Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, rủi ro từ các khoản nợ trong lĩnh vực bất động sản đối với kinh tế Việt Nam đã giảm bớt, tuy nhiên vẫn cần thận trọng về tình trạng không chắc chắn.

https://static1.businesstimes.com.sg/s3fs-public/styles/card_image_large_3x2/public/articles/2023/07/18/gglbqwcn7vlp5c72llep5cllse.jpg?itok=BSK-oZxD

Các nhà phân tích của Fitch cho biết vào ngày 18/7: “Khi lãi suất giảm trở lại, các căng thẳng liên quan đã lên đến đỉnh điểm; đồng thời các kịch bản xấu nhất từng được dự báo sẽ khiến các khoản nợ tiềm ẩn chuyển sang bảng cân đối kế toán quốc gia dường như ít có khả năng xảy ra hơn”.

Việt Nam đã tăng cường các biện pháp hạn chế rủi ro trong lĩnh vực bất động sản, bao gồm thắt chặt kiểm soát cho vay và huy động vốn qua kênh trái phiếu đối với một số phân khúc bao gồm các dự án bất động sản cao cấp. Fitch cho biết Việt Nam vẫn phải đối mặt với rủi ro do có thể có sự chậm trễ trong việc thực thi chính sách sau hàng loạt biện pháp chống tham nhũng, nhất là trong bối cảnh các nguồn dự trữ để chống lại những cú sốc từ bên ngoài trong tương lai đã suy yếu.

Thị trường bất động sản Việt Nam bắt đầu khủng hoảng từ tháng 5/2022 đến nay. Nguyên nhân chính là do giá cả tăng quá cao so với giá trị thực và mức thu nhập trung bình. Bên cạnh đó là các yếu tố như đại dịch Covid-19, chu kỳ tăng trưởng của thị trưởng, triển vọng kinh tế giảm, cùng hàng loạt chính sách thắt chặt về tín dụng, các vưỡng mắc về pháp lý.

Theo khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) với các hội viên là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản, nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì chỉ có 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023, còn 23% doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động được tới hết quý 03/2023. Do vậy, kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục vào cuối năm 2023 là rất khó.

Thị trường bất động sản Việt Nam đang đóng góp 15% tỷ trọng vào GDP của quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp tới những ngành kinh tế khác như xây dựng, vật liệu xây dựng, ngân hàng, chứng khoán... Do vậy, sức khỏe của thị trường này có ảnh hưởng rất lớn với nền kinh tế vĩ mô.

Cũng theo báo cáo của VARs, thị trường bất động sản quý 02/2023 đã diễn biến tích cực hơn so với quý 1, nhưng vẫn cần thêm các động lực mạnh mẽ hơn để có thể tạo sức bật, giúp thị trường sớm “đảo chiều”.

Trong hai quý này, hàng loạt chính sách được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, bao gồm trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 48.687 tỷ đồng, bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2022, cho thấy niềm tin ở nhà đầu tư vẫn còn yếu. Theo thống kê của Công ty chứng khoán VnDirect, bất động sản là nhóm ngành có tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong quý 2 khi chiếm hơn 34,9% tổng giá trị phát hành.

Lam Vy (BTS)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.