Áp lực bủa vây thị trường bất động sản Mỹ
Những bất ổn địa chính trị và kinh tế cùng dịch bệnh sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ cắt giảm chi tiêu, bao gồm cả chi phí cho nhà ở. Họ sẽ do dự khi quyết định mua nhà trong bối cảnh thị trường chứng khoán không chắc chắn và nguy cơ cuộc chiến lan rộng ra châu Âu có thể kéo lạm phát tại Mỹ lên cao hơn nữa.
Lạm phát tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm. Nhiều chuyên gia lo ngại tình hình còn tồi tệ hơn do cuộc chiến Nga – Ukraine đang gây áp lực lên giá dầu và giá lương thực, đè nặng lên chi tiêu của từng hộ gia đình.
Lạm phát leo thang khiến chi phí xây dựng tăng cao, ảnh hưởng đến toàn bộ các chủ nhà, người thuê nhà, người mua nhà tiềm năng và các nhà phát triển hoặc xây dựng. Theo Hiệp hội các nhà xây dựng quốc gia Mỹ (NAHB), giá vật liệu xây dựng đã tăng 22% do lạm phát. Giá gỗ xẻ đã tăng 40% chỉ trong vòng 13 tháng qua. Các nhà kinh tế cho biết chi phí vật liệu và lãi suất thế chấp cao hơn sẽ cản trở khả năng chi trả cho nhà ở của người dân.
Robert Dietz, nhà kinh tế trưởng của NAHB, cho biết: “Lãi suất thế chấp cao và cuộc chiến Nga – Ukranie sẽ làm chậm nhu cầu mua nhà tại Mỹ trong suốt năm 2022”.
Phân khúc bất động sản hạng sang của Mỹ có thể chịu ảnh hưởng rõ nhất từ cuộc chiến, vì các nguồn tài chính mà khách hàng dùng để thanh toán, như cổ phiếu và tiền mã hóa, đã có nhiều biến động kể từ khi xung đột leo thang.
Bất động sản hạng sang tại Anh chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt
Các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để đánh giá tác động của cuộc chiến tại Ukraine lên thị trường nhà ở Anh. Giá nhà vẫn đang tăng, nhưng chủ yếu là do các vấn đề nội tại đã xuất hiện từ trước, nhất là tình trạng mất cân bằng cung – cầu.
Khác với Mỹ, cuộc chiến đã khiến căng thẳng về năng lượng tại Anh lên cao hơn do Anh phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga nhiều hơn. Giá năng lượng tăng cao sẽ kéo theo lạm phát và bất ổn về kinh tế. Lãi suất thấp và các khoản vay thế chấp giá rẻ sẽ không còn nữa. Hệ quả là, những người người mua nhà hoặc không tự tin đưa ra quyết định mua nhà, hoặc sẽ không đồng ý trả mức giá cao như trước.
Một chuyên gia cho biết: “Giá nhà vẫn có khả năng tăng hơn là giảm. Cho đến khi nguồn cung nhà ở được bổ sung, thì giá nhà tại Anh vẫn sẽ cao”.
Các bất động sản ở phân khúc hạng sang tại nhiều thành phố lớn ở Anh, nhất là London, sẽ bị ảnh hưởng mạnh khi giới nhà giàu Nga chịu các đòn trừng phạt về kinh tế. Các tài phiệt Nga đã tham gia vào những giao dịch bất động sản đắt nhất từng được ghi nhận tại quốc gia này. Người Nga hiện sở hữu khoảng 1.127 bất động sản hạng sang, tăng 1.200% từ 86 bất động sản vào đầu năm 2010. Điều này là nhờ các chương trình đầu tư thị thực mà chính phủ Anh triển khai từ nhiều năm trước để thu hút vốn đầu tư.
Các đòn trừng phạt kinh tế của chính phủ Anh sẽ làm lu mờ sức hấp dẫn của bất động sản Anh với những người Nga giàu có, nhưng tiền của Nga vẫn sẽ sự hiện diện ở các khu phố đắt đỏ nhất tại London. “Londongrad” và “Moscow-upon-Thames” đã trở thành những địa danh quen thuộc tại đây. Thậm chí, có một chuyến thăm quan bằng xe buýt mang tên “chuyến thăm quan kleptocracy” đưa du khách đi khắp London để thăm những căn hộ và nhà phố sang trọng mà người Nga sở hữu.
Tác động tạm thời của cuộc chiến lên thị trường bất động sản Phần Lan
Cuộc chiến Nga - Ukraine đang gây rủi ro cho tăng trưởng, nhưng các nhà kinh tế cho rằng thị trường bất động sản Phần Lan chỉ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn.
Chỉ vài tuần trước, các nhà kinh tế dự báo giá nhà ở Phần Lan sẽ tăng trung bình 2,5% trong năm 2022. Ngân hàng OP thậm chí còn dự báo Phần Lan sẽ chứng kiến sự bùng nổ kinh tế lớn nhất kể từ cuối những năm 1980. Nhưng bất ổn địa chính trị đang lan tràn, khiến những dự báo kinh tế trở nên không chắc chắn và thị trường nhà ở chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Juhana Brotherus, nhà kinh tế trưởng của công ty cho vay thế chấp Hypo, giải thích: “Tăng trưởng kinh tế chậm hơn đồng nghĩa với việc tăng lương vừa phải hơn. Điều này có nghĩa là triển vọng việc làm kém hơn. Tất cả sẽ ảnh hưởng đến thị trường nhà ở một cách tự nhiên”.
Tuy nhiên, Brotherus lưu ý rằng bất kỳ sự không chắc chắn nào hiện nay sẽ chỉ ảnh hưởng tạm thời đến giá bất động sản bởi thị trường này “ổn định ngay cả khi đối mặt với triển vọng kinh tế suy yếu”.
Năm ngoái, giá nhà ở Phần Lan đã tăng trung bình 4%. Thị trường bất động sản nóng lên và số lượng các khoản vay thế chấp được giải ngân cao kỷ lục.
Mất cân bằng cung – cầu đã góp phần khiến già nhà tăng lên nhanh chóng trong năm 2021. Người dân cũng tích lũy được nhiều tiền hơn để mua nhà do không đi du lịch và giải trí trong thời gian đại dịch.
Các nhà kinh tế cho biết dù Phần Lan có trải qua một đợt suy thoái tài sản tạm thời hay không, thì xu hướng đô thị hóa của Phần Lan vẫn sẽ tiếp tục, làm tăng giá nhà ở các trung tâm đô thị.
-
Giao dịch đất nền bật tăng
Trong quý 4/2022, lượng giao dịch đất nền thành công là 149.197 giao dịch, bằng khoảng 130% so với quý trước đó.
-
Khó chồng khó, doanh nghiệp bất động sản phá sản tăng gần 40%
Theo Bộ Xây dựng, năm 2022 số doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
-
Bất động sản 2022: Một năm lạ lùng
Đầu năm 2022, sốt giá bất động sản diễn ra tại nhiều nơi. Giá đất tăng từ 2 đến 3 lần, nhưng cuối năm thị trường gần như đóng băng, nhiều nhà đầu tư muốn cắt lỗ cũng không thành. Gam màu xám được dự báo sẽ còn phủ lên thị trường bất động sản cho đến ...