16/04/2024 3:24 PM
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, từ năm 1990 đến nay, giá bất động sản tại Việt Nam đã tăng từ 100 – 400 lần, trong khi đó giá bất động sản tại Mỹ tăng 100 lần.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, từ năm 1990 đến nay, giá bất động sản tại Việt Nam đã tăng từ 100 – 400 lần, trong khi đó giá bất động sản tại Mỹ tăng 100 lần. Ảnh minh hoạ

Thông tin này được TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ tại hội nghị “Công bố báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam quý 1.2024 và dự báo thị trường quý 2.2024” do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức.

Tốc độ tăng giá bất động sản quá khủng

Tại hội nghị, ông Nghĩa cho biết, thị trường bất động sản đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong các lĩnh vực và có xu hướng ngày càng tăng nóng. Tuy nhiên, giá trị sử dụng bất động sản lại không thay đổi, một miếng đất 10m2 34 năm trước, đến nay diện tích vẫn giữ nguyên nhưng giá trị đã tăng lên gấp nhiều lần.

Lấy dẫn chứng từ ngôi nhà liền kề của mình, chuyên gia này chia sẻ ngôi nhà được ông mua từ năm 1990 có diện tích 100m2, với giá 56 triệu đồng/mảnh. Đến nay, căn nhà đó được trả với giá 20 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, mức độ tăng giá bất động sản là quá khủng khiếp.

Theo ông Nghĩa, từ 1990 đến nay, giá vàng tại Việt Nam và trên thế giới đã tăng 30 lần. Trong khi đó, cùng khoảng thời gian này, giá bất động sản tại Mỹ tăng 100 lần, còn ở Việt Nam tăng từ 100 – 400 lần.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, hiện có hàng nghìn dự án bất động sản đang đắp chiếu tại Hà Nội, lãng phí vô vàn đất đai và tài nguyên, trong số đó các dự án gặp khó khăn về tài chính chiếm đến 60-70%, còn lại là những khó khăn liên quan đến pháp lý và các yếu tố khác.

Liên quan đến vấn đề tài chính của thị trường bất động sản, ông Nghĩa cho biết, những năm gần đây thị trường có nguồn vốn mới là trái phiếu doanh nghiệp, nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam đã nhảy vào thị trường.

Từ đầu năm đến nay, số lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các tập đoàn bất động sản vượt xa các ngân hàng thương mại. Lần đầu tiên, bất động sản chiếm tới 80% lượng trái phiếu phát hành, tức khối lượng phát hành khoảng 7.000 – 8.000 tỷ đồng.

Về vốn của thị trường bất động sản, ông Nghĩa nhấn mạnh: “Gói 120.000 tỷ chúng ta nên quên nó đi. Đây là gói do các ngân hàng thương mại đề xuất hỗ trợ thị trường bất động sản nói chung, trong đó có hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội chứ họ không có trách nhiệm cung cấp vốn cho thị trường bất động sản".

Do đó, ông Nghĩa đề xuất, cần thiết kế một gói hỗ trợ mới và phải triển khai thật bài bản. Hiện nay, có những dự án chung cư mới có giá đến 280 triệu đồng/m2, mức giá này người dân không thể mua nổi.

Theo ông Nghĩa, chúng ta có thể tham khảo một số nước rất phổ cập về chiến lược này tài chính nhà ở. Đơn cử như Singapore, cũng thực hiện thông qua ngân hàng như Việt Nam nhưng lãi suất phải do Chính phủ đề ra, với kỳ hạn cực kỳ hấp dẫn từ 30 – 36 năm, lãi suất người mua phải trả là 2%năm, còn phần lãi chênh còn lại do Chính phủ tài trợ.

Trong khi đó, tại Việt Nam, lãi suất chỉ được hỗ trợ 3 năm, hết niên hạn lãi suất thả nổi rất cao, thời gian cho vay lại quá ngắn. Điều này, là một cản trở lớn cho người nghèo muốn mua nhà.

Khiêm Phạm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.