26/01/2022 2:39 PM
Những người trẻ trên khắp châu Á mất nhiều công sức và thời gian hơn so với các thế hệ ông bà và bố mẹ để mua được một ngôi nhà riêng.

Sukanda Thepsupa năm nay 26 tuổi và đang giữ chức giám đốc dịch vụ khách hàng. Cô đã mua một căn hộ mới rộng 34m2 ở Bangkok với giá 3,5 triệu baht (2,4 tỷ đồng) vào tháng 6 năm ngoái. Trước đó, cô thuê một căn hộ với giá 7.000 baht và hiện nay trả góp 10.000 baht mỗi tháng cho căn nhà vừa mua trong vòng 37 năm.

Giống như Sukanda, những người trẻ ở độ tuổi từ 20 đến cuối 30 tại châu Á, phần lớn thuộc thế hệ millennial, đang chuyển ra sống riêng hoặc chấm dứt cảnh đi thuê nhà để sở hữu căn hộ đầu tiên trong đời. Đại dịch Covid-19 là chất xúc tác thúc đẩy quá trình này. Nhưng việc mua nhà của họ không hề dễ dàng do giá nhà đang quá cao, nhất là với những người vừa bắt đầu sự nghiệp.

Khoản thanh toán hàng tháng của Sukanda chiếm một phần ba thu nhập hiện tại và cô phải cố gắng chi tiêu tiết kiệm hơn để đủ tiền trả góp. Nhưng cô hài lòng về ngôi nhà đang cơ, nơi cô có thể ngắm cảnh hoàng hôn từ phòng ngủ và có khu vực chung để làm việc. Điều này càng tuyệt vời khi mọi người dành thời gian tại nhà thay vì đến văn phòng.

Nhiều người thuộc thế hệ millennial đang lựa chọn căn hộ ở ngoại ô do giá cả rẻ hơn, với sự thúc đẩy của các nhà phát triển và ngân hàng. Một số thậm chí đã nắm bắt cơ hội này để mua nhà với giá tốt trong đại dịch, nhất là những người được bố mẹ hỗ trợ để thanh toán khoản trả trước hoặc một phần giá trị căn nhà.

Câu hỏi khó nhằn: Mua nhà hay thuê nhà?

Tại Seoul, giá nhà trung bình khoảng 1,1 tỷ won (21 tỷ đồng) vào tháng 4/2021, gần gấp đôi so với mức 607 triệu won vào năm 2017.

Giá nhà ở các thành phố sầm uất và phát triển nhất Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến cao hơn mức lương trung bình khoảng 14 lần. Theo Viện Chính sách Đất đai Lincoln, giá nhà năm 2020 tại các thành phố cấp 2 của quốc gia này ccao gấp 7 lần mức lương trung bình. Còn tại các thành phố cấp 3 ấp đến 5, tỷ lệ là 5 lần.

Dữ liệu từ công ty dịch vụ bất động sản Savills cho thấy tại Thiên Tân, thành phố 15 triệu dân ở phía đông nam Bắc Kinh, các căn hộ cao cấp được bán với giá khoảng 9.000 USD/m2 (200 triệu đồng/m2), ngang bằng với một số khu vực đắt đỏ nhất của London, mặc dù thu nhập ở London cao gấp 7 lần ở Thiên Tân.

Tokyo, với tất cả những cơ hội mà nó mang lại cho người dân sinh sống tại đây, tiếp tục thu hút những thanh niên ở độ tuổi 20. Tuy nhiên, phần lớn họ phải đi thuê vì không đủ khả năng mua nhà.

Theo khảo sát, cứ 10 trưởng thành ở Nhật thì có hơn 3 người đang thuê nhà. Mặc dù các ngân hàng cung cấp khoản vay mua nhà với lãi suất gần như bằng 0, nhiều người vẫn đi thuê nhà bởi họ không muốn mắc kẹt với các khoản vay thế chấp.

Đặc biệt, thế hệ millennial là những người ưa thích di chuyển và dễ thay đổi công việc. Họ cần tìm một ngôi nhà thuận tiện để đi tới nơi làm việc và giải trí, thay vì sống trong những ngôi nhà được thừa kế từ bố mẹ chủ yếu nằm tại vùng nông thôn. Giới trẻ Nhật Bản cũng cho rằng họ không cần nhiều không gian vì thường sống một mình và dành thời gian cho các hoạt động bên ngoài là chính. Một ngôi nhà rộng rãi đồng nghĩa với việc họ mất nhiều thời gian dọn dẹp hơn.

Tại Indonesia, thế hệ trẻ vẫn ngại vay ngân hàng để mua nhà riêng vì sợ phải vật lộn với khoản thế chấp kéo dài đến 25 năm, hoặc phải nhờ bố mẹ hỗ trợ.

Trong khi đó, những ngôi nhà đắt đỏ ở Đài Loan đã khiến thế hệ millennial phải đau đầu với câu hỏi nên mua nhà hay đi thuê nhà suốt đời.

Tại Philippines, giá bất động sản tăng nhanh hơn thu nhập, khiến nguồn cung nhà ở đáp ứng nhu cầu của người trẻ vô cùng khan hiếm hoặc nằm ở những nơi xa thành phố. Một ngôi nhà ở thị trấn Naic, cách thủ đô Manila 50km về phía nam, yêu cầu thu nhập hộ gia đình ít nhất là 23.000 peso (hơn 10 triệu đồng), nhưng mức lương tối thiểu tại đây chỉ khoảng 6 triệu đồng

Đại dịch và ngân hàng phụ mẫu

Đại dịch đã tạo cơ hội cho thế hệ trẻ chuyển đổi từ những người đi thuê nhà thành những chủ sở hữu. Nhờ chế độ làm việc linh hoạt, người trẻ có thể sống xa thành phố hơn, trong những ngôi nhà rộng rãi và giá rẻ hơn.

Tạii Đài Loan, giới trẻ có xu hướng mua những ngôi nhà ở khu vực “lòng trắng trứng”, tức là các vùng ngoại ô cách nơi họ làm việc từ 40-60 phút đi lại.

Nhờ đại dịch, các nhà phát triển bất động sản và các ngân hàng cũng đưa ra nhiều ưu đãi cho người trẻ hơn để thu hút họ mua căn nhà đầu tiên.

Ngân hàng Mandiri, ngân hàng cho vay thế chấp lớn nhất Indonesia, cho biết khoảng 70% tổng tín dụng hàng năm của họ dành cho thế hệ millennial (số liệu tính đến tháng 10/2021). Ngân hàng này hiện đang cung cấp gói vay đặc biệt cho giới trẻ với các khoản trả góp nhỏ hơn và tăng dần, hoặc chỉ trả lãi vay hàng tháng khi ngôi nhà đang trong quá trình xây dựng. Ngân hàng này cũng cung cấp các khoản vay linh hoạt lên đến 25 năm.

Với những nước châu Á có giá nhà cao ngất ngưởng và lãi suất không hấp dẫn, giới trẻ thường tìm đến sự hỗ trợ tài chính từ bố mẹ.

Ở Trung Quốc, tỷ lệ sở hữu nhà của giới trẻ rất cao do bố mẹ họ đã giúp đỡ một phần. Lý do là bởi họ là đứa con duy nhất trong gia đình và bố mẹ luôn muốn làm mọi điều tốt nhất cho con mình. Một cuộc khảo sát của HSBC thực hiện vào năm 2017 cho thấy cứ 10 người trẻ Trung Quốc sống ở đô thị thì có 7 người sở hữu nhà riêng.

Trong khi đó, nhiều người từ nông thôn hoặc các thành phố nhỏ lại muốn sở hữu nhà tại các thành phố lớn như Bắc Kinh để con cái họ có bước khởi đầu tốt hơn trong cuộc sống.

Từ bỏ việc mua nhà

Nhiều người trẻ ở Thái Lan - quốc gia có tỷ lệ nợ hộ gia đình trên tổng sản phẩm quốc nội cao nhất trong số các nước đang phát triển - đang từ bỏ việc mua nhà. Trong văn hóa Thái Lan, việc sở hữu nhà và ô tô từng được coi là bằng chứng của sự ổn định và trưởng thành. Tuy nhiên, thế hệ trẻ ngày nay đang nhìn mọi việc với một lăng kính khác. Họ tìm kiếm một nơi ở mang lại sự linh hoạt và tiện lợi nhất, thay vì sở hữu nhà đi kèm với trách nhiệm trả khoản vay thế chấp và chi phí bảo trì cao.

Một xu hướng khác cũng đang nổi lên ở thế hệ trẻ tại châu Á được gọi là "DINKs" - thu nhập gấp đôi, không sinh con hoặc nuôi thú cưng thay vì nuôi con. Điều này đã thay đổi nhu cầu về không gian sống vì họ không cần mở rộng quy mô gia đình.

Tuy nhiên, các nhà phát triển bất động sản vẫn kỳ vọng thế hệ millennial sẽ tiếp tục thúc đẩy doanh số bán hàng trong những năm tới.

Một nhà môi giới tại Philippines cho biết: “Millennial có tiền nhưng không biết dùng vào việc gì. Chúng ta cần để họ hiểu rằng sở hữu một ngôi nhà là điều rất tốt”.

Lam Vy (STT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.