Trục tuyến Quốc lộ 49B kéo dài từ thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang đến xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, men theo bờ biển là phá Tam Giang. Nơi đây có lợi thế rất lớn để thu hút nhà đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng.
Bỏ hoang, nhếch nhác
Cách đây 8 năm, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Mạc Lê thực hiện dự án khu nhà ở, văn phòng và dịch vụ tắm biển Thuận An.
Dự án nằm ven biển với quy mô xây dựng tòa nhà 5 tầng, gồm văn phòng cho thuê, siêu thị mini, khu thương mại - dịch vụ, bãi tắm biển cao cấp, tổng vốn đầu tư gần 300 tỉ đồng. Người dân thị trấn Thuận An đã rất kỳ vọng vì nghĩ rằng dự án sẽ sớm triển khai, giúp địa phương phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đến năm 2015, tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành quyết định chấm dứt dự án sau khi nhà đầu tư không muốn triển khai.
Sau khi hoàn thành phần thô, các căn nhà thuộc dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị bỏ hoang.
Dự án Khu dịch vụ cao cấp Tam Giang còn dang dở
Cũng tại thị trấn ven biển này, năm 2010, tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Công ty CP Điện tử Tin học Viễn thông thực hiện dự án Khu dịch vụ cao cấp Tam Giang ngay gần biển. Dự án nằm trên tuyến đường Lê Sĩ, tổ dân phố Hải Thành, thị trấn Thuận An; có tổng vốn đầu tư 36 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2016. Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết sau khi được cho thuê đất, nhà đầu tư đã hoàn chỉnh các thủ tục.
Thế nhưng, khi xây dựng hoàn tất các căn nhà riêng biệt thì bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Do dự án chậm tiến độ nên vào năm 2018, Thanh tra Sở KH-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế cách đó không xa, nằm ngay trục Quốc lộ 49B được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2008 cho Công ty CP Xây dựng và Phát triển công nghệ Việt Nam (Vinconstec; trụ sở ở TP Hà Nội) với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỉ đồng. Theo phê duyệt, giai đoạn 1 dự án từ năm 2012-2015 và giai đoạn 2 kết thúc vào năm 2017. "Nhà đầu tư đã thực hiện một phần hạ tầng kỹ thuật ven phá Tam Giang, đường giao thông ven biển và triển khai 10 công trình mẫu, bao gồm 2 ven biển và 8 ven phá nhưng đang dở dang, chưa tô trát" - ông Vui nói.
Chậm xử lý dứt điểm các dự án
Theo ông Vui, dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế chậm tiến độ khoảng 3 năm do vướng mắc trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng và nhà đầu tư kiến nghị được điều chỉnh giảm quy mô dự án từ 72,09 ha xuống còn 30,4 ha và đã được UBND tỉnh thống nhất vào năm 2015.
Đến cuối năm 2019, qua nhiều lần báo cáo phương án điều chỉnh quy hoạch tại Sở Xây dựng, nhà đầu tư vẫn chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Nguyên nhân là hồ sơ báo cáo đều chỉ mang tính phác thảo, chưa có sự đầu tư, nghiên cứu sâu về nội dung điều chỉnh, chất lượng không bảo đảm yêu cầu. Bên cạnh đó, nhà đầu tư chưa phối hợp với đơn vị tư vấn có đủ năng lực tư vấn lập quy hoạch theo quy định.
Đáng chú ý, tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiều lần đưa dự án này vào diện giám sát đặc biệt. Năm 2017, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết đưa dự án này thuộc danh mục các dự án có chế độ giám sát đặc biệt. Tiếp đó, vào năm 2018, các sở, ngành của tỉnh này thống nhất kiến nghị UBND tỉnh chấm dứt hoạt động đầu tư và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án này. Tiếp đó, vào ngày 14-1-2019, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương tham mưu thu hồi dự án trên. Thế nhưng, trả lời Báo Người Lao Động mới đây, đại diện Sở KH-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết Vinconstec vừa có văn bản mong muốn được tiếp tục thực hiện dự án và đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Vì vậy, UBND tỉnh đang giao cho các ngành nghiên cứu báo cáo để có phương án xử lý dứt điểm dự án.
Trong khi đó, đối với dự án Khu dịch vụ cao cấp Tam Giang, ông Nguyễn Đại Vui khẳng định vào cuối năm 2018, nhà đầu tư đề xuất mở rộng dự án lên khoảng 12 ha, bao gồm 0,85 ha cũ và khoảng 11 ha phần diện tích rừng phòng hộ để thuê dịch vụ môi trường rừng. Nhưng đề xuất này ngay lập tức bị bác bỏ vì không phù hợp với các quy hoạch liên quan. Năm 2019, nhà đầu tư đề xuất bổ sung chức năng lưu trú cho dự án và UBND tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng, UBND huyện Phú Vang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch cục bộ quy hoạch chung điều chỉnh thị trấn Thuận An mở rộng, trong đó nghiên cứu bổ sung chức năng lưu trú.
"Trường hợp được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thống nhất điều chỉnh quy hoạch bổ sung chức năng lưu trú, các sở, ngành sẽ tham mưu điều chỉnh mục tiêu của dự án" - ông Nguyễn Đại Vui nói.
Vướng giải phóng mặt bằngDự án Khu du lịch nghỉ dưỡng phát triển thể chất kết hợp vui chơi, thể thao Lộc Bình (tại xã Vinh Hiền và Lộc Bình, huyện Phú Lộc) được tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Văn Phú Resort - Lộc Bình vào tháng 2-2019. Dự án có diện tích lên đến 248 ha, dự kiến khởi công trong quý III/2020 và hoàn thành vào quý IV/2023. Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc bồi thường giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều vướng mắc như áp giá bồi thường, bố trí tái định cư vì đây là thỏa thuận giữa nhà đầu tư với người dân bị ảnh hưởng. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện dự án còn gặp một số quy trình thủ tục kéo dài như thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (phải do Thủ tướng quyết định), làm ảnh hưởng đến các thủ tục liên quan tiếp theo. |
-
Thừa Thiên Huế thu hồi khu “đất vàng” bỏ hoang gần 10 năm
Khu “đất vàng” 73 Nguyễn Huệ (TP. Huế) đã bị bỏ hoang nhiều năm qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã hủy quyết định trúng đấu giá khu đất này và Sở TN&MT cũng đã thu hồi giấy chứng nhận cấp cho doanh nghiệp về quyền sử dụng khu đất.
-
Thừa Thiên Huế vừa điều chỉnh nội dung gì trong đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài?
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn I, II, III, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
-
Đề xuất loạt khu đất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án tại Thừa Thiên Huế
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Tờ trình số 12190/TTr-UBND đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết phê duyệt danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế...
-
Có gì đặc biệt trong quy hoạch khu đô thị hơn 185ha, quy mô 20.000 người ở Thừa Thiên Huế?
Khu đô thị phía Bắc, phường Hương An, Hương Sơ, Hương Vinh (TP. Huế) và xã Hương Toàn (Hương Trà) có diện tích hơn 185 ha, quy mô dân số 20.000 người.