Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tiến trình phục hồi sau khủng hoảng vẫn chậm chạp và không ổn định, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) ngày 22/7 đã dự báo tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) có thể đạt 1.200 tỷ USD trong năm nay, sau đó tăng lên mức 1.300-1.500 tỷ USD trong năm 2011 và dao động trong khoảng 1.600 - 2.000 tỷ USD vào năm tiếp theo.
Báo cáo FDI năm 2010 của UNCTAD cảnh báo triển vọng nguồn vốn FDI toàn cầu tiềm ẩn những nguy cơ và bất ổn do quá trình phục hồi kinh tế vẫn rất mong manh.
Diễn biến và vai trò của FDI tuy khác nhau giữa các khu vực, nhưng trong năm 2010, hầu hết các khu vực trên thế giới đều phục hồi FDI.
Các nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi thu hút hơn 50% tổng nguồn vốn FDI toàn cầu và đã đầu tư 25% vào nền kinh tế. Đây là những nền kinh tế dẫn đầu về phục hồi FDI và là các địa chỉ hấp dẫn đối với nguồn vốn này.
Báo cáo FDI năm 2010 của UNCTAD nhấn mạnh hai khuynh hướng mới nổi lên trong chính sách đầu tư toàn cầu xuất phát từ những chuyển động song hành của tiến trình tự do hóa và tiến trình tăng cường các định chế đầu tư để thúc đẩy các mục tiêu chính sách công.
Theo báo cáo này, các hiệp định đầu tư quốc tế (IIA) tăng nhanh với hơn 5.900 IIA được ký kết. Các sáng kiến toàn cầu như đầu tư vào nông nghiệp, cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu, đầu tư giảm tác động của biến đổi khí hậu… ngày càng tác động trực tiếp đến các chính sách đầu tư.
Cũng theo báo cáo trên, chỉ riêng dòng vốn FDI đầu tư cho các dự án giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong năm 2009, tập trung vào ba khu vực chính là năng lượng tái sinh, tái chế và công nghệ ít khí thải, đã lên tới 90 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực này trên toàn cầu còn lớn hơn nhiều nếu tính đến các nguồn đầu tư ẩn trong các khoản đầu tư vào các ngành công nghiệp khác và đầu tư của các công ty đa quốc gia.
Các chính sách đầu tư cần tối đa hóa lợi ích và tối thiểu hóa các rủi ro đối với đầu tư giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính./.
Cafeland.vn - Theo TTXVN