05/12/2013 7:39 AM
Đã triển khai được 6 tháng, nhưng số vốn giải ngân trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội vẫn rất thấp. Lý giải điều này, cả ngành ngân hàng và xây dựng đều cho rằng nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, nên số dự án đủ điều kiện cho vay, giải ngân chưa nhiều. Các cơ quan này cũng khẳng định sẽ nỗ lực tháo gỡ mọi "rào cản", đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ này trong năm 2014.

Kết quả vay hỗ trợ nhà

ở gói 30.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy, đến hết tháng 10, tổng vốn đã giải ngân là 342 tỷ đồng. So với 30.000 tỷ đồng của cả gói hỗ trợ, con số giải ngân chiếm một tỷ lệ khiêm tốn, khiến không ít người cảm thấy lo ngại về sự ì ạch của một chính sách vừa mang tính an sinh xã hội, vừa được kỳ vọng là động lực "phá băng" thị trường bất động sản. Giải thích cho sự chậm trễ này, NHNN cho rằng, nguồn cung nhà ở xã hội quá ít, vì vậy số dự án đủ điều kiện cho vay, giải ngân chưa nhiều.


Nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm). Ảnh: Duy Anh

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, muốn giải ngân nhanh gói tín dụng này phải có nguồn cung nhà xã hội lớn hoặc nhiều nhà ở thương mại dưới 15 triệu đồng/m2, diện tích dưới 70m2/căn hộ. Nhưng cung nhà ở xã hội không thể tăng nhanh được vì chiến lược nhà ở mới triển khai và quá trình phát triển nhà ở xã hội cần dài hạn. Trong khi, ước tính nhu cầu cả nước cần hơn 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, đầu tư nhà ở xã hội không được doanh nghiệp (DN) "mặn mà" do lợi nhuận thấp hơn nhà ở thương mại. Ngoài ra, thủ tục, yêu cầu giải ngân cũng phải chặt chẽ, nếu không rất dễ bị lợi dụng làm sai đối tượng, hỗ trợ không đúng mục đích.

Cùng với đó, tiến độ chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội và điều chỉnh cơ cấu diện tích căn hộ cũng rất chậm. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xem xét, thẩm định khoảng 25 dự án xin chuyển đổi từ thương mại sang nhà xã hội, nhưng mới có 6 dự án có quyết định cho phép. Cả nước có tổng cộng 57 dự án đăng ký, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số dự án nhà ở, khu đô thị mới đã triển khai. Các chủ đầu tư cho rằng, sở dĩ việc chuyển đổi dự án chậm là do ảnh hưởng đến các chỉ tiêu quy hoạch (mật độ dân số, hạ tầng kỹ thuật, xã hội…), cùng nhiều thủ tục liên quan đến tiền sử dụng đất, đầu tư hạ tầng. Thậm chí, trong bối cảnh thị trường hiện nay, nhà xã hội còn phải cạnh tranh với nhà ở thương mại giá rẻ, cũng được hưởng hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ đồng, nhưng lại có lợi thế hơn do không bị ràng buộc các điều kiện về hộ khẩu, mua bán, cấp giấy chứng nhận sở hữu… Mặt khác, trở ngại lớn nhất với khách hàng cá nhân là việc phải chứng minh khả năng trả nợ, bởi đối tượng được thụ hưởng chính sách vốn dĩ đã là người thu nhập thấp.

Trước những trở ngại trong việc triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, cả NHNN và Bộ Xây dựng đều khẳng định, sẽ sớm được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Và ngay sau đó, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số hướng dẫn, xác định đối tượng được vay hỗ trợ nhà ở, theo hướng mở rộng hơn. Cụ thể, bổ sung thêm trường hợp người có đất ở nhưng diện tích nhỏ hơn diện tích được cấp phép xây dựng theo quy định. Trường hợp con, cháu đã lập gia đình, cùng một hộ khẩu với chủ hộ, được coi là hộ độc lập và được vay vốn hỗ trợ nhà ở. Đối với DN, ngoài đối tượng đã được quy định trước đây, bổ sung thêm chủ đầu tư dự án nhà sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp, nhà ở người thu nhập thấp khu vực đô thị, chủ đầu tư dự án nhà thương mại chuyển công năng sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, liên quan đến việc xác nhận thu nhập, thông tư mới nêu "đối tượng được vay vốn không phải xác nhận về thu nhập", nhưng "trường hợp ngân hàng yêu cầu khách hàng chứng minh thu nhập để bảo đảm phương án trả nợ thì thực hiện theo quy định ngân hàng". Như vậy, về bản chất không có gì thay đổi ở điều kiện này, trong khi như đã nói, đây là trở ngại lớn nhất đối với khách hàng cá nhân.

Đối với DN, Chính phủ đã ban hành nghị định về quản lý nhà ở xã hội (có hiệu lực từ tháng 1-2014), đáng chú ý, dự án chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà xã hội được Nhà nước trả lại tiền sử dụng đất hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính. Ngoài ngân hàng thương mại, DN còn được vay ưu đãi từ ngân sách, từ nguồn trái phiếu của địa phương; được dành 20% quỹ đất làm nhà thương mại để bù đắp chi phí. Trường hợp làm nhà cho thuê bằng vốn ngoài ngân sách, được Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xã hội.


Đến hết tháng 10, trong số 939 khách hàng cá nhân được ngân hàng cam kết cho vay với số tiền là 333 tỷ đồng, có 905 khách hàng đã được giải ngân, với dư nợ 220 tỷ đồng. Trong khi, với khách hàng DN, NHNN xác nhận 7 trường hợp được cam kết cho vay 870 tỷ đồng và 4 DN trong số đó đã được giải ngân 122 tỷ đồng. Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 96 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, với quy mô hơn 31.800 căn, trong đó 34 dự án cho người thu nhập thấp, với quy mô 18.800 căn. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mới có 21 dự án hoàn thành, với quy mô hơn 6.500 căn, trong khi nhu cầu nhà ở xã hội tại hai địa phương này là 171.000 căn hộ.
Khánh Khoa (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.