Mặt bằng bị trả hàng loạt
Qua Tết hơn 1 tháng nay, Covid-19 dần được kiểm soát nhưng hàng loạt mặt bằng đang đóng cửa trên "đất vàng" đường Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) vẫn chưa có người thuê. Thậm chí, số lượng mặt bằng rơi vào cảnh cửa đóng then cài, bên ngoài chi chít số điện thoại liên hệ cho thuê, lại càng nhiều hơn.
Những mặt bằng nằm liên tiếp trên đường Đồng Khởi bị trả hàng loạt. Ảnh: Hồng Phúc.
Ghi nhận của Dân Việt cho thấy ngoại trừ khách sạn, nhà hàng có thương hiệu lớn vẫn còn duy trì hoạt động, 80-90% mặt bằng nhỏ cho thuê đều đã đóng cửa.
Trái với cảnh nhộn nhịp, luôn được giới kinh doanh săn đón trước đây, con đường được mệnh danh là đường "5 sao" này hiện trong tình trạng rất ảm đạm.
Ngay góc đường Đồng Khởi - Lý Tự Trọng, 3 - 4 mặt bằng, mỗi mặt bằng khoảng 30 - 40m2 nằm liền kề đã ngừng hoạt động.
Trước đây, các cửa hàng này bán đồ lưu niệm, đồ thủ công, mỹ nghệ rất hút khách du lịch quốc tế do nằm cạnh Nhà thờ Đức Bà và Trung tâm thương mại Vincom sầm uất.
Vừa qua khỏi Nhà hát TP.HCM, công viên Lam Sơn, khách sạn Sheraton Sài Gòn và các thương hiệu thời trang xa xỉ, mặt bằng kinh doanh hàng lưu niệm, cà phê, ẩm thực, thời trang hai bên đường Đồng Khởi bị trả không thương tiếc.
Nhiều đoạn đường 5 - 6 mặt bằng nằm cạnh nhau đều không thể trụ được vì dịch bệnh Covid-19. Không chỉ mặt bằng nhà phố cho thuê, ngước lên các dãy chung cư trên đường Đồng Khởi, nơi mà trước đây là điểm kinh doanh thời trang, cà phê cũng đều đã đóng cửa, hoang vắng.
Cùng 2 - 3 nhân viên thu dọn đồ đạc chất lên xe tải, lỉnh kỉnh quầy kệ, tranh ảnh, anh Hoàng Nam (quản lý phòng tranh và hàng lưu niệm) trên đường Đồng Khởi rầu rĩ cho biết, sau đúng 1 năm gắng gượng, không thể trông mong vào tình hình hiện nay nên buộc phải trả mặt bằng.
Một cửa hàng đang chất đồ đạc lên xe tải, trả lại mặt bằng "đất vàng" đường Đồng Khởi. Ảnh: Hồng Phúc
Cách chỗ anh Nam chưa đến chục mét là một cửa hàng khác cũng đang chất đồ đạc lên xe ba gác. Cảnh tượng này một năm qua tại đường Đồng Khởi đã quá phổ biến và nhiều hơn hẳn so với cảnh thi công mặt bằng, chuẩn bị cho một cửa hàng mới mọc lên.
"Tính ra tôi vẫn còn kiên trì chứ nhiều nơi họ đã đóng cửa, nghỉ luôn vài tháng trước. Nhưng đợt dịch Covid-19 mới đây đã thổi bay ý định tiếp tục gắng gượng của tôi. Ở đây (đường Đồng Khởi) mà không có khách nước ngoài thì xác định phá sản, tiền ở đâu mà đổ vào để trả tiền thuê hàng tháng", anh Nam nói.
Giá thuê mặt bằng đường Đồng Khởi bao nhiêu?
Vừa qua Tết, đến thời điểm tái ký hợp đồng thuê, chủ nhiều cửa hàng trên đất vàng Đồng Khởi đã buông xuôi vì không còn đủ năng lực tài chính.
Chủ nhiều cửa hàng cho biết giá thuê mặt bằng trên con đường này lên đến vài trăm triệu đồng mỗi tháng. Với tình hình hiện nay, họ không thể gánh nổi, dù giá thuê đúng là có xu hướng giảm nhẹ so với trước đây.
Những căn nhà phố cho thuê trên đường Đồng Khởi có giá vài trăm triệu mỗi tháng. Ảnh: Hồng Phúc.
Đơn cử, mặt bằng nằm tại góc đường Đồng Khởi - Ngô Đức Kế với diện tích chưa đến 100m2, kết cấu gồm 1 trệt và 2 lầu được môi giới tên Thanh Duy cho biết giá thuê là 350 triệu đồng/tháng, chưa tính VAT. Nếu đồng ý thuê, mặt bằng sẽ được giao ngay đầu tháng 4 tới.
Anh Duy cho biết thêm, các góc đường trên đường Đồng Khởi được xem là vị trí siêu đẹp, rất phù hợp để kinh doanh các ngành F&B, bar vốn rất phổ biến tại khu vực này. Với giá này, tương đương người đi thuê phải trả 4,2 tỷ đồng/năm.
Không nằm ở vị trí góc đường hai mặt tiền, căn 1 trệt 3 lầu số 44 Đồng Khởi được các môi giới bất động sản cho thuê với giá 300 triệu đồng/tháng, tương đương 3,6 tỷ đồng/năm.
Khảo sát thêm cho thấy giá những căn nhà mặt phố gồm tầng trệt và 1 lầu có giá gần 200 triệu đồng/tháng, 1 trệt 2 - 3 lầu thường từ hơn 200 - 400 triệu đồng/tháng, các vị trí đắc địa như góc đường có giá cao hơn từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Nếu không thuê nguyên căn, những tầng nhỏ cũng được "xé lẻ" với giá gần 100 triệu đồng/tháng, tương đương cả tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, theo các môi giới bất động sản, chủ nhà thường không thích hình thức này so với việc cho thuê một lúc nguyên căn.
Theo giới kinh doanh, nếu bỏ hàng tỷ đồng mỗi năm để thuê mặt bằng nhưng lại không có khách ở thời điểm này nên họ rất e dè. Do vậy, nhiều người đang thuê phải bỏ chạy sớm, thậm chí dù chưa đến hạn hết hợp đồng và số lượng mặt bằng bỏ trống, chi chít thông tin cho thuê lại ngày càng nhiều hơn.
-
Khách thuê chưa "nóng" chỗ đã trả cửa hàng, các khu phố "vàng" vắng lặng
Sau Tết, hàng loạt mặt bằng kinh doanh khu vực phố cổ, phố cũ của Hà Nội đóng cửa im lìm, cảnh ảm đạm không có khách thuê tại các khu phố “vàng” lại như sau Tết năm trước.
-
Những dự án hạ tầng giao thông quan trọng nào tại TP.HCM về đích năm 2024?
Trong năm 2024, nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng tại TP.HCM hoàn thành đưa vào khai thác. Ân tượng nhất trong số này là tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Tuyến metro đầu tiên của TP.HCM phải mất 17 năm để hoàn thành kể từ ngày được phê...
-
Tin vui cho người dân tại TP.HCM
Trước thềm Tết Nguyên đán 2025, 4 cây cầu huyết mạch gồm Phước Long, Tăng Long, Tân Kỳ - Tân Quý, và Bà Hom đang trong giai đoạn nước rút để kịp thông xe, sẽ giúp giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ thành phố. Đây là tin vui lớn cho...
-
Hiện trạng con đường dài 600m nhưng tốn hơn 1.000 tỷ đồng để mở rộng ở TP.HCM
Dự án nâng cấp mở rộng đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh) chỉ có chiều dài 600m nhưng sẽ tiêu tốn đến 1.067 tỉ đồng. Gần 1.000 tỉ trong tổng vốn đầu tư sẽ dùng để chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng....