Thu hồi đất và nhà của gia đình ông Ba có từ năm 1986, nhưng Quyết định thu hồi là đất trồng cây hàng năm khác
Được biết, Dự án mở rộng QL1A, đoạn qua địa phận xã Bình Hiệp (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng liên tục gửi đơn khiếu nại đi khắp nơi để tìm sự công bằng và đòi quyền lợi hợp pháp trong việc đền bù thu hồi tài sản của họ. Người dân nơi đây, ngày đêm mong mỏi sớm được giải quyết thỏa đáng để ổn định cuộc sống, cũng như góp phần thúc đẩy dự án triển khai đúng tiến độ.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã tìm gặp và lắng nghe chia sẻ từ các hộ dân. Nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân khiếu nại kéo dài khiến dự án phải dậm chân tại chỗ là: Vì người dân cho rằng Ban quản lý dự án Đô thị xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi (gọi tắt là Ban quản lý dự án) thu hồi đất nhưng giá đền bù chưa thỏa đáng, không công bằng giữa các hộ dân với nhau, có một số hộ vì có mối quan hệ nên việc đền bù có phần được ưu ái hơn...
Cụ thể, giá đất khu vực này hiện nay từ 8 triệu đến 10 triệu/m2, nhưng Ban quản lý dự án bồi thường cho các hộ dân ở mức giá rất thấp. Có hộ là 1.2 triệu đồng/m2, có hộ nhận 500.000 đồng/m2, thậm chí có hộ là 30.000 đồng/m2.
Cho rằng việc đền bù chưa thỏa đáng nên hàng chục hồ dân nơi đây liên tục gửi đơn khiếu nại
Còn về vật kiến trúc trên đất, có gia đình không bị tháo dỡ cũng được đền bù?, hoặc chỉ mới trúng cửa mà được đền bù cả nhà?, cùng một loại cây nhưng có gia đình được đền bù giá cao nhưng có gia đình đền bù giá thấp?.
Ngoài ra, các hộ dân cũng cho rằng, Quyết định 67/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành thời kỳ 5 năm (2014-2019) được Ban Quản lý dự án làm căn cứ bồi thường cho dân là chưa hợp lý, quá thấp làm ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế cho từng hộ gia đình.
Tiếp tục tiến hành tìm hiểu về sự việc, chúng tôi nhận thấy những phản ánh của người dân xã Bình Hiệp là có căn cứ. Ngoài chuyện giá đất đền bù quá thấp, số tiền được đền bù, cộng với các khoản tiền được hỗ trợ, cũng không đủ để người dân có thể mua lại đất, hay làm lại nhà để an cư. Theo như giá đền bù người dân đã đưa ra và dẫn chứng, thì dường như UBND tỉnh Quảng Ngãi đã để mức giá đền bù gần 10 năm trời mà không thay đổi.
Theo Điều 114 Luật đất đai 2013: Trong thời gian thực hiện bảng giá đất khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp. Thế nhưng, Quyết định 67/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh Quảng Ngãi với những mức giá trên dường như không đổi so với Quyết định số 61/2009/QĐ-UBND ngày 25/12/2009 của UBND tỉnh này do Chủ tịch UBND tỉnh bấy giờ là Nguyễn Xuân Huế ký vẫn là 500.000 đồng/m2 cho đoạn từ cầu Cháy đến giáp ranh xã Tịnh Phong?.
Quyết định cưỡng chế đối với gia đình ông Nguyễn Văn Ba
Sau những khiếu nại, phản ánh của ngươi dân, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi cũng liên tục đối thoại các hộ dân để tìm hướng giải quyết. Nhiều trường hợp cũng được đền bù thỏa đáng, đúng đắn hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trường hợp đang không ngừng phản ánh, khiếu nại vì quyền lợi chính đáng của họ vẫn bị bỏ ngõ.
Đơn cử như trường hợp hộ gia đình ông Nguyễn Văn Ba. Theo phản của hộ dân này, việc đền bù cho gia đình ông vô cùng bất cập, nhiều sai sót.
Theo như lời ông Ba, gia đình ông đang ở trên mảnh đất do ông bà để lại, trước khi mất, ba mẹ ông đã chia cho 4 anh chị em trong gia đình những phần đất để ổn định cuộc sống. Riêng đất và nhà của ông bà được xây từ năm 1986 được giao lại cho ông Ba coi ngó hương khói và là nơi để làm nhà thờ ông bà tổ tiên.
Để thực hiện dự án mở rộng QL1A, ngôi nhà thờ của gia đình ông Ba đã bị thu hồi hơn phân nữa (60m2/100m2 đất ở). Điều khiến gia đình ông Ba bức xúc và gửi đơi khiếu nại, kêu cứu khắp nơi là vì Ban quản lý dự án thu hồi phần đất nằm gọn trong căn nhà thờ của ông bà tổ tiên của gia đình ông, nhưng Quyết định thu hồi là đất trồng cây hàng năm khác, tiền đền bù là 50% đơn giá.
Còn nhiều bất cập trong công tác GPMB tại địa phương này
Sau một thời gian đơn thư khiếu nại, khiến nghị và phản ánh, UBND huyện Bình Sơn cũng đã kịp thời ban hành Quyết định số 1072/QĐ-UBND ngày 18/9/2018 điều chỉnh Quyết định số 1439/QĐ-UBND ngày 06/10/2017 của UBND huyện Bình Sơn về việc thay đổi loại đất thu hồi của gia đình ông Nguyễn Văn Ba trước đây là đất trồng cây hàng năm khác nay điều chỉnh thành đất ở nông thôn.
Thế nhưng, vì sao cho đến nay, gia đình ông Ba vẫn chưa chấp hành tháo dỡ nhà thờ và bàn giao mặt bằng cho dự án?. Để UBND huyện Bình Sơn phải ra Quyết định số 2696/QĐ-UBND ngày 20/9/2019 về việc Cưỡng chế thu hồi đất đối với ông Nguyễn Văn Ba?.
Trả lời với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ba chia sẻ thêm, mặc dù Ban quản lý dự án đã ra Quyết định điều chỉnh về nguồn gốc đất là đất ở nông thôn nhưng giá trị đền bù không hề thay đổi. Đến giờ gia đình ông cũng mới nhận được tiền đền bù theo đơn giá là đất trồng cây hàng năm khác.
Ngoài ra, ngôi nhà mà tâm nguyệt trước khi mất của ba mẹ ông để lại làm chỗ thờ phụng ông bà tổ tiên, cũng là nơi sum vầy của con cháu hàng năm trong ngày giỗ quả ông bà. Nay, ngôi nhà thờ bị giải tỏa, không biết bàn thờ ông bà sẽ phải đưa về đâu. Nguyện vọng gia đình muốn xin được bố trí lại lô đất để cất dựng lại nơi thờ phụng cho ông bà tổ tiên.
Nguyện vọng người dân mong sớm được giải quyết thỏa đáng để dự án được triển khai đúng tiến độ
Trả lời với chúng tôi, một lãnh đạo UBND huyện Bình Sơn cho hay, thời gian qua, UBND huyện, UBND xã Bình Hiệp và Ban Quản lý dự án tiến hành đối thoại riêng với các hộ dân. Mong muốn của chính quyền là tìm ra hướng giải quyết ổn thỏa nhất.
“Một số trường hợp có phản ánh ra ngoài bộ ngành và đang được UBND tỉnh Quảng Ngãi giải quyết”, vị này nói thêm.
Ông Trần Trung Hậu - Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp cho biết thêm rằng, hiện còn khoảng gần 30 hộ dân chưa đồng ý với phương án đền bù và đang còn khiếu nại.
Ông Hậu cũng thừa nhận công tác đền bù giải tỏa mở rộng QL1A còn nhiều bất cập. Như hộ ông Ba mà báo chí phản ánh, đúng là ban đầu đã áp sai loại đất, nhầm lẫn nguồn gốc đất nên sau đó đã điều chỉnh.
“Nhiều trường hợp vẫn đang phản đối nên đối thoại liên tục. UBND sẽ liên hệ với ban Quản lý dự án để lấy thêm hồ sơ về cung cấp cho báo chí”, ông Hậu chia sẻ.
-
8 năm, 8 dự án và 180.000 tỷ đồng: Hòa Phát còn điều gì chưa tiết lộ tại Dung Quất?
Các dự án của Hòa Phát tại Khu kinh tế Dung Quất đã tạo cơ hội việc làm cho khoảng 19.000 lao động.
-
Quảng Ngãi sắp đấu thầu tìm nhà đầu tư cho hai dự án khu đô thị có quy mô ‘khủng’
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa phát đi Công văn số 88/UBND-KT về việc công bố danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh....
-
Nhu cầu về nhà ở xã hội tại Quảng Ngãi là rất lớn
Ông Trần Phước Hiền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa chủ trì họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh....