Vì cơ sở pháp lý chưa rõ ràng do
các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, chưa sát thực tế của TP
nên việc ban hành một chính sách theo hướng quy định chủ đầu tư dự án
phát triển nhà ở có quy mô nhỏ lẻ đóng góp tài chính đầu tư xây dựng
công trình hạ tầng xã hội là chưa thể thực hiện. Việc thu tiền đóng góp
của nhà đầu tư chỉ có thể đặt trong các quy trình thỏa thuận giữa nhà
đầu tư và chính quyền quận huyện.
|
Các dự án căn hộ đi vào hoạt động mang đến nhiều cơ hội an cư cho người dân TPHCM. Ảnh: Cao Thăng |
- PV: Ông có thể nói rõ hơn cách thức thiết lập thỏa thuận giữa nhà đầu tư và chính quyền? Đối tượng mà nghiên cứu này hướng đến?
PGS-TS NGUYỄN TRỌNG HÒA: Hiện
nay ở quận huyện, nguồn vốn cho đầu tư phát triển còn eo hẹp. Chủ đầu
tư có được miếng đất ở đâu là xin đầu tư ở đó, dẫn đến làm dự án nhà ở
theo dạng “trăm hoa đua nở”, thường là trong các khu dân cư hiện hữu,
thậm chí luồn cả vào mọi ngóc ngách. Làm sao Nhà nước có đủ kinh phí để
làm đường, làm trường “chạy” theo? Một căn hộ gần trường học, bệnh viện
hay có công viên sẽ giúp nhà đầu tư bán được giá cao hơn. Đó chính là
động cơ để chủ dự án nhà ở tham gia xây dựng hạ tầng xã hội một cách
trực tiếp hay gián tiếp bằng cách đóng góp kinh phí. UBND các quận huyện
sẽ công bố chủ trương thu, phương pháp tính, kế hoạch chi tiết đầu tư
các công trình hạ tầng xã hội. Trên cơ sở minh bạch các thông tin này,
nhà đầu tư và quận huyện sẽ thỏa thuận. Theo đó, nhà đầu tư cam kết đóng
góp một khoản tiền đầu tư công trình hạ tầng xã hội, UBND quận huyện
cam kết sử dụng số tiền này theo đúng mục đích. Nhà đầu tư có thể tham
gia hoặc không tham gia thỏa thuận. Nếu không tham gia, chủ đầu tư dự án
phải tự xử lý để bảo đảm các chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng xã hội theo đúng
quy định hiện hành mới được triển khai dự án.
- Việc thu tiền đóng góp này đã được đưa ra lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp chưa?
Cách đây 4 năm, khi quận 2 xuất hiện nhu cầu này, chúng tôi đã đề xuất UBND quận chủ động lấy ý kiến các doanh nghiệp nhưng một số doanh nghiệp không quan tâm, một số khác thì từ chối, một số thì đồng ý và muốn đóng góp nhưng tại thời điểm đó quận 2 lại ngại nhận. Viện đã tổ chức 3 đợt khảo sát tại 16/24 quận - huyện từ tháng 10-2010, qua đó cho thấy không phải các quận huyện đều quan tâm như nhau. Qua khảo sát cho thấy, việc thu tiền từ các dự án phát triển nhà ở có quy mô nhỏ lẻ để xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội ở các quận huyện diễn ra một cách tự phát, do thiếu căn cứ pháp lý nên chủ yếu vẫn đi theo hướng thỏa thuận với nhà đầu tư hoặc đề xuất lên UBND TP để xin được phép thu. Chỉ một số quận (2, Bình Tân) đề xuất tương đối rõ ràng về một cơ chế thu chung và minh bạch đối với tất cả các dự án phát triển nhà ở quy mô nhỏ lẻ. Bản chất khoản thu, phương pháp tính, cách thức thu như thế nào, quản lý và sử dụng nguồn thu ra sao được vận dụng không thống nhất tại các quận huyện. Vì vậy, trong báo cáo kết quả của viện cũng nhấn mạnh việc các quận huyện cần tổ chức lấy ý kiến các DN trong từng khu vực để thống nhất, kiến nghị TP.
- Theo quan điểm cá nhân của ông, việc huy động này liệu có khả thi? Khi nào đề án này được ban hành?
Tình trạng bùng nổ các dự án phát triển nhà ở có quy mô nhỏ lẻ trong các khu dân cư hiện hữu có mặt tích cực là đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người dân nhưng nếu không được kiểm soát sẽ làm gia tăng áp lực về hạ tầng xã hội tại các khu vực này. Đó là vấn đề đặt ra do lịch sử phát triển thiếu đồng bộ mà TP đang đối mặt. Nhà nước không phủ nhận nghĩa vụ của mình nhưng phải cần quỹ thời gian, kế hoạch và kinh phí. Muốn tháo gỡ sớm, chúng ta phải nghiên cứu cơ chế để đề xuất theo hướng xã hội hóa. TP đã gặt hái khá nhiều thành công với chủ trương xã hội hóa trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn. Chủ trương xã hội hóa trong phát triển hạ tầng xã hội phục vụ cho các dự án của TP là hoàn toàn khả thi.