Văn hóa sống chung trong một gia đình và khả năng chi trả cho nhà ở ngày càng suy giảm do đại dịch đang cản trở ước mơ sở hữu nhà riêng của giới trẻ trên khắp Đông Nam Á. Tuy nhiên, bức tranh này có sự thay đổi ở từng quốc gia và thế hệ.

Không giống ông bà và bố mẹ mình, những người coi ngôi nhà là điều kiện tiên quyết để an cư lạc nghiệp, thế hệ millennial và thế hệ Z ở nhiều nơi trên thế giới lại đang biến thành “thế hệ đi thuê nhà” bởi cả các yếu tố khách quan và chủ quan.

Đông Nam Á lại có một bức tranh hơi khác so với phần còn lại. Khu vưc này đang có khoảng hơn một nửa dân số dưới 30 tuổi. Những người trẻ thường không rời khỏi nhà của bố mẹ nếu chưa kết hôn do văn hóa gia đình gắn bó. Khi độ tuổi kết hôn trong khu vực dần tăng lên còn tỷ lệ kết hôn tiếp tục giảm, giới trẻ càng chậm rời khỏi mái ấm của bố mẹ.

Lòng hiếu thảo cũng là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến quyết định mua nhà của giới trẻ tại Đông Nam Á. Trong một cuộc khảo sát gần đây của PropertyGuru, 49% thế hệ trẻ ở Thái Lan và 31% ở Indonesia 31% cho rằng việc chăm sóc cha mẹ khiến họ không thể chuyển ra ở riêng. Tại Singapore, việc chưa kết hôn ngăn cản hầu hết những người được hỏi (41%) mua nhà riêng.

Christine Li, trưởng nhóm nghiên cứu của Knight Frank tại Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: “Người dân Đông Nam Á từ trước đến nay chưa bao giờ có văn hóa đi thuê nhà mạnh mẽ. Hầu hết các hộ gia đình thích sở hữu nhà hơn là đi thuê”.

Tuy nhiên, khát vọng ở riêng đang tăng lên mạnh mẽ ở nhóm người trẻ tuổi. Mặc dù có tới 30% người trẻ tại Singapore và Indonesia cho biết vẫn sống với cha mẹ, nhưng 84% trong đó có ý định chuyển ra ngoài sống trong năm tới. Thái Lan là một ngoại lệ với chỉ 42% người trẻ muốn chuyển ra ở riêng.

Một vấn đề nữa đối với việc sở hữu nhà riêng là khả năng chi trả. Tỷ lệ giá nhà trên thu nhập tại Đông Nam Á đang ở mức cao so với các khu vực kinh tế khác so bùng nổ dân cư và tốc độ đô thị hóa nhanh tại các thành phố, quy hoạch chưa phù hơp, các hoạt động đầu cơ và môi trường lãi suất thấp, nhất là trong đại dịch Covid-19.

“Khối ASEAN đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong vài thập kỷ qua. Các quốc gia như Việt Nam, Campuchia và Philippines đang chứng kiến tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh mẽ, dẫn đến tình trạng thiếu nhà ở giá cả phải chăng tại nhiều thành phố”, Victoria Garrett, người đứng đầu mảng nhà ở của Knight Frank tại Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết.

Khủng hoảng kinh tế do đại dịch khiến thế hệ Z tại khu vực này đứng trước viễn cảnh phải đi thuê nhà. Ông Li nói: “Thế hệ Z ngày càng muốn sống độc lập. Dù họ kết hôn muộn hơn và ít hơn, họ vẫn tìm cơ hội để được sống riêng”.

Trong khi đó, thế hệ millennial lại có sự khác biệt. Theo khảo sát, họ được thừa kế hơn 68 nghìn tỷ USD từ cha mẹ của họ vào năm 2030, mức chuyển nhượng tài sản lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Với nhiều gia đình đã tích lũy được tài sản, thì ước muốn có nhà chắc chắn sẽ trường tồn theo năm tháng.

Thậm chí theo khảo sát của PropertyGuru Singapore, cứ 3 người trẻ Singapore thuộc thế hệ millenial thì có 1 người muốn mua một ngôi nhà hạng sang hoặc có giá trên 5 triệu đô la Singapore. Họ coi đây là khoản đầu tư dài hạn đáng tin cậy và khẳng định địa vị xã hội.

Tan Tee Khoon, Giám đốc toàn quốc của PropertyGuru Singapore, cho biết: “Thế hệ millennial ở Singapore là một trong những phân khúc người mua nhà phát triển nhanh nhất hiện nay, nhất là sau khi họ tiết kiệm được một khoản tiền tương đối do không du lịch, đi lại, mua sắm trong đại dịch”.

Theo Knight Frank, những người trẻ tuổi tại châu Á có xu hướng lựa chọn những ngôi nhà có chất lượng không khí tốt, gần không gian xanh và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt. PropertyGuru cho biết, 46% giới trẻ Singapore sẵn sàng trả thêm tiền để được sống trong các “thị trấn xanh” hoặc các bất động sản bền vững. Khoảng 1/3 người đươc hỏi nói rằng họ ưu tiên các khu vực dân cư có sẵn các điểm sạc pin cho xe chạy bằng điện.

Ông Li nói: “Đại dịch đã đặt sức khỏe và trải nghiệm sống lên thành tiêu chuẩn chọn nhà hàng đầu của giới trẻ”.

Tuy nhiên, nếu không có “ngân hàng cha mẹ” hay sư giúp đỡ từ gia đình, những người trẻ thu nhập thấp khó có thể mua được nhà. Một số quốc gia tại Đông Nam Á đang đưa ra nhiều biện pháp để hỗ trợ giới trẻ mua ngôi nhà đầu tiên, như hạn chế đầu cơ bằng cách đánh thuế từ ngôi nhà thứ hai, hạ thấp tỷ lệ cho vay trên tài sản sở hữu, kiểm soát giá nhà, siết chặt các quy định vay thế chấp. Tuy nhiên, các biện pháp này chưa thực sự kín kẽ.

Ông Li cảnh báo: “Ở Hàn Quốc… việc hạ nhiệt thị trường lại khiến nhóm thu nhập thấp đến trung bình không mua đươc nhà trong vòng 3 năm qua. Điều này ảnh hưởng mạnh đến những người trẻ tuổi mới bắt đầu đi làm và chưa tích lũy được đủ tiền cho ngôi nhà đầu tiên”.

Mặt khác, nhiều người trẻ mua nhà cho rằng chính sách nhà ở chưa đủ tính hỗ trợ với họ. Theo báo cáo của PropertyGuru, chỉ 16% người đươc hỏi tại Malaysia nhận thấy nỗ lực của chính phủ là đủ để điều chỉnh giá nhà hợp lý. 70% đang kêu gọi chính phủ giảm thêm lãi suất cho các khoản vay mua nhà. Trong khi đó, 46% người mua nhà lần đầu ở độ tuổi 30 bày tỏ hy vọng tiết kiệm đủ tiền để trả các khoản nợ thế chấp.

Ông Li nói: “Các nhà hoạch định chính sách cần ghi nhớ rằng nhà ở là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của người dân. Chỉ khi đó, giới trẻ mới bước được lên nấc thang nhà ở cao hơn”.

Trong khi đó, ông Garrett khẳng định: “Người dân châu Á luôn khao khát sở hữu nhà ở và tôi cho rằng điều này sẽ không thay đổi trong tương lai”.

Lam Vy (APA)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.