hay.
Trước đó ngày 31/5, Ngân hàng Nhà nước cho biết các ngân hàng được giao nhiệm vụ cho vay hỗ trợ nhà ở đều đã hoàn tất ban hành văn bản hướng dẫn tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch trong toàn hệ thống để sẵn sàng triển khai gói hỗ trợ tín dụng này.
Cùng với động thái của các ngân hàng, một số dự án về xây dựng nhà ở xã hội và chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đang được thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh xem xét phê duyệt.
Tuy nhiên, sau một tuần triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, một số những vướng mắc về tiêu chí lẫn sự lúng túng kể cả thiếu thiện chí của một số ngân hàng đang khiến nhiều người cảm thấy một khoảng cách khá xa từ chính sách đến thực tiễn.
-
Gói 30.000 tỷ hỗ trợ mua nhà - Bài 1: Rẻ không dễ “xơi”
Sau vài ngày gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, lãi suất 6% được triển khai, nhiều người bắt đầu cảm thấy chán nản...