Thị trường đang tiếp tục chứng kiến động thái trả mặt bằng sớm. Ảnh minh hoạ
Công suất thuê sụt giảm
Theo báo cáo thị trường mới nhất của Savills, phân khúc bán lẻ hàng hoá và dịch vụ chịu tác động rất mạnh từ làn sóng dịch Covid-19 trong quý 3 vừa qua, đặc biệt tại TP.HCM.
Về phía khách thuê là các doanh nghiệp & hộ kinh doanh vừa và nhỏ, một số đã phải kết thúc hợp đồng sớm hoặc ngưng tái ký hợp đồng.
Theo Cục Thống Kê TP.HCM, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tại TP.HCM đạt 4 tỉ USD trong quý 3 vừa qua, giảm 64% theo quý và giảm 71% theo năm.
Một số cửa hàng tại khu vực trung tâm đóng cửa trong quý 3 khiến công suất tại khu vực này giảm 2 điểm phần trăm và giá chào thuê giảm 2% theo quý.
Chỉ có một số ít khách thuê vẫn hoạt động trong suốt quá trình giãn cách nghiêm ngặt là các cửa hàng bán lẻ hiện đại, cửa hàng tiện lợi, siêu thị…
Nhận định về thị trường bán lẻ trong những ngày đầu tháng 10 khi yêu cầu giãn cách tại TP.HCM được nới lỏng, bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu của Savills Việt Nam, cho biết trong thời gian một tuần kể từ ngày các trung tâm thương mại bắt đầu mở cửa trở lại, các khách thuê thuộc nhóm F&B hoạt động thiên về hình thức giao hàng tận nơi hơn là khách đến tận cửa hàng để ăn uống.
Về doanh thu, các khách thuê F&B cho biết doanh thu của họ chỉ ở mức khoảng 20-30% so với thời điểm tháng 4-5 khi mà việc giãn cách chưa quá nghiêm ngặt.
Đối với nhóm khách thuê mới, trong ngắn hạn, các thương hiệu nước ngoài thâm nhập vào thị trường bằng hình thức phân phối trực tiếp có thể sẽ trì hoãn do những hạn chế trong vấn đề đóng cửa biên giới.
Các thương hiệu sẽ thâm nhập thị trường thông qua các đối tác phân phối trong nước. Các thương hiệu nước ngoài mới như Sephora và %Arabica dự kiến sẽ vào thị trường trong 2022.
Về phía chủ cho thuê, hầu hết chủ cho thuê vẫn duy trì giá chào thuê. Giá thuê trung bình tương đối ổn định theo quý và theo năm đạt 49 USD (khoảng 1,2 triệu đồng)/m2/tháng.
Đánh giá về những động thái từ phía chủ nhà, bà Trang cho biết dù không giảm giá trên giá chào thuê, họ đã có các chính sách tốt hơn cho các khách thuê mới.
Chẳng hạn như kéo dài thời gian sửa chữa của khách hàng trong thời gian đầu, hoặc giảm từ 30-50% trong 3-6 tháng đầu tiên cho các hợp đồng ký mới từ 3-5 năm.
Ngoài ra, với khách thuê hiện hữu, chủ nhà cũng có những hỗ trợ tích cực thông qua nhiều dự án giảm giá đến 70% giá thuê mỗi tháng cho đến khi hoạt động trở lại, hoặc trực tiếp miễn phí các tháng vừa qua khi các khách thuê không thể mở cửa, cộng với việc giảm 50% giá dịch vụ.
Làn sóng trả mặt bằng sớm
Với ngành nghề ăn uống F&B, một trong những phân khúc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất do tác động của các chính sách giãn cách xã hội, thị trường đang tiếp tục chứng kiến động thái trả mặt bằng sớm, hoặc chấm dứt gia hạn hợp đồng của rất nhiều doanh nghiệp. Trong số đó có cả những thương hiệu nổi tiếng, luôn thu hút được nhiều khách hàng trong thời điểm trước đây như Starbucks, The Coffee House…
Chi phí mặt bằng chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng chi phí của một doanh nghiệp F&B. Tiếp đó là về nhân lực.
Thêm vào đó, trong thời gian qua, để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, các cơ quan chức năng yêu cầu các nhân viên muốn đi làm lại bình thường thì phải được tiêm ngừa vắc xin đầy đủ. Đây cũng là một trong những trở ngại đối với doanh nghiệp.
“Chính vì vậy, việc trả mặt bằng sớm của một hoặc nhiều địa điểm trong chuỗi cửa hàng được đánh giá là một chiến lược hiệu quả của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi họ đang cố gắng để giữ được những cửa hàng hiệu quả để có thể cầm chừng trong thời gian ít nhất là ba tháng tới, sau đó sẽ có động thái để mở rộng các chuỗi trong 2022”, bà Trang cho biết.
Theo bà Trang, thời gian này cũng là lúc chính các doanh nghiệp cần phải ngồi lại và xem xét các chiến lược marketing, chuyển đổi giữa offline sang online, chuyển đổi về cách thức phục vụ khách hàng, chú trọng vào việc chăm sóc khách hàng, nâng cao những trải nghiệm của khách hàng đối với việc chuyển đổi số nhiều hơn.
Về kỳ vọng thị trường trong thời gian tới, bà Trang cho rằng cuối năm là thời điểm trùng với nhiều lễ hội làm gia tăng nhu cầu của mua của người dân nói chung.
Cùng với điều kiện dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt hơn thì việc tiêu dùng, chi tiêu của người dân cũng sẽ bắt đầu quay trở lại, để bù lại nhu cầu mua sắm tiêu dùng bị dồn nén trong sốt thời gian giãn cách vừa qua.
Do đó, quý 4 được kỳ vọng là thời điểm mà mức tiêu dùng bùng nổ mạnh mẽ, từ đó sẽ giúp cho các ngành bán lẻ và đặc biệt là ngành F&B có các dấu hiệu tích cực hơn.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Savills, các doanh nghiệp cần có những chiến lược kinh doanh dài hơn và hiệu quả hơn.
Trong thời gian vừa qua, không chỉ nhóm dân số trẻ, mà cả các tầng lớp trung niên hay cao tuổi cũng đã bắt đầu thích nghi với việc sử dụng công nghệ trong việc mua bán online.
Việc này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng, độ trung thành của họ sẽ giảm lại và họ dễ bị tác động bởi các thông tin, những đánh giá ngay trên online.
“Các thương hiệu cần phải chú ý đến việc thay đổi hành vi tiêu dùng, với những kế hoạch bền vững để giữ được lượng khách trung thành của mình, thông qua việc đưa ra những chiến lược marketing hoặc những chiến lược quảng bá, song song với đó là những chiến lược chăm sóc khách hàng, hậu mãi ngay trong thời gian tới”, bà Trang khuyên.
-
Bán lẻ Hà Nội cần thêm thời gian
Thị trường bán lẻ vừa đi qua quý 3-2021 với những tác động tiêu cực từ đợt bùng phát Covid-19 thứ 4. Theo giới quan sát thị trường, phân khúc này cần thêm thời gian để có thể phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát.
-
Thách thức nào cho động sản bán lẻ cao cấp Việt Nam?
Mặc dù được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn với những động lực phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, thị trường bất động sản bán lẻ cao cấp tại Việt Nam cũng đối mặt với một số thách thức trong ngắn hạn....
-
Một tuyến đường tại TP.HCM vào top những đại lộ bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới
Đường Đồng Khởi tại TP.HCM đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng những đại lộ bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới, theo Cushman & Wakefield.
-
Một phân khúc bất động sản đi ngược xu hướng thị trường, giá thuê tiếp tục tăng
Thị trường mặt bằng bán lẻ cho thuê tại TP.HCM trong 9 tháng đầu năm vẫn diễn ra ổn định, bất chấp tình hình của ngành bất động sản nói chung gặp nhiều khó khăn.