Khu nhà xây xong đã lâu, nhưng không sử dụng được. Ảnh: H.H
Đi cũng dở, ở không xong
Tại địa điểm phải di dời này của VQG Cát Bà, nhóm PV Lao Động đã chứng kiến những cảnh tượng không đẹp đẽ khi nhiều khách du lịch nước ngoài đến thám hiểm khu rừng nguyên sinh ở đây đã luôn chĩa ống kính máy ảnh của họ vào những căn nhà - đúng hơn là những mái lều rệu rã - của mấy chục hộ dân nằm rải rác hai bên đường vào. Không thể không kinh ngạc, rằng tại sao dưới những mái nhà mốc meo, ẩm thấp và tối tăm; nước đọng thành từng vũng lớn trước cửa
vẫn còn người đang ở. Đây chính là nơi cư ngụ của hơn 50 hộ gia đình thuộc khu vực hành chính – dịch vụ của VQG Cát Bà nằm trong kế hoạch di dời đã được triển khai từ năm 2006. Hơn nửa thập niên trôi qua, mặc dù khu nhà mới đã xây dựng từ lâu, nhưng các hộ dân vẫn không được chuyển đến.
Ông Nguyễn Văn Viêm - 78 tuổi, người có thâm niên ở khu vực này 54 năm - kể lại: Năm 1958, người của Nông - lâm trường Cát Bà về tận quê tôi (huyện An Lão, Hải Phòng) tuyển người về làm công nhân. Lúc đó, cả khu vực này còn rất hoang sơ. Vợ chồng tôi được phân một căn phòng (hơn 10m2) từ những năm đó, đến nay, con tôi đã lập gia đình, có 2 cháu, cả nhà 6 con người cũng vẫn sống chen chúc trong căn nhà này. Nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, tường lở loét, nứt ngang dọc, mái thì dột, nền nhà thấp. Mỗi trận mưa là nhà ngập nước, nhà dột, cả đêm không ngủ được. Những trận bão to, ông giám đốc (VQG Cát Bà) lại yêu cầu chúng tôi cùng nhiều hộ khác sơ tán lên hội trường đề phòng nhà sập như năm ngoái.
Theo ông Viêm, từ khi có dự án di dời lên khu vực tái định cư mới bên xã Trân Châu, các hộ dân rất mừng. Mấy năm trước, thấy nhà xây xong, nhưng lại không có bếp và nhà vệ sinh, điện, nước. Chúng tôi kiến nghị, đến năm ngoái, người ta tổ chức cho chúng tôi bốc thăm số nhà của mình. Ai cũng nghĩ sắp được chuyển đến nơi mới, nhưng rồi vẫn chẳng thấy đâu.
Bà Nguyễn Thị Khoảng - 67 tuổi, ra ở đây từ năm 1962 - cho biết: Hiện tại gia đình bà có 2 vợ chồng, 2 con và một cháu nhỏ. Năm 2011, căn phòng của gia đình bà bị đổ sập sau một trận mưa, nên được bố trí sang một phòng khác chưa bị sập, nhưng chật chội, ẩm thấp.
Khu nhà nằm trong vùng lõi VQG Cát Bà đã bị sập nhưng chưa được giải toả vì dự án tái định cư chưa xong. Ảnh: H.H
Tiền “chùa” dân xót
Có mặt tại khu vực tái định cư thuộc khu Khe Sâu, thôn Hải Sơn, xã Trân Châu, huyện Cát Hải, chúng tôi nhìn những dãy nhà đã được xây xong nhưng vẫn bỏ hoang, cỏ mọc cao gần đầu người. 54 căn nhà được xây dựng nhưng công trình phụ vẫn chưa hoàn thiện, hệ thống thoát nước thải của khu dân cư cao hơn với đường thoát của các hộ. Tường nhà của một số căn hộ đã bị nứt, cửa kính một số nhà bị vỡ...
Trao đổi về vụ việc, ông Nguyễn Ngọc Hưng - GĐ Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT Hải Phòng) – đơn vị chủ đầu tư thừa nhận: Dự án còn nhiều vướng mắc nên chưa thể di dân được. Trước đây chủ đầu tư là Chi cục HTX và PTNT, năm 2010 chuyển thành Chi cục PTNT, ông được điều về làm giám đốc. Lúc đó, dự án đã triển khai được một số các hạng mục, nhưng không được nghiệm thu thanh - quyết toán.
Theo đó, năm 2006, dự án đầu tư bố trí, sắp xếp và ổn định dân cư khu vực Khe Sâu, thuộc xã Trân Châu, đảo Cát Bà, huyện Cát Hải được UBND TP.Hải Phòng phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 21 tỉ đồng, trong đó 19,4 tỉ là ngân sách T.Ư cấp. Tháng 7.2008, TP.Hải Phòng điều chỉnh dự án, nâng tổng mức đầu tư lên gần 33 tỉ đồng. Tháng 1.2011, Hải Phòng lại điều chỉnh lần 2, nâng tổng mức đầu tư cho dự án lên 42 tỉ đồng.
Hiện nay, các hạng mục tư vấn giám sát, san lấp mặt bằng, xây 54 căn hộ, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hệ thống điện chưa được nghiệm thu và thanh - quyết toán theo quy định vì còn nhiều vướng mắc. Trong khi đó, theo kết luận của các đoàn thanh tra, do thời gian thi công xây dựng các căn nhà xong từ lâu nhưng không tiến hành nghiệm thu, quyết toán, đưa vào sử dụng, nên một số căn nhà đã bị xuống cấp, nứt cổ trần, nứt tường, mốc tường xây, lún nền. Hệ thống thoát nước thải của các hộ dân được thiết kế đấu nối vào hệ thống thoát nước mặt, đáy nông, tường xây không đảm bảo, chiều rộng nhỏ không hợp lý cho lưu lượng thoát nước, không đảm bảo vệ sinh môi trường vì thoát chung giữa nước mặt và nước thải... đường ống lại cao hơn ống thải của các hộ nên không thoát được. Chi cục Phát triển nông thôn đã có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép đơn vị thi công phá bỏ để làm lại.
Hạng mục cấp nước sinh hoạt cho dân cũng chưa hoàn thiện khi đơn vị thi công tổ chức thử áp lực để kiểm tra hệ thống lưu thông của đường ống. Hệ thống điện của dự án trong thiết kế được phê duyệt là trạm biến áp treo, nhưng chủ đầu tư (trước đây) và đơn vị thi công đã tự ký hợp đồng đổi sang trạm biến áp kín mà không hề báo cáo cấp trên để xin phép điều chỉnh dự án.
Cho đến nay, công tác di dân khỏi vùng lõi của VQG đang rất cấp thiết, người dân cũng tha thiết mong được chuyển đến nơi ở mới, nhưng nhiều hạng mục của dự án tái định cư vẫn đang trong thời gian chờ UBND TP.Hải Phòng cho hướng giải quyết và không biết đến bao giờ, dự án “rùa bò” này mới hoàn toàn kết thúc!
Ông Nguyễn Ngọc Hưng thừa nhận, việc lập dự án ban đầu của chủ đầu tư đã chưa nhìn hết tổng thể, BQL dự án và chủ đầu tư cũng chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc để nhà thầu thi công sai thiết kế, chậm tiến độ... Thêm vào đó, ngân sách được cấp chậm cũng ảnh hưởng đến việc khắc phục các sự cố. Hiện dự án cần 15 tỉ nữa mới hoàn thiện dự án để đưa được dân ra ở. |