07/06/2017 7:58 AM
Được khởi công năm 2011 với tổng mức đầu tư 1.352 tỷ đồng, đến nay Dự án (DA) Trường Đại học Hoa Lư (Ninh Bình) trong tình trạng xây dựng dở dang rồi bỏ hoang. Dẫu vậy, Bộ KH&ĐT vẫn bố trí bổ sung vốn.
Trường ngàn tỷ bỏ hoang
Năm 2010, UBND tỉnh Ninh Bình ra quyết định đầu tư DA Trường ĐH Hoa Lư với số vốn từ ngân sách Trung ương. Dự án do Trường ĐH Hoa Lư làm chủ đầu tư, được xây dựng từ năm 2011, dự kiến hoàn thành và đi vào sử dụng đầu năm 2016. Tuy nhiên, đến nay DA gần như bốn bề cỏ dại. Trên diện tích 15 ha của DA, những khối nhà cao tầng xây xong phần thô.
Theo chủ đầu tư, nguyên nhân khiến DA này chậm tiến độ, bỏ hoang là thiếu vốn. Mỗi năm UBND tỉnh Ninh Bình cấp khoảng 10 tỷ đồng nên xây dựng hết số vốn này, DA dừng và chờ đợi.
Trước thực trạng trên, dựa trên đề nghị của UBND tỉnh Ninh Bình về việc hoàn chỉnh phương án phân bổ kế hoạch vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương năm 2015, Bộ KH&ĐT đã rà soát, trình Chính phủ bố trí kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2015 cho dự án này thêm 10 tỷ đồng.
Trong giải trình gửi đến Kiểm toán Nhà nước, Bộ KH&ĐT cho biết, DA này được giao kế hoạch hằng năm là dự án nhóm A (theo Luật Đầu tư công) với tổng mức đầu tư 1.352 tỷ đồng. Số vốn đã bố trí đến hết năm 2015 là 222,9 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trung ương 72,1 tỷ đồng; ngân sách địa phương 150,8 tỷ đồng từ chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng để thực hiện các hạng mục (nhà hiệu bộ, nhà thư viện, giảng đường A, giảng đường B, san lấp mặt bằng cổng, tường rào, xây dựng hạ tầng, nhà xưởng thực hành, nhà y tế).
“Tại thời điểm giao kế hoạch năm 2015 chưa có văn bản nào thông báo về việc không tiếp tục thực hiện DA. Do đó, tại thời điểm này chưa thể khẳng định được DA đã dừng xây dựng và không phát huy hiệu quả. Đề nghị Kiểm toán Nhà nước không đưa nội dung này vào Biên bản kiểm toán”, Thứ trưởng KH&ĐT Đào Quang Thu nêu trong văn bản giải trình gửi đến Kiểm toán Nhà nước.
Trường ĐH Hoa Lư bỏ hoang nhưng vẫn được Bộ KH&ĐT bố trí vốn đầu tư. Ảnh: Quỳnh Nga.
Lỗi tại cán bộ ngồi… bàn giấy?
Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Lư Nguyễn Mạnh Quỳnh, DA mở rộng trường nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo trên 10.000 sinh viên mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng sinh viên thực tế chỉ vài trăm nên cơ sở vật chất trường cũ cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy.
“Những năm gần đây, chúng tôi đặt chỉ tiêu tuyển sinh 800 sinh viên. Nhưng số lượng sinh viên thực tế rất ít, chỉ khoảng 300-400 sinh viên/năm. Sinh viên ít nên cơ sở vật chất cũ cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy”, ông Quỳnh cho biết.
Trao đổi với PV Tiền Phong qua điện thoại, Thứ trưởng KH&ĐT Đào Quang Thu cho biết, Bộ KH&ĐT chỉ phân bổ tổng nguồn vốn đầu tư phát triển về địa phương, UBND tỉnh sẽ phân bổ chi tiết từng dự án và trình lên để Bộ KH&ĐT rà soát lần cuối cùng. Dự án này Bộ duyệt trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Ninh Bình.
“Cả nước có tới 5.000 - 6.000 dự án phải rà soát, trong khi cán bộ của Bộ KH&ĐT chủ yếu ngồi bàn giấy nên rà soát xảy ra sai sót trong quá trình thẩm định dự án. Đôi lúc anh em rà soát không hết, hàng nghìn dự án nên dẫn đến sai sót. Tôi đang đi công tác, khi về sẽ yêu cầu cán bộ chuyên trách giải trình thêm”, ông Thu nói.
Ông Thu cũng thừa nhận, Bộ KH&ĐT có sai phạm là thẩm định chưa rõ ràng để lọt dự án chưa hiệu quả. Với dự án này, 10 tỷ đồng bố trí kế hoạch vốn năm 2015 có thể dùng thanh toán nợ đọng của dự án, chứ khi dự án dừng hoạt động, cũng không thể tiêu được vốn. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, Bộ KH&ĐT là cơ quan cuối cùng rà soát dự án trước khi trình Thủ tướng phải chịu trách nhiệm nếu số vốn cho dự án không hiệu quả. Xảy ra sai sót như DA này do Bộ KH&ĐT rà soát dàn trải, gây thất thoát. Từng đồng vốn từ ngân sách nhà nước là tiền thuế của người dân thì phải sử dụng hợp lý.
“Bộ KH&ĐT là cơ quan tổng hợp thì phải xét về quá trình lập dự toán, thẩm định dự án. Dù dự án mới thực hiện, đang thực hiện hay thực hiện xong, Bộ KH&ĐT phải thẩm định, phê duyệt lại chứ không thể nói là không biết. Dự án dừng lại gây thất thoát phải quy trách nhiệm”, ông Long đánh giá.
“Cả nước có tới 5.000 – 6.000 dự án phải rà soát, trong khi cán bộ của Bộ KH&ĐT chủ yếu ngồi bàn giấy nên rà soát xảy ra sai sót trong quá trình thẩm định dự án. Đôi lúc anh em rà soát không hết, hàng nghìn dự án nên dẫn đến sai sót”.
Thứ trưởng KH&ĐT Đào Quang Thu
Chủ đề: Bỏ hoang
Quỳnh Nga (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.