Sau khi bị Thanh tra Chính phủ ‘tuýt còi’ vì giao đất công trái Luật, UBND TP Cần Thơ buộc phải thu hồi đất và chủ trương đầu tư. Đến nay, dự án khu du lịch Sông Hậu đang để lại gánh nặng lớn cho thành phố.

Dự án khu du lịch Sông Hậu đang để lại gánh nặng lớn cho TP Cần Thơ - Ảnh: Chí Hạnh.

Công ty cổ phần du lịch Sông Hậu (gọi tắt Công ty Sông Hậu) - chủ đầu tư dự án khu du lịch (KDL) Sông Hậu, tại khu vực đất bãi bồi do Nhà nước quản lý, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Công ty này có 3 cổ đông gồm Công ty TNHH TM-DV Địa Cầu góp 71% cổ phần, Nhà khách Cần Thơ (trực thuộc Văn phòng UBND TP Cần Thơ) góp 27% (bằng diện tích đất 94.550m2) và ông Võ Thanh Tùng góp 2%.

Dù là đất công, nhưng UBND TP Cần Thơ cho Công ty Sông Hậu thuê 49 năm (tính từ năm 2011) không qua đấu giá dẫn đến việc bị Thanh tra Chính phủ "tuýt còi". Trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư dự án để xảy ra tai nạn lao động chết người, xây dựng sai phép, trái phép nhiều hạng mục…

Năm 2018, UBND TP Cần Thơ buộc phải ra quyết định thu hồi khu đất trên theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Đã hơn 2 năm, dự án bị thu hồi và Công ty Sông Hậu đang để lại một gánh nặng vô cùng lớn cho thành phố.

Ông Nguyễn Duy Lân - giám đốc Nhà khách Cần Thơ - vừa ký báo cáo gửi UBND TP Cần Thơ về tình hình nợ của Công ty Sông Hậu đối với đơn vị.

Theo đó, tính đến tháng 4-2020 Công ty Sông Hậu đang nợ Nhà khách Cần Thơ số tiền cam kết phụ lục hợp đồng 1,5 tỉ đồng, nợ tiền thuê đất và tiền phạt chậm nộp hơn 5 tỉ đồng.

Ngoài ra, Nhà khách Cần Thơ còn bị Cục Thuế cưỡng chế hóa đơn, chỉ cho phép sử dụng hóa đơn lẻ và buộc trích 18% doanh thu hóa đơn để nộp thuế thay cho Công ty Sông Hậu. Đến nay, số tiền bị trích nộp thuế đã lên đến gần 4,5 tỉ đồng.

Công trình trung tâm tiệc cưới Hoàng Tử đang bị hoang phế, xuống cấp kể từ khi dự án bị thu hồi vào năm 2018 - Ảnh: Chí Hạnh.

Ngày 8-6, ông Nguyễn Duy Lân cho biết - hiện đơn vị đang gặp cảnh vô cùng khó khăn vì dự án khu du lịch Sông Hậu.

"Nhà khách đã có văn bản đề nghị Công ty Sông Hậu hoàn trả tiền nợ thuế và tiền trích nộp thuế dùm nhưng công ty bất hợp tác, không đến dự họp theo thư mời. Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh trên phần đất thuộc dự án vẫn hoạt động và thu lợi nhuận là điều vô cùng bất hợp lý"- ông Lân cho biết.

Cũng theo giám đốc Nhà khách Cần Thơ, do hợp tác với Công ty Sông Hậu nên trước đây đơn vị của ông có 70 nhân sự bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hiện tại con số này còn 57 người, đa số bị ảnh hưởng đời sống, thu nhập do đơn vị gặp khó khăn, không thể lập quỹ phúc lợi, khen thưởng.

"UBND thành phố đã lập tổ công tác xử lý những vấn đề trên nhưng vẫn chưa có tín hiệu gì. Hàng tháng buộc tôi phải báo cáo tình hình khó khăn của đơn vị" - ông Lân nói thêm.

Từ ngày thành lập, Công ty Sông Hậu còn được Quỹ đầu tư phát triển TP Cần Thơ cho vay đầu tư dự án với số tiền gần 60 tỉ đồng. Tính đến 30-4-2020 số tiền lãi và nợ gốc đã lên đến gần 79 tỉ đồng.

Mới đây, Chi cục thi hành án dân sự quận Ninh Kiều cũng có văn bản gửi Sở KH-ĐT TP Cần Thơ để xác minh điều kiện thi hành án món nợ hơn 6 tỉ đồng của Công ty Sông Hậu đối với 3 doanh nghiệp khác. Lý do là Sở KH-ĐT Cần Thơ đang thực hiện tài sản thực tế mà Công ty Sông Hậu đã đầu tư tại dự án nói trên.

Một nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết, từ ngày được UBND TP Cần Thơ cho thuê đất vào năm 2011 đến khi bị thu hồi năm 2018 Công ty TNHH TM-DV Địa Cầu đã không có năng lực về tài chính.

"Qua 7 năm, dự án đã nợ gần 96 tỉ đồng, không có đóng góp gì cho ngân sách và chỉ có Nhà khách Cần Thơ đứng ra nộp thuế và tiền thuê đất thay. Kể từ khi bị thu hồi, trong dự án KDL Sông Hậu xuất hiện thêm công trình của bên thứ 4 là công ty Cầm Thi Giang đầu tư nhà hàng Lúa Nếp. Do đó, hiện nay công tác định giá bồi hoàn chi phí đầu tư và kêu gọi nhà đầu tư mới gặp rất nhiều khó khăn" - nguồn tin cho hay.

Chí Hạnh (TTO)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.