27/11/2022 4:20 PM
Giá nhà tại các nước phát triển có thể giảm tới 20%

Giá nhà ở Thụy Điển tiếp tục giảm nhanh trong tháng 10, trong bối cảnh quốc gia Bắc Âu này đang hứng chịu đợt sụt giảm giá nhà nghiêm trọng nhất suốt ba thập kỷ qua. Bức tranh tương tự đang được dự báo cho nhiều nền kinh tế phát triển khác.

Theo cơ quan dữ liệu Valueguard, Thụy Điển là một trong những quốc gia thúc đẩy tình trạng suy thoái nhà ở toàn cầu do lạm phát tăng cao và các động thái của ngân hàng trung ương nhằm kiềm chế lạm phát. Giá nhà tại đây đã giảm trong 7 tháng liên tiếp khi kinh tế hộ gia đình trở nên eo hẹp do chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

Tình trạng giảm giá liên tục là điều bất thường ở Thụy Điển, nơi mà những đợt điều chỉnh giá nhà trước đó thường diễn ra ngắn ngủi và ít ỏi. Nhiều người mua nhà trẻ tuổi tại đây chưa bao giờ phải chứng kiến thị trường nhà đất sụp đổ.

Thị trường nhà đất đang hạ nhiệt trên toàn thế giới với ít giao dịch hơn trước. Giá nhà ở Canada hiện đã giảm 10% so với mức đỉnh. Bên cạnh Thụy Điển, Mỹ, Anh và New Zealand cũng có thể chứng kiến mức giảm từ đỉnh xuống đáy khoảng 20%.

Marcus Svanberg, một nhà môi giới tại Thụy Điển, cho biết: “Rất nhiều ngôi nhà đang được bán gần với giá chào bán và cuộc chiến trả giá rất hiếm khi xảy ra. Thị trường sẽ khó hồi phục, ít nhất là cho đến mùa xuân năm sau”.

Giá cả bắt đầu giảm từ những ngôi nhà biệt lập, loại hình dễ bị tổn thương khi giá điện tăng cao trong bối cảnh cuộc khung hoảng năng lượng tại châu Âu ngày càng trầm trọng. Hầu hết các dự báo đều cho rằng đà giảm sẽ tiếp tục và mức tăng giá đạt được trong đại dịch có thể bị xóa bỏ vào đầu năm tới.

Chi phí đi vay gia tăng cũng đang gây áp lực tài chính cho các chủ sở hữu bất động sản thương mại, nhiều trong số này đang phải đối mặt với lượng lớn trái phiếu đáo hạn trong những năm tới. Lĩnh vực này đang được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định tài chính của Thụy Điển và nhiều nước phát triển khác. Các ngân hàng cũng được khuyến nghị nên thận trọng khi xem xét việc chi trả tiền mặt cho cổ đông, trong bối cảnh nguy cơ tổn thất tín dụng từ bất động sản ngày càng cao.

Lam Vy (BTS)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.