Ngân hàng được huy động vàng đến ngày 25/11. Ảnh: Lệ Chi.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cũng xác nhận thông tin trên. Tuy nhiên, theo ông Minh, lý do gia hạn không được Ngân hàng Trung ương đề cập trong quyết định.
Chính sách dừng huy động và cho vay vàng được Ngân hàng Nhà nước lần đầu đưa ra từ năm 2010 nhưng chưa nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Các ngân hàng cho rằng đây là mảng nghiệp vụ mang lại lợi nhuận lớn. Thời hoàng kim, có ngân hàng thu lợi nhuận từ vàng cả nghìn tỷ đồng, nhờ làm thu dịch vụ từ sàn vàng và huy động với lãi suất thấp rồi bán ra lấy tiền đồng cho vay với lãi suất cao.
Tuy nhiên, nghiệp vụ này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro cho cả ngân hàng cũng như người dân và gây áp lực lớn tới tỷ giá. Sau khi các sàn vàng đóng cửa, hoạt động giao dịch vàng tài khoản ở nước ngoài cũng bị khóa, ngân hàng trở nên khó khăn với lượng vàng huy động vào mà không thể cho vay. Nhiều nhà băng chỉ có thể cho vay 20-30% lượng vàng đã huy động, trong khi không còn công cụ bảo hiểm rủi ro vì phải dừng giao dịch tài khoản ở nước ngoài.
Ngày 29/4/2011, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư 11 quy định, từ ngày 1/5/2011 các nhà băng sẽ phải ngừng triển khai hợp đồng mới với các khách hàng vay vàng. Cũng từ thời điểm này, các ngân hàng chỉ được huy động vàng phục vụ mục đích chi trả.
Các nhà băng có một năm để tất toán các hợp đồng đã ký, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn vốn và tín dụng trên toàn hệ thống. Đến 1/5/2012, toàn bộ hoạt động cho vay và huy động vàng sẽ phải dừng hẳn. Đây là bước tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước trong lộ trình lập lại trật tự trên thị trường vàng.
Các ngân hàng thời điểm đó cũng đã chuẩn bị cho việc này, họ đã giảm mạnh lãi suất huy động vàng về sát mốc 0% một năm và thu hẹp kỳ hạn xuống dưới 12 tháng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số nhà băng đã đẩy lãi suất huy động vàng, hoặc thông qua hình thức giữ hộ, trả lợi tức lên tới 3-4% mỗi năm.