26/09/2012 2:03 PM
Có đến cả ngàn dự án căn hộ chung cư xin phép xây dựng trên địa bàn TPHCM và khi hoàn thành sẽ cung cấp cho thị trường hàng trăm ngàn căn hộ, song số lượng dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng cho tới thời điểm này chưa được bao nhiêu.

Một khu căn hộ chung cư đang trong quá trình hoàn thiện trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: Đình Dũng

Theo số liệu của Sở Xây dựng TPHCM, hiện trên địa bàn thành phố có 1.166 dự án với tổng diện tích đất đất được quy hoạch là 13.765 héc ta, và khi các dự án này hoàn thành sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 381.350 căn hộ.

Tuy nhiên, tới thời điểm này mới có 195 dự án đã hoàn thành, chiếm chưa đầy 17% trong tổng số các dự án. Các dự án đang triển khai chiếm phần lớn, với 815 dự án, trong đó có 158 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư và điều chỉnh dự án. Số dự án chưa triển khai là 122, và tạm ngưng là 14.

Kết quả khảo sát tình hình thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn thành phố do Sở Xây dựng thực hiện cho thấy nhiều dự án chậm tiến độ so với thời hạn trong quyết định phê duyệt hay trong quyết định giao đất.

Bên cạnh nguyên nhân thị trường bất động sản ảm đạm kéo dài còn có những lý do khác khiến việc triển khai chậm trễ như bồi thường giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư và thậm chí cả việc chủ đầu tư hết vốn.

Phát biểu tại buổi hội thảo chủ đề tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở nhằm khơi thông nguồn vốn và phát triển ổn định thị trường nhà ở do Sở Xây dựng TPHCM tổ chức ngày 25-9, ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, cho rằng chiến lượt kinh doanh của doanh nghiệp không phù hợp cộng với phân khúc nhà ở không phù hợp, không đảm bảo sự cân đối cung cầu là nguyên nhân đưa thị trường bất động sản sa vào tình trạng trì trệ như hiện nay. Bên cạnh đó, khâu quy hoạch, chính sách, quy định và quản lý cũng có nhiều mặt không phù hợp với điều kiện đô thị của thành phố.

Ông Tài cho rằng phát triển bất động sản cần nguồn vốn lớn để đầu tư, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp có vốn quá ít, còn lại phải dựa vào nguốn vốn vay ngân hàng và trông chờ vào sự góp vốn của cá nhà đầu tư. Điều này đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào cảnh không thể xoay sở được khi thị trường mất thanh khoản.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội bất động sản TPHCM, cho rằng bên cạnh yếu tố vốn, doanh nghiệp bất động sản còn phải chống chọi với những khó khăn khác mà hệ lụy là từ chính sách, quy định về giải phóng mặt bằng, tiêu chuẩn diện tích căn hộ, tiền sử dụng đất… Do vậy phải có cách tháo gỡ các nút thắt ấy thì mới mong thị trường ấm trở lại.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, cho biết qua kết quả khảo sát cho thấy để giảm bớt khó khăn, một số dự án xin điều chỉnh giảm tầng và diện tích căn hộ từ lớn xuống nhỏ hơn cho phù hợp với nhu cầu thị trường.

Hiện các dự án được xây dựng theo tỷ lệ 1-2-1 (25% căn hộ diện tích nhỏ, 50% căn hộ diện tích trung bình, 25% căn hộ diện tích lớn). nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định này hiện nay không còn phù hợp với điều kiện thị trường.

Theo ông Toàn, diện tích căn hộ bao nhiêu nhà nước không nên can thiệp, hãy để doanh nghiệp tự quyết định cho dự án của mình cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Theo Đình Dũng (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.