Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng đại diện Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tham quan nhà máy của một doanh nghiệp ở Long An ngày 9-1 - Ảnh: Mai Trần
Đây là ý kiến mà đại diện Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) đưa ra tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu ở Long An ngày 9-1.
Theo đại diện HAWA, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã khiến không ít nhà đầu tư rút dần khỏi Trung Quốc, dịch chuyển sản xuất đến Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là địa điểm hấp dẫn. Ngoài ra, tác động tích cực từ Hiệp định thương mại tự do EU - VN (EVFTA) cũng góp phần đẩy nhu cầu bất động sản công nghiệp trong nước ngày càng cao.
Theo khảo sát, thị trường mặt bằng sản xuất cho ngành gỗ Việt Nam tập trung mạnh nhất tại Đông Nam Bộ với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, có mức giá cho thuê xưởng xây sẵn giao động 2,5-5,5 USD/m2/ tháng với mức thuê tối thiểu 3-5 năm.
Tại các khu vực truyền thống như Bình Dương, Đồng Nai, tỉ lệ lấp đầy và nhanh tại các KCN đã đẩy giá thuê đất từ 80 USD cách đây hai năm lên 135-150 USD/chu kỳ thuê. Các khu vực tiềm năng khác như Long An, Tây Ninh giá thuê cũng tăng ở mức trên 130 USD/chu kỳ.
"Điều này khiến chi phí đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp trong nước tăng cao, cạnh tranh khó khăn với doanh nghiệp ngoại", đại diện HAWA nhận định.
Một thách thức khác của ngành gỗ là lượng lao động đào tạo bài bản chưa đáp ứng đúng kỳ vọng của doanh nghiệp, đa phần phải đào tạo lại, nhất là nhân lực cho các khâu vận hành máy móc công nghệ hiện đại, thiết kế, quản lý sản xuất…
Không những thế, ngành chế biến gỗ của Việt Nam cũng chịu áp lực chuyển đổi số, buộc các doanh nghiệp phải thích nghi nhanh từ thiết kế, công nghệ sản xuất đến thương mại số. Kinh doanh online cũng là xu thế bắt đầu ăn sâu rộng vào ngành nội thất làm thay đổi rất lớn công nghiệp nghiên cứu và phát triển sản phẩm và cách sản xuất ra nó.
"Trong một sản phẩm gỗ, nguyên vật liệu và sản xuất chỉ chiếm 30% giá trị, 70% còn lại là giá trị thiết kế. Sản phẩm có thiết kế đẹp giá bán càng cao. Thống kê của Hội đồng thiết kế Anh khảo sát 1.500 doanh nghiệp về hiệu quả của thiết kế đối với hoạt động kinh doanh và cho thấy cứ 100 bảng Anh chi cho thiết kế sẽ đem lại tăng doanh thu là 225 bảng Anh, giúp doanh nghiệp tăng thêm khoảng 6,3% thị phần", đại diện HAWA phân tích.
Những thách thức này buộc ngành chế biến gỗ trong thời gian phải thay đổi mới thiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu đạt 20 tỉ USD vào năm 2025.
Chia sẻ tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá ngành chế biến gỗ là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất và độ nhạy bén nắm bắt thị trường rất tốt.
Ông Cường cho hay mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 1 triệu m2 sản phẩm thiết kế hạ tầng khách sạn từ 3 đến 5 sao. Trong các thiết kế đó, sản phẩm gỗ và đồ gỗ chiếm tỉ lệ tới 20-30%. Cùng với đó là tốc độ phát triển của thị trường thế giới mở ra cơ hội rất lớn cho ngành chế biến gỗ, hướng đến con số kim ngạch xuất khẩu 20 tỉ USD vào năm 2025.
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2019 lâm nghiệp là một trong ba ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỉ USD. Tổng doanh số xuất khẩu của ngành đạt 11,2 tỉ USD, tăng 19,4% so với năm 2018, với nhóm các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,5 tỉ USD, tăng 18%. Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của nông nghiệp, lâm nghiệp ngày càng chiếm tỉ trọng cao và trở thành nguồn đóng góp quan trọng, tăng trưởng bền vững ở mức hơn hai con số đều trong suốt 20 năm qua.