Cấp giấy phép quy hoạch - phải đảm bảo tính khả thi
Theo dự thảo cấp giấy phép quy hoạch, loại giấy tờ này chính là cơ sở pháp lý để chủ đầu tư lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình và là căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư xây dựng.
Các trường hợp cấp giấy phép quy hoạch gồm dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung tại khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết; dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung tại khu vực trong đô thị có quy hoạch phân khu nhưng chưa đủ các căn cứ để lập quy hoạch chi tiết...
Nhìn chung, đại diện của các Sở ban ngành trên địa bàn TP đều cho rằng, việc ban hành Quy định về cấp giấy phép quy hoạch là cần thiết song cần có những quy định chặt chẽ hơn. Theo đại diện Sở GTVT, với quy định tại khoản 4 điều 10 của dự thảo cần thể hiện sự phân cấp rõ ràng vì nếu không các nhà đầu tư không biết phải đi đâu, về đâu để làm thủ tục.
“ Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã cấp giấy phép quy hoạch cho các dự án đầu tư xây dựng theo quy định của UBND Thành phố trong phạm vi được phân cấp lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng nằm trong phạm vi địa giới hành chính của quận, huyện, thị xã quản lý sau khi có ý kiến thỏa thuận về quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng của các cơ quan liên quan, trừ các trường hợp được quy định tại khoản 2 khoản 3 và khoản 5 Điều này.Việc phân cấp được thực hiện theo lộ trình khi có đủ điều kiện theo quy định.” (khoản 4 điều 10 của dự thảo)
Về việc lấy ý kiến của đại diện cộng đồng khu dân cư, theo ý kiến củ Sở GTVT, cần xác định rõ “đại diện” này là ai và nếu như các ý kiến đó không đồng ý hoặc chưa thỏa thuận xong mà đã hết thời hạn thì có làm được không? Ngay chính cơ quan tiến hành soạn thảo văn bản này, đó là Sở Quy hoạch và kiến trúc cũng thừa nhận, việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư rất khó nhưng đó là quy định bắt buộc trong Luật và Nghị định 37 của Chính phủ. Tuy nhiên, quy định này vẫn có điều kiện “mở”, đó là khi không đạt được thỏa thuận hay quá thời hạn thì có thể báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định. Đại diện Sở Xây dựng cho rằng, việc xin ý kiến sở ngành – một trong các bước của thủ tục xin cấp giấy phép – là khó khả thi vì bản thân các cơ quan đó chẳng thể có ý kiến gì khi mà tất cả chưa đâu vào đâu.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, quy định này chính là việc cụ thể hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư các dự án, song nhiều quy định của dự thảo lặp lại các quy định trong Luật quản lý đô thị hay nói như đại diện Sở Tư pháp, dự thảo này hơi “lạm quyền” của Chính phủ. “Do đó, vấn đề là ở chỗ TP thực hiện các quy định đó như thế nào, cần cụ thể hóa điều gì thì quy định chứ không cần ban hành một văn bản có quá nhiều điều đã được đưa trong Luật rồi.”
Điều tra, rà soát sẽ “bật” ra ngay các thửa đất nhỏ lẻ
Sở Quy hoạch kiến trúc đề xuất, đối với các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường mới mở, các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, hiện đang tồn tại dọc theo các tuyến phố mới mở trên địa bàn TP, có diện tích dưới 15m2 và có kích thước mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng dưới 3m cần phải nhanh chóng bị áp dụng các biện pháp xử lý.
Các biện pháp xử lý mà UBND các quận, huyện, thị xã có thể lựa chọn áp dụng đó là cho phép chủ sử dụng đất thực hiện việc hợp thửa đất và hợp khối nhà; tổ chức thu hồi đất để thực hiện theo quy hoạch được duyệt; cho phép chủ sử dụng đất được tổ chức khai thác, sử dụng thửa đất đúng mục đích quy hoạch được duyệt.
Phó chủ tịch TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng, việc xử lý tình trạng đất không đủ điều kiện xây dựng (hay còn gọi là siêu mỏng, siêu méo) có thể chia làm hai. Đối với trường hợp trước khi có quyết định của UBND TP, các quận, huyện, thị xã phải có trách nhiệm rà soát, phân loại để xử lý đối với việc cấp phép sai, không cấp phép hoặc có phép nhưng làm sai phép. UBND các quận, huyện, thị xã phải lập quy hoạch chi tiết chinh trang đường phố thì thu được hết, không vướng gì cả, thậm chí có nơi còn thu trắng .
“Nếu như chúng ta quy định vào thời điểm NĐ 69 đã ra đời cho phép tất cả các quận, huyện tiến hành điều tra, khảo sát lên danh sách các hộ gia đình. Như vậy sẽ “bật” ra ngay các chỗ đất nhỏ, đất không được phép xây dựng. Ông Khanh cũng cho rằng đối với chính sách giải phóng mặt bằng, không hề có quy định nào “bó” chúng ta cả, chỉ có duy nhất một vấn đề đó là tái định cư mà thôi mà việc này hoàn toàn có thể xử lý được.