Trong tháng 4, giá dầu giao kỳ hạn tại NYMEX đã tăng 6,8%. Hôm 29.4, giá dầu giao tháng 6 tại đây chốt ở mức 113,93 USD/thùng, cao nhất kể từ 22.9.2008.
Giá xăng giao tháng 6 tại NYMEX cũng giảm nhẹ 1,5%, xuống còn 3,3479 USD/gallon.
Giá dầu Brent giao tháng 6 tại London (Anh) giảm 77 cent, tương đương giảm 0,6%, chốt phiên ở mức 125,12 USD/thùng.
Tính từ đầu năm 2011 tới nay, giá dầu WTI giao kỳ hạn tại New York đã giảm tới 24%, trong khi giá dầu Brent tại London giảm tới 32%, chủ yếu do tác động của bất ổn chính trị tại Bắc Phi, Trung Đông.
Nếu như thông tin về trùm khủng bố bin Laden, kẻ đứng đầu hệ thống khủng bố al-Qaeda bị quân đội Mỹ tiêu diệt, đã giúp chứng khoán thế giới có những hồi phục đáng kể thì lại có tác động ngược với thị trường dầu thô.
Sau khi thông tin này được công bố, đồng USD tăng khá mạnh so với euro và yen Nhật, và đây chính là lý do để giới đầu tư chọn lựa đầu tư vào thị trường chứng khoán hay đồng bạc xanh chứ không phải là dầu, vàng hay một mặt hàng chủ yếu nào khác.
Cùng với đó, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc và Mỹ lần lượt cho thấy dấu hiệu co hẹp trong tháng 4 vừa qua lại càng gây áp lực khiến giá dầu xuống thấp. Theo báo cáo, chỉ số ISM của toàn ngành sản xuất Mỹ trong tháng 4 chỉ đạt 60,4 điểm, giảm so với mức 61,2 điểm hồi tháng 3.
Tại Trung Quốc, Cục Thống kê quốc gia cho biết, chỉ số quản lý thu mua PMI tháng 4 của toàn quốc giảm xuống 52,9 điểm so với mức 53,4 điểm hồi tháng 3, thấp hơn 1 điểm so với dự báo của các chuyên gia.
Tuy nhiên, trên thị trường cũng xuất hiện những thông tin tác động khác khiến giá dầu thế giới giảm trong thế giằng co. Tại Lybia, nước sản xuất dầu thô lớn thứ ba châu Phi, lệnh ngừng bắn không được thực thi khiến căng thẳng giữa phe nổi dậy chống đối chính phủ và quân đội của nhà lãnh đạo Gaddafi tiếp tục leo thang. Đây được coi là nguyên nhân chính khiến giá dầu chưa thể giảm mạnh.
Tính từ khi xảy ra xung đột tại quốc gia Bắc Phi này, mỗi ngày đã có khoảng 1,3 triệu thùng dầu từ khu vực này bị chặn đường đến với thị trường dầu thô thế giới.