Giới tài phiệt Nga đã đổ hàng tỷ đô vào bất động sản Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Các lệnh trừng phạt của Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa chắc đã có thể chạm tới “tảng băng chìm” này, nhưng sẽ tác động tiêu cực lên thị trường bất động sản Mỹ và tâm lý nhà đầu tư nói chung.

Đầu tư một cách hệ thống qua nhiều thập kỷ

Từ Sunny Isles, Florida, đến Cleveland và các tòa nhà cao tầng ở Manhattan, tiền của các nhà tài phiệt Nga đã đổ vào các thành phố lớn và vùng trung tâm của Mỹ trong nhiều thập kỷ gần đây.

Trong thời kỳ bùng nổ bất động sản vào năm 2006 và 2007, người Nga đã đổ xô đến Manhattan để mua bất động sản. Họ mua các tầng tại khách sạn Plaza nổi tiếng và mang lại doanh số bán hàng kỷ lục cho các dự án lớn như Time Warner Center và 15 Central Park West.

Nhà tài phiệt Nga Oleg Deripaska, một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, có liên quan đến một ngôi nhà ở khu Greenwich Village của Manhattan, mặc dù ông chưa từng đến Mỹ. Ông cũng được cho là đã mua một ngôi nhà ở Washington D.C thông qua một công ty hợp nhất tại bang Delaware, Mỹ.

Nhà tài phiệt Roman Abramovich, chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá Anh Chelsea, từng mua ba căn nhà phố ở khu vực Upper East Side tại Manhattan. Các tài sản này được bán vào năm 2018 với giá khoảng 90 triệu USD.

Sau khi mua đủ bất động sản hạng sang tại các khu vực đắc địa nhất của thành phố New York, giới tài phiệt Nga đã chuyển hướng sang Florida.

Một đánh giá của Reuters năm 2017 cho thấy ít nhất 63 người có hộ chiếu hoặc địa chỉ Nga đã mua các căn hộ trị giá ít nhất 98,4 triệu USD trong 7 tòa tháp sang trọng mang thương hiệu Trump ở miền Nam Florida. Đồng thời, ít nhất 703 trong số 2.044 căn hộ trong bảy tòa tháp này của Trump, hoặc khoảng một phần ba, thuộc về các công ty trách nhiệm hữu hạn mà có thể che giấu danh tính của người chủ thực sự.

Alan Garten, Giám đốc Pháp lý của Trump Organization, nói với Reuters rằng đây là một “câu chuyện bị thổi phồng quá mức”. Tuy nhiên, trong những năm qua, những thương vụ tương tự, cùng với những khoản đầu tư lớn hơn từ người Nga, ngày càng khó bị phát hiện và theo dõi hơn.

Trong khi đó, nhà tài phiệt Ihor Kolomoisky đã “trở thành địa chủ lớn nhất ở trung tâm thành phố Cleveland”, sở hữu hàng loạt nhà máy ở các thị trấn nhỏ Illinois, Kentucky và West Virginia.

Jim Costello, nhà kinh tế trưởng tại công ty phân tích MSCI Real Estate, trích dẫn 6 tổ chức có trụ sở chính ở Nga và những người Nga có liên quan đến 1,2 tỷ USD trong số 808 tỷ USD đổ vào bất động sản thương mại Hoa Kỳ trong năm 2021.

Một chuyên gia bất động sản đã bán hàng chục căn hộ cho người Nga vào giai đoạn 2006 – 2007, cho biết: “Khách hàng Nga là những người rất thông minh. Họ có một đội kế toán và cố vấn trên toàn thế giới. Nhiều người trong số họ có doanh nghiệp ở Mỹ. Và hiện nay chúng là những công ty hợp pháp của Mỹ”.

Chính phủ Mỹ khó quản lý

Tiền của Nga đã đổ vào Mỹ kể từ khi Liên Xô tan rã, với hàng tỷ đô la đổ vào các tài khoản cá nhân trên khắp châu Âu và Hoa Kỳ. Theo báo cáo, phần lớn số tiền đã được chuyển vào bất động sản và hàng hóa xa xỉ thông qua các công ty vỏ bọc sau khi Mỹ thông qua đạo luật Patriot năm 2001 với các quy định về chống rửa tiền quốc tế và chống khủng bố tài chính.

Năm 2015, Đại học California, Berkeley, ước tính rằng 52% tài sản của Nga nằm ở bên ngoài đất nước. Bộ Tài chính Mỹ duy trì một “báo cáo về các nhà tài phiệt và các tổ chức có mối quan hệ thân cận với Nga”, bao gồm danh sách 96 nhà tài phiệt, nguồn thu nhập và khả năng tiếp xúc của họ với nền kinh tế Mỹ.

Vào năm 2020, Quốc hội đã thông qua luật trao quyền cho Bộ Tài chính ngăn chặn những kẻ trốn thuế, kẻ gian, khủng bố và những tên tội phạm khác sử dụng các công ty ẩn danh để che giấu và rửa tài sản, bao gồm cả bất động sản. Luật này yêu cầu các công ty phải báo cáo cho Bộ Tài chính một số thông tin cơ bản, bao gồm cả chủ sở hữu thực sự của tài sản. Thông tin sẽ nằm trong cơ sở dữ liệu dành cho các quan chức thực thi pháp luật, an ninh quốc gia và các tổ chức tài chính.

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ rất khó đo lường được mức độ đầu tư của người Nga vào bất động sản Mỹ một cách chính xác, vì các giám đốc điều hành doanh nghiệp Nga giàu có thường hợp tác với các nhà đầu tư khác và sử dụng các công ty vỏ bọc để mua bất động sản. Họ được hưởng lợi từ những lỗ hổng về quản lý vốn cổ phần trong các công ty tư nhân và hàng xa xỉ, thay vì chịu ảnh hưởng từ cơ chế báo cáo của các công ty.

Mặc khác, nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ đã cung cấp tất cả những công cụ ẩn danh cần thiết cho các nhà tài phiệt và đã trở thành điểm dến của những kẻ rửa tiền trên khắp thế giới.

Theo báo cáo vào tháng 8/2021 của tổ chức chuyên nghiên cứu về các dòng tiền phi pháp Global Financial Integrity, ít nhất 2,3 tỷ USD đã được rửa thông qua bất động sản ở Mỹ trong 5 năm qua, chưa kể hàng triệu USD khác thông qua những tài sản thay thế như tác phẩm nghệ thuật, đồ trang sức và du thuyền.

Ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt

Khi Nga tuyên bố sáp nhập Crimea năm 2018, chính quyền cựu Tổng thống Obama đã thông qua nhiều lệnh trừng phạt đối với Nga và nhiều người mua Nga đã biến mất.

Victoria Shtainer, đại lý đã bán 30-40 căn hộ ở Manhattan cho người mua Nga với giá 3 triệu đến 20 triệu USD từ năm 2005 đến năm 2014, cho biết khách hàng của cô khó xin thị thực đến Mỹ cũng như thực hiện giao dịch chuyển tiền, nhất là khi giá các căn hộ tại Manhattan quá cao. Dẫu vậy, đầu tư của người Nga vào bất động sản Mỹ vẫn tăng dần trong các năm qua.

Do đó, khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ trừng phạt Nga bằng các biện pháp tài chính gồm tịch thu du thuyền, biệt thự và các tài sản khác của giới giàu có đến từ Nga, các chuyên gia bất động sản và một số nhà lập pháp tỏ ra hoài nghi về mức độ thành công trong việc tiếp cận nguồn tiền mà người Nga đã đổ vào bất động sản trong nhiều thập kỷ.

Shtainer nói rằng trong khi một số khách hàng ga của cô đã bán căn hộ của họ, những khách hàng khác vẫn giữ lại chúng cho con cái.

Cô nói: “Một số người đã bán, cho thuê lại, hoặc bỏ không để dành cho con cái với kỳ vọng sau này chúng được hưởng thụ nền giáo dục Mỹ”.

Lam Vy (NBC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.