Dự án căn hộ làm... bệnh viện
Theo công bố của Công ty CP đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (Công ty 584), đến cuối tháng 9.2011, số nợ phải trả của công ty lên tới hơn 1.889 tỉ đồng (đầu năm 2011 là hơn 1.457 tỉ đồng), trong đó hàng tồn kho hơn 918 tỉ. Nguyên nhân là do thị trường BĐS khó khăn nên bán hàng giảm. Cụ thể, tại chung cư Tân Kiên (Bình Chánh, TP.HCM) với khoảng 1.000 căn hộ hiện đã bàn giao nhưng mới bán được khoảng 50% số lượng căn hộ, số còn lại bán rất chậm. Trước đó, thời điểm Công ty 584 bàn giao 500 căn hộ Block B dự án Tân Kiên, chỉ có... 14 khách hàng tới nhận nhà, gây thiệt hại cho công ty trong quá trình vận hành, quản lý tòa nhà... Để tháo vốn, Công ty 584 đã bán dự án cho Công ty CP đầu tư y tế Việt Nam để làm bệnh viện. UBND TP.HCM cũng chấp thuận cho chuyển công năng dự án căn hộ Tân Kiên thành bệnh viện nhưng lại vấp phải sự phản đối quyết liệt của một số khách hàng. Mới đây, ông Trần Kim Minh, Tổng giám đốc Công ty 584, đã phải thông báo ngưng việc chuyển chung cư thành bệnh viện và sẽ lập kế hoạch xây dựng lại kể từ ngày 20.11 để giao nhà cho khách vào cuối quý 1/2012 (đối với block A).
Mới đây nhất là Quỹ đầu tư JSM đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng dự
án Peninsula rộng hơn 7.400m2 (Q.2, TP.HCM) gồm hai block với 197 căn
hộ cao cấp thương mại và cho thuê, với giá khoảng 228 tỉ đồng (khoảng 11
triệu USD) cho Công ty CP Sao Sáng Saigon.
Công ty CP đầu tư địa ốc Khang An cũng đã ký hợp đồng nguyên tắc
chuyển nhượng 80% vốn góp dự án khu dân cư tại phường Tân Tạo A (Q.Bình
Tân, TP.HCM) cho đối tác Dacin Holdings. Thương vụ này đã đem về cho
Khang An hơn 300 tỉ đồng.
Chung cư Tân Kiên muốn chuyển thành bệnh viện nhưng không thành - Ảnh: T.B
Áp lực lãi vay
Theo ông Neil MacGregor, Phó giám đốc điều hành của Công ty Savills Việt Nam, thị trường BĐS Việt Nam đang thực sự khan hiếm nguồn vốn. Nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp bán toàn bộ dự án, tìm kiếm đối tác góp vốn, bán nhà ở với số lượng lớn, hoặc bán khu thương mại và văn phòng theo sàn thay vì bán lẻ như trước đây. Lãnh đạo Công ty BĐS Thuduc House (TP.HCM) cho biết công ty cũng được nhiều đối tác mời mua lại một phần hoặc toàn bộ dự án với giá rẻ. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, ai cũng ngán ngại nên không mua.
Ông Lê Chí Hiếu, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, nhận định hiện nay
các doanh nghiệp BĐS đang gặp nhiều khó khăn, nhất là những doanh
nghiệp đang vay vốn ngân hàng với lãi suất cao. Nếu đến hạn trả nợ mà
không "xoay" được tiền, họ phải bán dự án để trả nợ. Trong thời gian
tới, xu hướng chuyển nhượng dự án sẽ còn diễn ra bởi dự báo khó khăn còn
kéo dài. Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Lê Hoàng Châu cũng nhận định do
bị sức ép về lãi vay, lãi gốc…, nhiều doanh nghiệp phải sang nhượng dự
án, thậm chí bán cả doanh nghiệp.
Nắm được tình trạng khó khăn của không ít doanh nghiệp BĐS trong
nước, nhiều doanh nghiệp nước ngoài thực hiện chiến lược “đánh xuống”
khi trả giá thấp hơn từ 30-50% mức giá mà các doanh nghiệp rao bán.
Không chỉ lợi về giá, họ còn "lời" được khâu thực hiện các thủ tục, giấy
tờ... cho một dự án. Đây là khâu mất thời gian, tiền bạc, công sức mà
hầu hết doanh nghiệp nước ngoài đều rất ngán ngại. Không ít chuyên gia
BĐS lo ngại những dự án tốt sẽ bị thôn tính với mức giá rẻ bởi doanh
nghiệp nước ngoài nếu các doanh nghiệp trong nước không tìm được đường
thoát.
Theo ông Lê Hoàng Châu, thay vì bán rẻ dự án, các doanh nghiệp hãy
liên kết, hợp tác với nhau để bổ sung nguồn lực cho nhau cùng phát triển
dự án. Nếu cứ mạnh ai nấy làm, sẽ rất khó để vượt qua được thời kỳ khó
khăn. Trên thực tế, một số công ty cũng đã chủ động tìm đến nhau. Đơn cử
như tại dự án Phước Long Spring Town (Q.9) với số vốn đầu tư khoảng
1.000 tỉ đồng do 4 công ty liên kết với nhau để cùng triển khai.
Khó khăn sẽ thanh lọc những doanh nghiệp yếu nhưng cũng tạo điều kiện để hình thành các tập đoàn BĐS nội địa đủ sức cạnh tranh với nước ngoài.