Sau vài ngày gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, lãi suất 6% được triển khai, nhiều người bắt đầu cảm thấy chán nản...

Ngay từ khi biết thông tin về gói hỗ trợ lãi suất này, chị Tống Thị Mai (ở pháo đài Láng, Đống Đa, Hà Nội) đã tìm đến chi nhánh của ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) để tìm hiểu.

Chị Mai là công chức thuộc một viện nghiên cứu khoa học, hiện chưa có nhà thuộc sở hữu, mong mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Theo chị Mai, so với những điều kiện kể trên rõ ràng gia đình chị hoàn toàn thuộc diện được ưu tiên vay vốn để mua nhà.

Tuy nhiên, khi đến hỏi thì nhân viên ngân hàng này cho biết, muốn được vay tiền thì phải có hợp đồng mua bán nhà giữa chị với chủ đầu tư. Ngoài ra, ngân hàng yêu cầu kê khai thu nhập để họ có thể thẩm định được khả năng trả lãi của khách hàng có thể đáp ứng được hay không; chưa kể tài sản đảm bảo đưa ra thế chấp khoản tiền vay, các thủ tục hành chính

“Đến lúc này tôi vẫn chưa biết phải bắt đầu từ đâu để có thể có nhà hoặc có thể vay tiền. Một khoản tiết kiệm nhỏ thì chủ đầu tư bảo vẫn chưa thể trả góp dự án muốn mua nên mới tìm đến ngân hàng. Đến ngân hàng họ lại bắt quay lại làm việc với chủ đầu tư”, chị Mai bày tỏ.

Vì vậy, giải pháp lúc này của chị Mai là tạm thời đợi xem có trường hợp cụ thể nào vay được mới tiếp tục xúc tiến, vì rõ ràng, ngay cả ngân hàng còn lúng túng khi chọn đối tượng ưu đãi thì chắc chắn việc giải ngân khó có thể nhanh được.

Nhu cầu nhà ở rất lớn, nhưng khả năng và điều kiện tiếp cận của người dân còn xa vời (ảnh: L.Nguyễn)

Trước đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết sẽ niêm yết quy định của ngân hàng tại 700 điểm giao dịch trong toàn quốc và cam kết sẽ xử lý đề nghị vay của khách hàng cá nhân trong vòng bốn ngày và khách hàng doanh nghiệp trong vòng 20 ngày.

Các khách hàng là cá nhân vay để mua nhà ở có thể được vay lên tới 80/% số tiền mua căn nhà, thời gian vay có thể lên tới 15 năm và được sử dụng chính căn nhà mua để thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.

Tìm hiểu tại một chi nhánh của ngân hàng này trên phố Lò Đúc (Hai Bà Trưng-Hà Nội) có khá nhiều khách hàng đang chờ đợi để được tư vấn gói lãi suất 6%/năm.

Đã mua một căn hộ thuộc dự án nhà ở thương mại tại Thanh Trì với diện tích dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2, anh Nguyễn Trọng Khôi (ở phố Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm, Hà Nội) đến ngân hàng tìm hiểu xem mình có thuộc diện được vay vốn ưu đãi 6% hay không.

Tuy nhiên, sau khi tính toán mức thu nhập hàng tháng của gia đình (khoảng 15 triệu đồng) hoàn toàn có thể trả lãi hàng tháng cho ngân hàng, nhân viên tư vấn cho biết, trường hợp này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể có được vay hay không và gợi ý anh nên tiếp cận thông qua một số dự án nhà mà ngân hàng này đã liên kết với chủ đầu tư (có thể vay tới 80% số tiền với lãi suất 6%/năm).

“Đến lúc này tôi thấy bắt đầu rối trí và cũng không hiểu làm cách nào để được vay tiền lãi suất thấp”, anh Khôi chán nản nói.

Theo chân các khách hàng ở TP.HCM đến các nhà băng vay tiền mua nhà với lãi suất thấp, phóng viên Tổ Quốc cũng nhận thấy còn rất nhiều vướng mắc để chính sách có thể đi vào cuộc sống.

Cùng anh Bùi Minh Tuấn (Tân Bình, TP.HCM) đến Ngân hàng Công thương Việt Nam (chi nhánh quận 3), sau khi trình hồ sơ vay mua nhà ở xã hội, xem đi xem lại nhiều lần, cuối cùng nhân viên ngân hàng cho biết, hồ sơ của anh Tuấn nằm ngoài quy định cho vay.

Quá bất ngờ bởi hồ sơ không thiếu thứ gì, anh Tuấn thắc mắc thì được nhân viên ngân hàng giải thích: “Theo quy định, hợp đồng mua nhà phải được ký sau ngày 7/1/2013 nhưng hợp đồng của anh ký từ năm 2012 nên anh không thuộc đối tượng được vay”.

Đến chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (chi nhánh quận 1), chúng tôi cũng gặp một lời từ chối. Tại đây, sau khi lật đi lật lại rất kỹ lưỡng hồ sơ của chị Trần Thị Thúy Hòa (quận 5), nhân viên của chi nhánh ngân hàng này từ chối thẳng thừng: “Lương của chị trên 12 triệu đồng/tháng nên không thuộc đối tượng cho vay. Ngân hàng chúng tôi chỉ duyệt hồ sơ cho những người có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng”.

Theo Thông tư số 11 của Ngân hàng Nhà nước, thời hạn cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi 6%/năm chỉ trong 10 năm. Điều này được cho là làm khó cho người vay có thu nhập thấp.

Anh Nguyễn Minh Quang (Phú Nhuận) tính toán: “Theo quy định của một số ngân hàng, người được vay phải có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng. Nếu tôi vay 500 triệu đồng với thời hạn 10 năm với lãi suất 6%/năm, tính ra, mỗi tháng tôi phải trả 6,7 triệu đồng (cả vốn lẫn lãi). Với mức thu nhập 8,5 triệu đồng/tháng (đủ điều kiện vay), mỗi tháng tôi chỉ còn chưa tới 2 triệu đồng thì làm sao nuôi sống gia đình?”.

Mặc dù hồ sơ đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tuy nhiên, căn hộ mà chị Phan Thị Thu Hoài (Bình Tân) mua có diện tích 74 m2 cũng bị ngân hàng từ chối cho vay. Chị Hoài bức xúc: “Mấy tháng trời tìm kiếm căn hộ để mua, xem đi xem lại hàng chục căn hộ của khá nhiều dự án, cuối cùng vợ chồng chúng tôi mới chọn được một căn hộ ưng ý. Nhưng khi đem hồ sơ đến ngân hàng, nhân viên từ chối với lý do căn hộ phải có diện tích 70 m2 trở xuống mới được vay”.

Trong khi đó, đứng về phía doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa, TGĐ Công ty BĐS Lê Thành – chủ đầu tư của nhiều dự án nhà ở giá rẻ – băn khoăn: “Từ chính sách đến thực tế bao giờ cũng có một khoảng cách khá xa, trong đó, vướng mắc lớn nằm ở khâu thẩm định hồ sơ và thủ tục giải ngân. Bản thân tôi là chủ đầu tư, tôi luôn mong muốn người mua nhà được giải ngân dễ dàng. Họ mua được nhà thì chúng tôi cũng bán được nhà”.

Trước những vấn đề nhiêu khê kể trên, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) phân trần: “Chúng tôi đề nghị người dân có nhu cầu vay mua nhà ở xã hội cần lưu ý bám sát vào hai Thông tư là Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước và Thông tư 07 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn đối tượng vay”./.

Thành Tâm- Lê Nguyễn (Tổ quốc)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.