Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (giữa) đi kiểm tra Khu du lịch Thác Mai (H.Định Quán). Ảnh: K.Minh
Theo các doanh nghiệp (DN) đã từng thực hiện các dự án ở Đồng Nai, bình quân dự án cần 5 năm để thực hiện. Trong đó 70% thời gian dùng thực hiện các hồ sơ, thủ tục, bồi thường giải phóng mặt bằng. Có những dự án vướng chính sách đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài 7-10 năm.
Nhiều dự án vướng đất đai, quy hoạch
Khảo sát tại các địa phương rất dễ dàng thấy những dự án kéo dài 8-10 năm chưa thực hiện. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án chậm triển khai nhưng trong đó chiếm tỷ lệ nhiều vẫn là vướng về chính sách, quy hoạch và đất đai. Đơn cử như dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, nhưng không phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới (dự án các xã), DN muốn triển khai được dự án buộc phải lo thủ tục quy hoạch cho đồng nhất. Quá trình thực hiện các thủ tục trên có khi mất từ 1-3 năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhận xét: “Cứ 10 dự án có 2-3 dự án bị vướng vào quy hoạch không đồng nhất buộc phải mất nhiều thời gian chờ đợi để điều chỉnh. Dự án chậm triển khai ảnh hưởng đến DN, địa phương và không góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn”.
Đơn cử như dự án Khu du lịch thác Mai (H.Định Quán), Công ty CP The Coi dự tính sẽ đầu tư 1,8 ngàn tỷ đồng để thực hiện khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và thám hiểm rừng. Dự án đã được công ty chuẩn bị vốn từ năm 2018, nhưng vướng vào đất rừng nên phải đợi đến năm 2020 điều chỉnh quy hoạch đất đai để triển khai. Tương tự, các dự án Hương lộ 2, Bờ kè ven sông Cái, Đường ven sông Cái, Đường trục trung tâm TP.Biên Hòa, Đường ven sông Đồng Nai, Đường nối chân cầu Bửu Hòa đến quốc lộ 1K... nhiều năm nay chưa thực hiện được vì vướng chính sách đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Trước đây, các dự án hạ tầng giao thông trên, tỉnh dự tính đầu tư bằng nguồn vốn BT (xây dựng - chuyển giao), nhưng sau đó dự án buộc phải dừng lại vì Chính phủ tạm thời ngưng tất cả dự án BT. Sau đó, tỉnh mất 2 năm tìm nguồn vốn khác từ đấu giá đất công. Hiện đã có vốn để triển khai nhưng vướng bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Thác Mai (H.Định Quán) được Công ty CP The Coi đầu tư với tổng vốn 1,8 ngàn tỷ đồng. Ảnh: K.Minh
Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, thời gian qua trên địa bàn tỉnh có hơn 200 dự án phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp mới triển khai được. Các dự án phải điều chỉnh phần lớn là quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng lệch pha.
Quy hoạch phải đồng nhất
Đồng Nai có trên 1,5 ngàn dự án đang triển khai thì có cả trăm dự án vướng vào quy hoạch. Để khắc phục tình trạng trên, những dự án đang mời gọi đầu tư, tỉnh sẽ rà soát, xử lý kỹ các quy hoạch về đất đai và quy hoạch ngành. Cụ thể ở các địa bàn nông thôn, tỉnh yêu cầu các địa phương phải phối hợp cập nhật đồng nhất quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới. Như vậy, khi nhà đầu tư được mời gọi vào thực hiện các dự án làm thủ tục hồ sơ rất nhanh, không mất thời gian, chi phí để điều chỉnh quy hoạch.
Vừa qua, khi làm việc với các địa phương trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Các huyện, thành phố khi thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải cập nhật đầy đủ các quy hoạch ngành như: xây dựng, nông thôn mới để khi được phê duyệt đưa vào triển khai thống nhất. Nếu phát hiện trường hợp địa phương nào các phòng, ban cố tình làm quy hoạch không đồng nhất gây khó khăn, tốn kém cho DN sẽ bị xử lý nghiêm”.
Trong giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai sẽ quy hoạch và mời gọi hàng loạt dự án lớn vào lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng giao thông, thương mại dịch vụ, du lịch... Muốn mời gọi các tập đoàn có tiềm lực đầu tư dự án nhanh, sớm đưa vào khai thác tạo đột phá cho phát triển kinh tế của tỉnh và các địa phương, tỉnh sẽ tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, quy hoạch, đất đai. Đồng thời, các hồ sơ thủ tục phải được đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết.
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà, vừa qua, nhiều DN FDI, trong nước đến tìm cơ hội đầu tư vào Đồng Nai, tỉnh nỗ lực tháo gỡ nhanh những vướng mắc trên để giúp các chủ đầu tư lựa chọn rót vốn vào Đồng Nai khởi động nhanh các dự án.
-
Nhiều doanh nghiệp sẽ đầu tư vào bất động sản Đồng Nai
Hiện nay, thị trường bất động sản (BĐS) khu vực Đông Nam bộ có nhiều biến động, xu hướng đầu tư cũng có nhiều thay đổi. Để rõ hơn về nhu cầu đầu tư bất động sản trong thời gian tới, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam.
-
Văn Phú - Invest rút vốn khỏi dự án 8.500 tỷ ở Nhơn Trạch?
HĐQT CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (mã: VPI) ngày 14/1/2025 thông qua việc sẽ bán toàn bộ hơn 18,7 triệu cổ phần, tương đương 30% vốn tại CTCP Đầu tư Phong Phú, qua đó chính thức không còn là cổ đông của công ty này....
-
Đồng Nai sẽ đấu giá 39 khu đất trong năm 2025
UBND tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đấu giá thành công 39 khu đất công trên địa bàn trong năm 2025. Năm 2024, địa phương này lên kế hoạch đấu giá 18 khu đất, tuy nhiên việc đấu giá không hiệu quả.
-
Đồng Nai sắp có một dự án đặc biệt diện tích 100ha tại Long Khánh, dự kiến thu hút 1.000 chuyên gia
Khu vực gần 100 ha ở TP Long Khánh được tỉnh Đồng Nai quy hoạch xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân.